26/12/2024

Thầy cô giáo có bị thay thế bởi sức mạnh công nghệ thông tin ?

Thầy cô giáo có bị thay thế bởi sức mạnh công nghệ thông tin ?

Thời đại 4.0 với công nghệ phát triển như vũ bão, internet đã dần trở thành những người thầy khổng lồ. Không ít người nghi ngờ về tầm quan trọng của thầy cô giáo khi giả định liệu họ có bị thay thế bởi sức mạnh của công nghệ thông tin, nhất là trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn?

 

 

 

Thầy cô giáo có bị thay thế bởi sức mạnh công nghệ thông tin ? - ảnh 1
Sau nhiều ngày học trực tuyến, cô trò Trường THCS Tây Đằng (Hà Nội) gặp nhau trên lớp Đ.T.Đ

Thầy cô giáo có bị thay thế bởi sức mạng của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 là những quan ngại mang đến cho mỗi người nhiều cảm xúc nhất định. Nhưng, có thể khẳng định, người thầy mãi mãi tồn tại trong thế giới này và dù cho xã hội có phát triển đến đâu thì nhân cách của người thầy cùng với tư duy giáo dục, tâm hồn sư phạm sẽ chẳng bao giờ mất đi. Vị trí của người thầy không ở tên gọi, càng không ở học hàm, học vị hay một minh chứng vinh danh… Vị trí ấy vững vàng, sâu thẳm trong trái tim và khối óc của những người học dẫu là bác học hay một ai đã từng nửa chữ trong thủa còn gắn bó với chiếc nôi và câu hát.

Năng lực của người thầy trong bối cảnh thời đại 4.0 trở thành mối quan tâm của nhiều ngành, nhiều nhà khoa học. Trong bối cảnh dịch bệnh, giáo dục trực tuyến trở thành cứu cánh để có thể triển khai dạy học, giáo dục nhằm tránh đi những kiểu ứng xử hữu khuynh rằng không nhất thiết phải học trong mùa dịch khi mạng sống còn bất ổn. Đúng nhưng chưa đủ, người ta sống thì thật là đáng quý, nhưng đáng quý gấp ngàn lần về kiểu sống hay cách sống của mỗi người.

Có thể khẳng định việc học chậm một năm, một kỳ không làm cho người ta mất đi năng lực nhưng sẽ có thể làm cho người ta lỡ nhịp nhất là sự lỡ nhịp trong một thế giới luôn vận động, đầy cạnh tranh. Sợ hơn nữa đó là lạc nhịp so với nhịp phát triển, sự nỗ lực và cố gắng của mỗi cá nhân mà có thể qua thời điểm vàng học tập và lĩnh hội thì thật là đáng tiếc… Lo lắng về năng lực công nghệ thông tin, về khả năng làm chủ hệ thống giáo dục trực tuyến hay phần mềm dạy học trực tuyến không làm cho năng lực người thầy giáo, cô giáo khác đi bởi mô hình TPACK phản ánh một cách sắc nét về nhân cách của người thầy hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0: người thầy 4.0.

Mô hình TPACK hay TPCK, viết tắt từ Technological Pedagogical Content Knowledge, xác định năng lực giáo viên cần có để dạy học hiệu quả với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Mô hình này tập trung vào hiểu biết công nghệ, hiểu biết sư phạm và hiểu biết nội dung dạy học, cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả cho các tình huống dạy học từ đơn giản đến phức tạp mà giáo viên đối mặt. Mô hình phác thảo cách thức khai thác nội dung dạy học và phương pháp sư phạm (phương pháp dạy học) cùng với ứng dụng của công nghệ (sử dụng học liệu, thiết bị công nghệ, công cụ, phần mềm).

Nội dung chuyên môn là thành phần chính đảm bảo dạy “đúng” và dạy “đủ”. Phương pháp sư phạm bổ trợ cho giáo viên có một khả năng dạy học “hợp lý” và “hấp dẫn”. Khả năng ứng dụng công nghệ làm gia tăng hứng thú, động cơ học tập của học sinh, giúp người dạy và người học đạt hiệu quả dạy học cao nhất.

