Chứng khoán bùng nổ, hút hàng tỉ USD
Chứng khoán bùng nổ, hút hàng tỉ USD
Thị trường chứng khoán Việt Nam liên t iếp lập được các kỷ lục mới cả về điểm số lẫn giá trị giao dịch trong tuần cuối tháng 10 và đầu tiên của tháng 11, đang trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều người dân tham gia.
Giao dịch kỷ lục lên 52.000 tỉ đồng/phiên
Nếu như trước đây, nhà đầu tư (NĐT) luôn mong chờ những phiên giao dịch tỉ USD (khoảng trên 23.000 tỉ đồng) trên thị trường chứng khoán (TTCK) thì từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch của thị trường đã vượt xa con số đó. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 3.11 vừa qua, hàng triệu NĐT không thể tin vào mắt mình khi giá trị giao dịch đạt gần 52.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 2,3 tỉ USD, bỏ xa kỷ lục 37.000 tỉ đồng được lập vào đầu tháng 6. Trong đó, dòng tiền trong nước hoàn toàn chiếm áp đảo với hơn 95%, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm dưới 5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán VN tăng trưởng mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng cơ hội huy động vốn hiệu quả NGỌC THẮNG |
“Điểm danh” dòng vốn cực lớn này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán (CK) Đông Á, chỉ rõ bên cạnh nguồn tiền đến từ các NĐT cá nhân lẫn tổ chức trong nước, NĐT nước ngoài thì các công ty CK, công ty bảo hiểm và các ngân hàng (NH) cũng mạnh tay đầu tư CK trong những tháng vừa qua. Đầu tư CK thậm chí là giải pháp gỡ khó cho không ít doanh nghiệp (DN) trong những tháng tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Số lãi từ thị trường này đã giúp họ thoát lỗ, có tiền duy trì hoạt động. Một nguồn tiền nữa đến từ việc hàng loạt công ty CK tăng vốn lên gấp đôi thời gian qua. Số dư cho vay ký quỹ của các công ty CK trên thị trường đến hết quý 3/2021 đã lên mức kỷ lục với 154.000 tỉ đồng cho thấy dòng vốn chảy vào thị trường rất cao.
Bên cạnh đó, lớp NĐT mới chủ yếu là người trẻ đã có tìm hiểu nhiều hơn về TTCK. Khi lãi suất gửi tiết kiệm liên tục đi xuống thì việc chọn bỏ tiền vào CK nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn là một xu hướng đang diễn ra khá mạnh. Ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích: Nếu như trước đây người Việt Nam có những kênh đầu tư để lựa chọn như vàng, bất động sản, ngoại hối, gửi tiết kiệm và CK thì nay kênh vàng và ngoại hối không còn hấp dẫn nhiều. Do chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới quá cao nên nhiều người sợ rủi ro. Với ngoại hối, dự trữ của NH Nhà nước đã lên trên 100 tỉ USD và vẫn còn gia tăng nên tỷ giá khá ổn định, yếu tố đầu cơ bị triệt tiêu. Riêng lãi suất tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn khi liên tục giảm từ mức trên 7 – 7,5%/năm hồi đầu năm xuống quanh 6%/năm hiện nay.
“Rõ ràng các kênh đầu tư đã thu hẹp hơn, chỉ còn CK, bất động sản được chú trọng. Trong 2 kênh đó, CK lại dễ dàng có cơ hội sinh lời với số tiền đầu tư ít hơn nên dòng tiền nhiều nơi chảy vào TTCK là dễ hiểu. Nếu trước đây, giao dịch của khối ngoại chiếm từ 15 – 20% trên thị trường thì hiện nay chỉ chiếm khoảng 6 – 7% và hầu như không tác động nhiều đến tâm lý NĐT trong nước. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn liên tục bán ròng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường do dòng tiền trong nước đã thay thế hoàn toàn”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Thị trường chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục thời gian gần đây, đang trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều người dân tham gia NGỌC THẮNG |
1 tháng hút hơn triệu nhà đầu tư
Trong 10 tháng qua, số lượng tài khoản của NĐT cá nhân trong nước đạt gần 1,1 triệu, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020 và cao hơn cả lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017 – 2020. Tổng cộng hiện nay đã có hơn 3,8 triệu tài khoản NĐT cá nhân trong nước trên TTCK. Đi đôi với lượng tài khoản mở mới là dòng tiền tham gia ồ ạt vào giao dịch hằng ngày trên TTCK. Theo chuyên gia CK Nguyễn Hồng Điệp, có thể một phần lượng vốn này được rút từ tiền gửi NH chuyển sang khi lãi suất giảm lãi suất giảm thấp. Tuy nhiên, đây là hai kênh đầu tư hoàn toàn độc lập nên các nhà băng cũng không quá lo lắng. Với mức lãi 6%/năm thì kênh gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn cho những người không thích mạo hiểm. “Thực tế, nguồn tiền tiết kiệm trong người dân vẫn rất lớn do văn hóa tích lũy từ xưa đến nay của người Việt. Tài sản được tích lũy dưới nhiều dạng khác nhau như vàng, ngoại tệ hay tiền mặt. Đến khi nào họ nhìn thấy kênh đầu tư sôi động, có khả năng sinh lời cao hơn thì sẽ chuyển dòng vốn tiết kiệm đó vào thị trường”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp nói và lý giải: “Với đà tăng mạnh trong gần 2 năm qua, nhiều người thấy TTCK có khả năng sinh lời 20 – 30%/năm nên đã rút tiền từ “gầm giường” đưa vào mua cổ phiếu chứ không phải tất cả là tiền đang để ở NH”.
