23/12/2024

Phát huy năng lượng tái tạo, tại sao không?

Phát huy năng lượng tái tạo, tại sao không?

Nếu cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo và điều chỉnh các mạng lưới truyền tải điện đã được phê duyệt sẽ gây hậu quả lợi bất cập hại…

 

 

Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về giá điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài dốc hầu bao vào thị trường năng lượng tái.

Phát huy năng lượng tái tạo, tại sao không? - ảnh 1

Tăng điện than, cắt năng lượng tái tạo ?

Thế nhưng Dự thảo Quy hoạch điện 8 của Bộ Công thương vẫn tiếp tục trình tăng công suất của điện than, nhiệt điện, giảm mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện LNG). Có thể thấy, nội dung của Dự thảo không bám sát và thực hiện theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngược với các cam kết của Thủ tướng Chính phủ đã ký về các hiệp định giảm khí thải Carbon (CO2).

Động thái này của Bộ Công thương sẽ gây ảnh hưởng đến các cam kết của Việt Nam với thế giới, triệt tiêu sức mạnh của các vùng miền có sẵn tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi trong khu vực miền Trung Việt Nam. Nếu cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo này và điều chỉnh các mạng lưới truyền tải điện đã được phê duyệt sẽ gây hậu quả lợi bất cập hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của địa phương; các tổ chức tín dụng lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)… đều cảnh báo sẽ không tài trợ cho Việt Nam. Nghiêm trọng hơn nữa là đến thời điểm này Bộ Công thương vẫn chưa ban hành giá điện mặt trời, điện gió trong khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về giá điện đã hết hiệu lực ngày 30.6.2019 dẫn đến các nhà đầu tư chịu lỗ vốn và tổn thất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa đầu tư, xây dựng đường truyền tải điện cũng là việc cần phải làm ngay. Các nước trong khu vực và thế giới đã áp dụng mô hình này cách nay vài chục năm. Việt Nam vẫn loay hoay trong việc có nên cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hay không.

Phát huy năng lượng tái tạo, tại sao không? - ảnh 2

Thực tế, nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện, ngân sách nhà nước sẽ đỡ rất nhiều. Quan trọng hơn, khi không còn độc quyền thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng và được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn.

Đẩy mạnh xã hội hóa truyền tải điện

Việc nhà đầu tư xây dựng đường truyền tải sẽ nhanh hơn bởi họ đàm phán trực tiếp với người dân đang sở hữu diện tích đất mà đường truyền tải đi qua, thay vì áp giá đền bù theo khung của nhà nước qui định như EVN. Nhưng cũng vì vậy, giá thành của nhà đầu tư sẽ cao hơn của EVN. Thế nhưng theo quy định hiện nay, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư đường truyền tải và bàn giao cho Tập đoàn EVN quản lý, điều tiết để bảo đảm an ninh năng lượng. Điều này là không thực tế và phi thương mại. Khi xã hội hóa đường truyền tải thì câu chuyện phân chia quyền lợi, nghĩa vụ giữa 3 bên cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần và người sử dụng cầnđược xem xét thấu đáo, sao cho cả 3 bên cùng có lợi. Có thể thực hiện như sau : EVN sẽ được hưởng một phần lợi tức về quản lý, điều tiết điện và các vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhà đầu tư hưởng một phần lợi tức tùy theo hai bên thương thảo. Các đơn vị, công ty phải trả phí khi đi nhờ đường truyền tải mà chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng.

Thủ tục một dự án từ 3- 5 năm

Một vấn đề nữa là thủ tục để thực hiện một dự án hiện quá dài, từ 3- 5 năm. Theo đó, để hoàn tất thủ tục cho một dự án điện nói chung phải qua chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư (chủ trương khảo sát), nhà đầu tư phải làm việc với hầu hết các sở ngành tại tỉnh, huyện, xã nên thời gian kéo dài không dưới 18 tháng. Sau khi được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, nhà đầu tư phải làm việc với những hộ dân trong khu vực quy hoạch để đàm phán việc chuyển nhượng đất. Hồ sơ hoàn tất, chủ đầu tư gửi Bộ Công thương thẩm định trước, sau đó gửi đi xin ý kiến của không dưới 12 cơ quan, đơn vị thẩm định và cho ý kiến. Hành trình này vô cùng mất thời gian và vất vả. Chỉ cần 1/12 đơn vị tham gia cho ý kiến khác, mặc nhiên dự án chậm lại và thời gian tiếp tục kéo dài. Thông được hết các Bộ, ngành chức năng thì chờ Thủ tướng phê duyệt, chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện. Tóm lại muốn triển khai được dự án phải mất từ 3 – 5 năm.

Theo các văn bản mới của Bộ Công thương, Cục Điện lực về việc đấu thầu giá điện, hồ sơ mở thầu ít nhất phải có 5 nhà đầu tư tham gia. Các nhà đều phải làm đầy đủ các thủ tục, họ phải trả chi phí cho thuê tư vấn, khảo sát, mua đất, hoàn thiện hồ sơ, thời gian làm hồ sơ và chờ được phê duyệt… Khi đấu giá điện, một trong những người tham gia đấu giá bỏ giá thấp nhất và trúng thầu. Người trúng thầu buộc phải mua lại dự án của chủ đầu tư đã hoàn thành hồ sơ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng việc mua bán hồ sơ, mua bán dự án được hình thành là vi phạm các quy định, nghị định của chính quyền địa phương và Chính phủ.

Muốn cho đất nước phát triển, cần một chính sách thông thoáng, cởi bỏ tư duy độc quyền để đa dạng hóa nguồn năng lượng. Vì vậy, rất cần Chính phủ xem xét thấu đáo dự thảo Quy hoạch điện 8 của Bộ Công thương, bởi mục đích cuối cùng nhằm phục vụ tốt hơn cho đời sống của nhân dân, và sự phát triển toàn diện của đất nước.

 

NGUYỄN HOÀI BẮC

TNO