Mô hình TPACK là kết quả của sự kết hợp từ ba lĩnh vực cơ bản là tri thức môn học (CK), tri thức nghiệp vụ sư phạm (PK) và tri thức công nghệ (TK) góp phần đảm bảo năng lực của giáo viên. Nói khác đi, mô hình TPACK với đủ 3 thành phần chính trên là yêu cầu quan trọng cần có trong năng lực của người giáo viên ở thế kỷ 21. Đây cũng là những năng lực cơ bản của một người giáo viên thời đại mới.

Bởi sẽ thoải mái và tự tin nếu những ai đã và đang mang danh thầy cô hiểu điều mình đang nói, nói đúng dựa trên sự hiểu đúng và tin tưởng về vấn đề chia sẻ; Sẽ thành công nếu chúng ta biết tương tác, biết sẻ chia và đồng hành cùng người học bằng kỹ thuật và hơn nữa là nghệ thuật dẫu là trực tiếp hay trực tuyến; Sẽ hạnh phúc đích thực nếu chúng ta cùng nhau, gắn kết và tôn trọng, hợp tác và cùng làm chủ công nghệ để vượt qua muôn vàn khó khăn khi sử dụng công nghệ phục vụ cho mục tiêu tối thượng của giáo dục: học sinh nên người.

Bối cảnh dịch bệnh sẽ qua, nhưng chắc chắn rằng năng lực của thầy cô trong đà tiến của xã hội sẽ không thể khác đi với những gì mà mô hình TPACK đề cập. Trong tương lai gần, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và hệ thống dạy học thông minh cho phép các ứng dụng trên máy tính dự đoán suy nghĩ, phản ứng của học sinh. Từ đó giáo viên điều chỉnh các tác động dạy học, giáo dục thích ứng với từng học sinh. Có thể máy tính sẽ tìm ra phương án để tiếp cận và dạy học cho từng cá nhân theo nguyên tắc cá thể hóa. Khi máy tính trở nên “quen thuộc” với hành vi của một người học, thì nhiệm vụ hướng dẫn, phân công, chấm điểm và hỗ trợ nội dung mới cho từng cá nhân có thể sẽ tự động hoá. Máy tính có thể nghe hiểu nhưng khó có thể lắng nghe. Máy tính có thể phán đoán và dự báo nhưng khó có thể đạt đến tầm cao của thấu hiểu. Máy tính cũng có thể tìm ra, tìm đến, tìm được nhưng chưa hẳn sẽ tìm hiểu đúng nghĩa của những rung cảm từ trái tim đến trái tim… Vì thế, không thể nào máy tính có thể thay thế nhân cách của người thầy, một nhân cách đáng làm người, đủ làm bạn và xứng làm thầy.

Có thể nhận ra và tản mạn về thời đại 4.0 bằng những từ mới mang màu sắc thời cuộc nhưng vẫn hàm chứa yêu cầu đủ, đầy mà những ai đang hay sắp được gọi là thầy, là cô cần chú tâm rèn luyện về nhân cách người thầy. Đó là chữ ‘tâm’ trong tâm hồn, tâm trí; ‘đạo’ trong đạo đức nghề nghiệp; ‘kỹ’ trong kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và ‘động’ trong chuyển động về tư duy, đổi mới không ngừng và thích ứng linh hoạt nhất là đồng hành với công nghệ thông tin. Hành trình này dẫu dài, dẫu khó, dẫu gian lao, dẫu đầy thử thách, dẫu có cả nụ cười và nước mắt khi những sơ sẩy của người mới bắt đầu làm bạn với công nghệ thông tin để dạy học nhưng nếu đạo lý, đạo đời mãi tôn vinh giáo viên thì thay đổi để thành công, hạnh phúc, tại sao không?

Thầy cô giáo không những không bị thay thế bởi sức mạnh công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 mà còn mãi về sau…

 

GS Huỳnh Văn Sơn

TNO