Greenland phát triển nông nghiệp xanh nhờ băng tan

Greenland phát triển nông nghiệp xanh nhờ băng tan

Trước tình trạng băng tan do hiện tượng ấm lên toàn cầu, các nông dân ở Greenland đã tìm giải pháp nâng cao năng suất và tổ chức canh tác thân thiện với môi trường trong tình hình mới.

 

Greenland phát triển nông nghiệp xanh nhờ băng tan - Ảnh 1.

Bùn được phát triển từ bột đá băng có thể nâng cao năng suất canh tác và hấp thụ CO2 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ông Minik Rosing, chủ tịch Viện Nghiên cứu tiên tiến ở Đan Mạch (DIAS), đã chỉ ra một nghịch lý trên bờ biển gần thủ đô Nuuk của Greenland khi mà băng tan, một trong những hậu quả thảm khốc nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu, lại có thể là yếu tố giúp phát triển nông nghiệp xanh.

Ông Rosing mô tả lớp phù sa siêu mịn lắng đọng khi các sông băng tan chảy là “điều kỳ diệu”.

Nhà địa chất học Rosing cho biết lớp phù sa này được gọi là bột đá băng. Mỗi năm có khoảng 1 tỉ tấn bột đá băng lắng đọng ở Greenland. Loại phù sa này có thể được nghiền nát dễ dàng để tạo thành các hạt có kích thước nano.

Giáo sư Minik Rosing cùng các cộng sự tại Đại học Copenhagen đã phát triển một loại bùn giàu chất dinh dưỡng từ bột đá băng, có khả năng tăng sản lượng nông nghiệp và hấp thụ CO2.

Sau quá trình thử nghiệm loại bùn này, nhóm các nhà khoa học tại hãng sản xuất bia đa quốc gia Carlsberg chỉ ra rằng việc bổ sung 25 tấn bột đá băng trên mỗi hecta đất nông nghiệp đã làm tăng 30% năng suất cây trồng trên các cánh đồng lúa mạch.

Liên quan đến nghiên cứu, nhóm chuyên gia tại Đại học Ghana thuộc thành phố Accra, Ghana cũng công nhận cánh đồng bắp của họ tăng 30% năng suất nhờ sử dụng bột đá băng để bù đắp tác động của mưa và nắng nóng ở vùng đất nông nghiệp cằn cỗi.

Những kết quả khả quan trên thu được nhờ các hạt phù sa có kích thước nano giúp cây trồng tiếp cận với nhiều chất dinh dưỡng hơn so với đất trồng trọt thông thường.

Áp dụng đá hạt mịn vào cải tạo đất canh tác không phải là ý tưởng mới. Tuy nhiên, phương pháp dùng bột đá băng thu hút sự quan tâm rộng rãi vì nó còn có khả năng hấp thụ CO2 trong môi trường.

Qua quá trình thử nghiệm, các chuyên gia ước tính 1 tấn bột đá băng có thể hấp thụ từ 250-300kg CO2 khi được bón trên các cánh đồng.

Nhấn mạnh với Hãng tin Reuters, giáo sư Rosing dự đoán số lượng lớn bột đá băng có sẵn trên các bờ biển Greenland sẽ là giải pháp thay thế bền vững cho phân bón trong công cuộc phát triển nông nghiệp xanh.

Greenland là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm trong vùng khí hậu Bắc cực, bởi vậy nó gắn với những dòng sông và dải băng khổng lồ.

KỲ THƯ
TTO