Vòng luẩn quẩn ở châu Âu: Phong toả, mở cửa… rồi lại phong toả
Vòng luẩn quẩn ở châu Âu: Phong toả, mở cửa… rồi lại phong toả
Châu Âu như bị cuốn vào vòng luẩn quẩn của đại dịch COVID-19, khi sau phong toả đã mở cửa và giờ lại phong toả. Mùa đông đang tới, lục địa già hẳn sẽ còn đối mặt nhiều thách thức.
Ngày 15-11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thêm 3 nước châu Âu là CH Czech, Hungary và Iceland vào danh sách các điểm đến có nguy cơ “rất cao” (cấp 4, cấp cao nhất). Hơn chục nước châu Âu được thêm vào danh sách “tránh lui tới” này trong 4 tuần qua.
Điều này phần nào phản ánh tình hình dịch COVID-19 ở nhiều nước châu Âu căng thẳng trở lại. “Nếu bạn phải đến Hungary, hãy nhớ tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 trước khi đi” – CDC Mỹ khuyến cáo.
Gần hai năm sau khi COVID-19 bùng phát, giờ đây phần lớn châu Âu lại một lần nữa đối mặt với số ca nhiễm, tử vong tăng và tái áp đặt phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế khác. Trong mùa hè năm nay, nhiều nước châu Âu đã dần mở cửa nhưng cuối tuần trước Hà Lan là nước Tây Âu đầu tiên kể từ mùa hè phải phong tỏa lại một phần.
Trong khi đó, đầu tuần này nước Áo đặt ra một ngưỡng mới cho biện pháp chống dịch ở phương Tây: phong tỏa với người chưa chích ngừa. Sau khi số ca nhiễm tăng 134% trong hai tuần qua, Chính phủ Áo đã áp lệnh phong tỏa với những người từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, hạn chế việc di chuyển, đi làm, đi học, mua hàng… của họ.
Giáo sư Eva Schernhammer thuộc Đại học Y Vienna chia sẻ với Đài BBC (Anh) rằng các quy định mới ở Áo nhằm “giảm đáng kể sự tiếp xúc giữa người đã tiêm và người chưa tiêm vắc xin”.
Bước đi của Áo giống với cách làm của nhiều chính phủ châu Âu, trong bối cảnh mùa đông đang tới và số ca nhiễm tăng đột biến trên khắp châu lục. Châu Âu đang ra các quy định khiến cuộc sống của những người chưa tiêm khó khăn hơn, với mục tiêu thúc đẩy mọi người sớm chích ngừa.
Những người chưa tiêm đang chiếm phần lớn trong các làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu. Hầu hết số ca nhập viện và tử vong tập trung ở Đông Âu. Làn sóng dịch mới đang đe dọa sự phục hồi kinh tế và kỳ nghỉ Giáng sinh trên toàn châu lục, đe dọa sức khỏe cộng đồng và khiến lộ trình trở lại những ngày trước đại dịch COVID-19 như xa xôi hơn.
Vì đâu nên nỗi?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết châu Âu đã một lần nữa trở thành tâm dịch toàn cầu. Trong số 61 quốc gia châu Âu theo xác định của WHO, có 26 nước (42%) ghi nhận số ca nhiễm tăng từ 10% trở lên trong tuần tính đến ngày 9-11. Hôm 11-11, Đức ghi nhận số ca nhiễm trong 24 giờ cao kỷ lục với 50.377 ca. Hà Lan cũng có số ca mới theo ngày cao nhất từ đầu dịch, với hơn 19.000 ca vào hôm 15-11.
Tờ Washington Post bình luận châu Âu giống như thử nghiệm cho thấy cuộc sống sẽ thế nào khi tồn tại đồng thời cả virus lẫn vắc xin. Việc trở lại trạng thái bình thường phụ thuộc vào sự thành công của các chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn còn nhiều người không chịu tiêm, nhất là tại Trung và Đông Âu.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cho biết khoảng 76% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) và 65% dân số khối này đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, tại Nga, chỉ khoảng 40% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Ở Romania chỉ có 40% dân số tiêm đủ liều, nhiều bệnh viện rơi vào quá tải.
Theo báo The Guardian, các chuyên gia đồng thuận cho rằng tình hình dịch bệnh căng thẳng ở châu Âu hiện nay có thể do nhiều yếu tố kết hợp như: tỉ lệ tiêm chủng thấp ở một số nước, tình trạng giảm kháng thể ở những người đã tiêm sớm, nhiều người không còn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách phù hợp sau khi các nước nới lỏng hạn chế trong mùa hè năm nay.
Lo “mùa đông đại dịch thứ hai”
Theo trang Politico, châu Âu đang chuẩn bị tốt hơn trước một “mùa đông đại dịch thứ hai”. Nhiều nước đã tăng thêm số giường chăm sóc đặc biệt (ICU).
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo số nhân viên tuyến đầu chống dịch đang ở mức rất hạn chế vì nhiều bác sĩ, y tá trong ICU đã giảm bớt giờ làm sau một năm rưỡi làm việc kiệt sức và thậm chí có người đã bỏ nghề. Giường bệnh và thuốc men có thể sớm được bổ sung số lượng lớn, nhưng việc đào tạo nhân viên y tế phải mất nhiều năm.
1,9 triệu: Số ca nhiễm mới của châu Âu trong tuần đầu tháng 11.
26.000: Số ca tử vong vì COVID-19 ở châu Âu trong 7 ngày đầu tháng 11.
256.500: Số ca tử vong vì COVID-19 Nga ghi nhận từ đầu dịch, cao nhất châu Âu.
87%: Tỉ lệ dân số Bồ Đào Nha đã tiêm đủ liều vắc xin, cao nhất châu Âu.
23%: Tỉ lệ dân số đã tiêm đủ liều ở Bulgaria, thấp nhất EU.
1/3: Tỉ lệ người dân ở Đông Âu không tin tưởng vào hệ thống y tế
Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp