27/12/2024

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển

Tại Hội thảo “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức, các chuyên gia cho rằng pháp lý chưa hoàn thiện gây khó khăn cho ngành du lịch.

 

Pháp lý bất động sản còn nhiều khoảng trống

Phát biểu tại hội thảo diễn ra hôm nay 16.11, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, cho rằng pháp lý bất động sản du lịch chưa rõ ràng đã làm lỡ rất nhiều cơ hội phát triển, cần hoàn thiện để tạo động lực.

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển - ảnh 1
TS Lương Hoài Nam đặt ra hàng loạt vấn đề về tình trạng pháp lý của bất động sản du lịch  CTV

“Tôi luôn đặt ra câu hỏi, tại sao một năm người Việt Nam có thể chi ra hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng để mang ra nước ngoài mua bất động sản? Tại sao các quốc gia đều khuyến khích thu hút mua bất động sản của nước họ? Tại sao không có vướng mắc gì cả? Tại sao người nước ngoài lại mua bất động sản ở Việt Nam lại khó như vậy? Tại sao họ vào Việt Nam xây biệt thự, du lịch, đem dòng khách vào Việt Nam mà chúng ta không khuyến khích?

Tôi cho rằng, cần có sự cân bằng lại giữa đưa dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài và hút dòng tiền vào bất động sản Việt Nam. Một số quốc gia quy định sở hữu bất động sản lên tới 99 năm để thu hút đầu tư nhưng tại sao chúng ta cũng không tăng thời gian sở hữu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?”, TS Lương Hoài Nam đặt ra hàng loạt vấn đề.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và bất động sản du lịch, còn nhiều khoảng trống.

Theo ông Bình, cùng với sự phát triển của du lịch, bên cạnh mô hình khách sạn truyền thống, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều loại hình sản phẩm bất động sản khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách: khách sạn; khu nghỉ dưỡng (resort); biệt thự du lịch (resort villa, shopvilla); nhà phố du lịch (shoptel), nhà phố thương mại (shophouse); căn hộ du lịch (condotel); homestay; farmstay…

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển - ảnh 2
Ông Đoàn Văn Bình cho rằng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi phát triển bất động sản du lịch  CTV

Ông Bình cũng thống kê trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn. Tuỳ từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm.

Trên thực tế thời gian làm thủ tục kéo dài từ 2 năm đến 5 năm hoặc lâu hơn. Việc vận hành dự án đòi hỏi chủ đầu tư có 3 giấy chứng nhận, 2 quyết định và 3 giấy phép.

Trong 3 giấy phép thì có 2 giấy phép là giấy phép kinh doanh thuốc lá, giấy phép kinh doanh rượu hoàn toàn có thể gộp thành 1 giấy phép và phân cấp mạnh mẽ cho địa phương để giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp.

“Quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian cho toàn bộ quy trình thường không xác định được rõ ràng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Bình nói.

Khơi thông pháp lý bất động sản cần quan tâm những gì?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết có 2 vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm sao để phát triển du lịch Việt Nam mạnh, bền vững và chính sách pháp luật về bất động sản du lịch cần khơi thông như thế nào? Hệ thống pháp luật giai đoạn 2015 chưa nêu rõ, nên cách hiểu, cách triển khai có sự khác nhau. Vì vậy, đầu tiên chúng ta cần phải làm rõ chính sách phát triển bất động sản du lịch là những chính sách gì.

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển - ảnh 3
Ông Nguyễn Mạnh Khởi chia sẻ tại hội thảo  CTV

Có 5 chính sách cần quan tâm: quy hoạch; pháp luật về đầu tư xây dựng bất động sản du lịch; kinh doanh bất động sản du lịch; quản lý bất động sản du lịch; sở hữu bất động sản du lịch. “Trên cơ sở 5 chính sách này đặt ra thêm 1 vấn đề nữa: bất động sản du lịch là gì? Cần cụ thể việc xếp loại hình bất động sản du lịch vào loại hình nào hay tách biệt để từ đấy quản lý. Phải hiểu rõ khái niệm này chúng ta mới có thể quản lý và phát triển. Đặc biệt là những khái niệm mới ra đời như condotel, officetel, shophouse…”, ông Khởi nói.

Đại diện Bộ Xây dựng tại hội thảo cũng cho rằng, bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, nhưng quy định của pháp luật đất đai hay pháp luật kinh doanh bất động sản hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel, resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ. Chỉ có pháp luật về du lịch mới có khái niệm riêng, gọi là cơ sở lưu trú du lịch và phân định thành các loại hình như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch…

Đối chiếu chức năng của loại hình bất động sản mới như condotel, resort villa… với pháp luật về du lịch thì đây là một trong những loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật về du lịch. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành không dùng các khái niệm tiếng Anh như đã nêu trên để điều chỉnh.

Do đó, dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, phát sinh những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, mua bán loại hình bất động sản này, cũng có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không phải là đơn vị ở.

Cũng theo ông Khởi, từ năm 2018 đến nay, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ VH-TT-DL… đã báo cáo Chính phủ về những vướng mắc liên quan đến pháp lý bất động sản du lịch, sau đó là một số văn bản quy định đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện thêm pháp lý cho bất động sản du lịch để tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Thiếu pháp lý cho bất động sản du lịch làm lỡ nhiều cơ hội phát triển - ảnh 4
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia bày quan điểm cần sớm hoàn thiện pháp lý để tạo động lực cho phát triển bất động sản du lịch   CTV

Theo ông Khởi, các nội dung cần tiêp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh và quản lý sử dụng bất động sản du lịch là về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản du lịch, nhất là các loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Đến nay, Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn chỉ là văn bản hành chính, chưa phải văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ 2, về hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản du lịch.

Thứ 3, về quản lý, sử dụng vận hành loại hình bất động sản du lịch: đối với các loại hình bất động sản mới như biệt thự du lịch, căn hộ du lịch đều thuộc diện có thể có đa sở hữu, có các nội dung chung, riêng và dễ dẫn đến tranh chấp những quy định về quản lý kinh doanh, nhất là việc quản lý vận hành, việc xếp hạng chất lượng kinh doanh như đối với khách sạn…

Thứ 4, về việc thực thi pháp luật thì nhiều cơ quan cấp T.Ư cũng cần yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về giao đất, cho thuê đất, quản lý đầu tư xây dựng, kinh doanh các loại hình bất động này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể.

Ông Trần Văn Tiến, Trưởng phòng đăng ký Đất đai, Cục Đăng ký đất đai, Bộ TN-MT, bày tỏ: với tâm thế tham dự hội thảo để lắng nghe những vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển bất động sản du lịch nên sẽ tiếp thu, phối hợp với các đơn bị, bộ ngành liên quan để chỉnh sửa phù hợp trong thời gian tới.

 

ĐAN HẠ

TNO