Sau nhiễm COVID-19, trẻ không tập trung học được, vì sao?

Sau nhiễm COVID-19, trẻ không tập trung học được, vì sao?

Cháu Lê Thị H., 12 tuổi, học lớp 7 Trường phổ thông cơ sở LNH, Mỹ Tho, bị mắc COVID-19 được hơn một tháng, mẹ dẫn cháu đến bác sĩ khám vì bé không thể nhớ bài học, tinh thần lơ đãng.

 

Sau nhiễm COVID-19, trẻ không tập trung học được, vì sao? - Ảnh 1.

Cô trò học tập trong khu cách ly với sự hỗ trợ của Ban chỉ huy quân sự huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình – Ảnh: HÀ ĐỨC QUYỀN

Mẹ cháu kể cho bác sĩ nghe là cả nhà đều mắc bệnh COVID-19, may mắn ai cũng được điều trị khỏi, bé H. bị bệnh nhẹ nhất, chỉ sốt có ba ngày rồi ổn luôn. Vậy mà về nhà thấy bé kỳ kỳ, quên trước quên sau, bỗng dưng giải toán sai hoài, đang ngồi học online tự nhiên ngủ gục, cô giáo phải gọi cho mẹ đánh thức bé.

Sau khi khám, kiểm tra tim phổi và các cơ quan khác, bác sĩ nói: “Hiện tại các bộ phận trong cơ thể bé bình thường, chỉ có tinh thần là chưa ổn. Đây có thể là bé bị hội chứng hậu nhiễm COVID-19. Bệnh có thể kéo dài một thời gian mới khỏi. Bây giờ bác sĩ cho thuốc. Khi nào có dấu hiệu bất thường khác thì đến cơ sở y tế khám lại”.

Về chuyên môn, trẻ em sau nhiễm COVID-19 mà có các triệu chứng tiếp tục không biến mất hoặc tái diễn được gọi là “COVID kéo dài”, hoặc đôi khi là “hậu COVID” hoặc “COVID-19 sau cấp tính”.

Một nghiên cứu cho thấy có tới 52% thanh thiếu niên và thanh niên từ 16 – 30 tuổi có thể gặp các triệu chứng kéo dài 6 tháng sau khi bị COVID-19.

Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh ước tính 12,9% trẻ em từ 2 – 11 tuổi và 14,5% trẻ em 12 – 16 tuổi vẫn gặp các triệu chứng khác thường 5 tuần sau khi nhiễm bệnh.

Các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 kéo dài bao gồm: mệt mỏi và sức bền thể chất kém. Khó suy nghĩ hoặc không tập trung, còn được gọi là “sương mù não”. Ho. Cảm giác khó thở. Đau khớp hoặc cơ. Đau ngực hoặc đau dạ dày. Sốt. Tim đập nhanh. Mất hoặc thay đổi mùi hay vị. Lâng lâng khi đứng lên.

Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19 như đã được chăm sóc đặc biệt (ICU) với máy thở, hay trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Không có xét nghiệm nào để chẩn đoán COVID-19 kéo dài, chỉ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng. Nguyên nhân chưa biết rõ.

Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em trước COVID-19 và các tình trạng sau COVID-19 là tiêm ngừa cho tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Thuốc chủng ngừa COVID-19 hiện nay trên thế giới đã cho phép chích cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Đồng thời các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi.

Chích ngừa COVID-19 cùng với thực hiện tốt 5K là cách duy nhất để phòng ngừa chứng COVID-19 kéo dài.

Bạn đọc có những thắc mắc, băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, tiêm ngừa… mời gửi email đến hộp thư Hỏi đáp cùng thầy thuốc theo địa chỉ: [email protected] (để chính xác nội dung bạn đọc quan tâm, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, xin cảm ơn!)

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
TTO