23/01/2025

Bất ngờ với khảo sát ‘học sinh làm gì trong giờ học trực tuyến’

Bất ngờ với khảo sát ‘học sinh làm gì trong giờ học trực tuyến’

Một cuộc khảo sát cho thấy 76% học sinh làm việc khác trong những lớp học trực tuyến và 64% học sinh từng nhắn tin hay chat để bàn luận về hình ảnh thầy cô.

 

 

Bất ngờ với khảo sát 'học sinh làm gì trong giờ học trực tuyến' - ảnh 1
Kết quả phỏng vấn học sinh, sinh viên học trực tuyến được chia sẻ tại tọa đàm ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Kết quả cuộc khảo sát “Học sinh làm gì trong giờ học trực tuyến” được chia sẻ trong buổi tọa đàm “Văn hóa học trường học trong bối cảnh chuyển đổi số” tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 3.11. Đây là cuộc khảo sát do Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, GS-TS Huỳnh Văn Sơn thực hiện.

76% học sinh làm việc khác trong lớp học trực tuyến

Theo kết quả khảo sát với 25 người học, có tới 76% học sinh làm việc khác khi đang trong lớp học trực tuyến.

Bên cạnh đó, 76% học sinh không chú ý đến trang phục, 60% không ôn bài cũ hay xem bài trước, 72% gặp lúng túng khi sử dụng các tính năng học trực tuyến… Ngoài ra, 64% học sinh từng nhắn tin hay chat để bàn luận về hình ảnh thầy cô và 72% dùng ngôn ngữ, ký hiệu mật, teen để trao đổi.

GS-TS Huỳnh Văn Sơn còn nêu ra cách học sinh “trốn học trực tuyến”. “Trong một tiết học, nam sinh đã nhờ mẹ mình ngồi canh thầy hộ. Nam sinh còn tỉ mỉ dặn mẹ chỉ bấm chuột trái 1 lần thôi, không được bấm 2 lần. Nhưng nam sinh này lại quên chưa tắt mic nên bao nhiêu tính toán trốn học đều bị thầy giáo và cả lớp nghe thấy”, ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, những vấn đề hạn chế của lớp học trực tuyến không chỉ với người học mà cả thầy cô. Một khảo sát với 18 giáo viên cho thấy hơn 66% thầy cô từng bị lúng túng khi sử dụng các tính năng học trực tuyến và 61% cho rằng họ dạy trực tuyến cứ như dạy trực tiếp nhưng sau đó thấy khó hơn.

Đáng chú ý là hơn 55% giáo viên từng tiếc nuối vì đã có lời nói, ứng xử chưa như mong đợi trong tiết học trực tuyến. Bên cạnh đó, khoảng 50% thầy cô chưa quan tâm đến khuôn mặt, tóc, hình thức của mình dù 72% khẳng định lời nói, hành động và ứng xử của giáo viên để lại dấu ấn đến học sinh khi dạy trực tuyến.

Bất ngờ với khảo sát 'học sinh làm gì trong giờ học trực tuyến' - ảnh 2
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục tham dự tọa đàm trực tuyến chiều 3.11  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hình ảnh của thầy cô góp phần xây dựng văn hóa học đường

Từ kết quả khảo sát kể trên, GS-TS Huỳnh Văn Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc xây dựng văn hoá học đường trong lớp học trực tuyến.

Theo ông Sơn, xây dựng quy tắc trong lớp học trực tuyến là điều vô cùng cần thiết, giúp cho việc quản lý lớp học hiệu quả hơn. Giáo viên có thể thiết lập các quy tắc như bật camera trong giờ học, tắt mic để giảm tiếng ồn, vào lớp đúng giờ, yêu cầu người học đóng các trang web không liên quan và bất cứ thứ gì có thể làm mất tập trung hoặc tạo ra tiếng ồn gây ảnh hưởng lớp học…

Trong lớp học, theo ông Sơn, khi người học tham gia đầy đủ những hoạt động, làm việc và học tập hiệu quả, giáo viên nên ghi nhận thành tích của các em. Bên cạnh đó, giáo viên nên nói chuyện riêng với học sinh, sinh viên bằng một giọng trang trọng nhưng tích cực thay vì gọi tên ra trước lớp khi các em có hành vi sai trái. Tuy nhên, nếu hành vi sai trái nằm ngoài khả năng sửa chữa thì tốt nhất giáo viên nên thông báo cho phụ huynh hoặc ban giám hiệu để xử lý tình huống, ông Sơn lưu ý.

“Đừng quên rằng giáo viên có hình ảnh và hình ảnh này góp phần xây dựng văn hóa học đường, và thầy cô cần nỗ lực chú ý đến hình ảnh trên nhiều bình diện. Ngoài ra, đừng quên rằng những sự cố về kỹ thuật có thể làm cho văn hóa học đường bị ảnh hưởng, nhất là học sinh rất hay bắt chước, làm theo hay một số em đã nhận thức lệch, rất khó điều chỉnh”, ông Sơn nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị các kỹ năng xử lý tình huống khi dạy học trực tuyến. Vì vậy, ông lưu ý: “Người đứng lớp cần thể hiện hình ảnh bản thân có kiểm soát thay vì thể hiện cá tính hay làm nổi. Cẩn trọng với các phát ngôn, danh xưng hay sự ứng xử khi tương tác. Đầu tư về sự văn minh khi dạy trực tuyến bằng ý tưởng dạy học văn minh, kịch bản sư phạm trực tuyến văn hoá”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cho rằng người thầy cần phải làm chủ cảm xúc của mình trong quá trình dạy học. “Nếu dạy học trực tiếp thì giáo viên có thể dựa vào lời nói, hành động của người học để điều chỉnh hành vi phù hợp. Còn trong môi trường dạy học trực tuyến, nếu giáo viên không kiểm soát cảm xúc phù hợp thì có thể làm ảnh hưởng đến người học”, ông Khiêm chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Khiêm kêu gọi thầy cô nên cảm thông, thấu hiểu với người học vốn phải vừa học vừa lo đối phó dịch bệnh nên tâm lý hết sức nặng nề. Ông Khiêm cũng nhấn mạnh việc lắng nghe trong dạy học trực tuyến là điều rất quan trọng, đồng thời bày tỏ mong muốn tìm ra những giải pháp để biến những tiêu cực thành tích cực, chẳng hạn thầy cô có những lời nói giải tỏa thay vì phải la mắng học trò…

Ở góc nhìn phụ huynh, thạc sĩ Hồ Ngọc Kiều, Phòng Thanh tra Trường CĐ Sư phạm Long An, lưu ý: “Trước hết phụ huynh cần có kiến thức nhất định về internet và làm tấm gương cho học sinh. Cha mẹ cần thỏa thuận với con về quy tắc sử dụng internet, đặc biệt là khung thời gian và thái độ”.

“Cha mẹ cần có nhiều thời gian hiểu con và có thêm nhiều hoạt động gắn kết với gia đình. Hiện một số phụ huynh lo cuộc sống nên chưa chú trọng việc này, nhưng nếu không có thời gian cho con thì chắc chắn con sẽ dành nhiều thời gian trên mạng”, thạc sĩ Kiều phân tích.

 

HÀ ÁNH

TNO