Dẫn số liệu cụ thể, chuyên gia tài chính – TS Cấn Văn Lực phân tích, huy động tiền gửi của hệ thống NH từ đầu năm đến hết tháng 10 chỉ tăng khoảng 4,5 – 5% trong khi cùng kỳ năm trước tăng khoảng 8%. Tốc độ huy động tăng chậm cho thấy một phần tiền trong dân đã chuyển sang đầu tư CK, góp phần đẩy giá các cổ phiếu cũng như giao dịch của thị trường tăng lên mạnh. Số lượng NĐT cá nhân tham gia mạnh sẽ là cơ hội để thúc đẩy TTCK phát triển nhưng cũng là thách thức cho thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước cần có những cảnh báo, kiểm soát để NĐT tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông sẽ gặp rủi ro nhiều hơn. Từ đó cũng phải tính toán cân đối để dòng tiền không quá tập trung vào đầu cơ, chảy ra khỏi hệ thống NH để gây ảnh hưởng cho hoạt động kinh tế nói chung…
Xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp tỉ USD
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy đến hết tháng 9, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của TTCK đạt hơn 292.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỉ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020. TTCK đang dần trở thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.
Chuyên gia CK Nguyễn Hồng Điệp phân tích, thông qua TTCK, quy mô của các DN đã tăng mạnh so với trước đây. Hiện trên sàn TP.HCM đã có 4 DN có vốn hóa thị trường vượt 10 tỉ USD là Tập đoàn Vingroup (VIC), NH thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Bên cạnh đó, có 39 DN đạt quy mô vốn hóa hơn 1 tỉ USD. Đây là sự tăng trưởng vượt trội và là hiệu quả của TTCK từ khi ra đời đến nay. Ví dụ như Hòa Phát đã lọt vào Top 15 DN thép có quy mô lớn nhất trên thế giới và cạnh tranh với nhiều tập đoàn cùng ngành lâu đời nhất từ các nước phát triển. Việc các DN hay NH đã tăng vốn mạnh, đáp ứng được các quy định về hoạt động là có công sức của các NĐT khi tham gia mua bán sôi động trên thị trường.
Hiện nay, số lượng NĐT cá nhân trong nước tham gia TTCK đang chiếm khoảng 4% dân số và sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu 5% dân số như nhà nước mong muốn. Nhưng số lượng này vẫn rất khiêm tốn so với nhiều nước có tỷ lệ lên đến 80% dân số tham gia. Do đó, Việt Nam có thể nâng lên mục tiêu và đưa ra các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy khoảng 10% dân số mở tài khoản giao dịch CK. Chẳng hạn có chương trình truyền thông, đào tạo cho NĐT cá nhân về TTCK để không xem thị trường là kênh đầu tư “sớm nở tối tàn”; gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các sở giao dịch CK để không còn diễn ra hiện tượng “nghẽn mạng” như vừa qua, khiến NĐT bức xúc. Từ đó sẽ thu hút thêm NĐT mới, giúp các DN gia tăng cơ hội huy động vốn trên TTCK, hiệu quả hơn sử dụng vốn vay từ NH hay thông qua nhiều kênh khác.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực nhận định trước đây, vốn huy động từ TTCK chiếm khoảng 10 – 11% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thì nay đã tăng lên khoảng 14 – 15% và sẽ còn tiếp tục tăng. Để thúc đẩy kênh huy động vốn này, Chính phủ cần có nhiều giải pháp tổng thể. Đó là hoàn thiện kênh pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, từ cổ phiếu đến trái phiếu. Bên cạnh đó, thành lập ngay tổ chức xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy kênh trái phiếu phát triển; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các sở giao dịch cũng như công ty CK. Quan trọng hơn, theo ông Lực là việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động giao dịch CK vẫn cần đẩy mạnh. Đó là rủi ro giữa các hoạt động đan chéo giữa lĩnh vực NH với CK như cho vay ký quỹ. Việc kiểm soát các rủi ro đan xen đó sẽ tránh rủi ro lan truyền cho hệ thống tài chính nói chung.
MAI PHƯƠNG
TNO