23/11/2024

Nhóm G20 ủng hộ quy trình khẩn cho vắc xin chỉ còn 100 ngày

Nhóm G20 ủng hộ quy trình khẩn cho vắc xin chỉ còn 100 ngày

Lãnh đạo G20 ủng hộ việc rút ngắn thời gian phát triển vắc xin, các phương pháp điều trị, chẩn đoán bệnh an toàn và hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày nếu một đại dịch mới xảy ra trong tương lai.

 

Nhóm G20 ủng hộ quy trình khẩn cho vắc xin chỉ còn 100 ngày - Ảnh 1.

Lực lượng hiến binh Ý (Carabinieri) tuần tra bên ngoài trung tâm hội nghị La Nuvola ở thủ đô Rome ngày 28-10 – Ảnh: AFP

Trong trường hợp bình thường, việc phát triển một loại vắc xin mất hơn một thập kỷ. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và rút ngắn các quy trình quản lý để có được vắc xin trong vòng 1 năm.

Giờ đây, các nhà lãnh đạo G20 muốn khoảng thời gian đó ngắn hơn nữa.

“Trong các trường hợp y tế khẩn cấp do đại dịch gây ra, dựa trên cơ sở khoa học, chúng tôi ủng hộ việc rút ngắn thời gian phát triển vắc xin cùng các phương pháp chẩn đoán và điều trị an toàn, hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày”, Hãng tin Reuters trích một phần dự thảo tuyên bố chung G20.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chung sau cuộc họp cuối tuần này. Nội dung dự thảo vẫn có thể thay đổi vào phút cuối, tuy nhiên các quan chức khẳng định với Reuters cam kết cắt giảm thời gian phát triển vắc xin sẽ được giữ nguyên.

Trong tuyên bố chung phát chiều 29-10 (giờ Việt Nam), các bộ trưởng G20 cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa chuỗi cung ứng vắc xin và chuyển giao công nghệ dựa trên sự tự nguyện.

Các bộ trưởng cũng đề xuất thành lập một “lực lượng đặc nhiệm tài chính – y tế” với sự tham gia của tất cả các nước, kể cả các nước không thuộc G20 và các tổ chức quốc tế, khu vực. Mục đích nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chống COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến một loạt quốc gia và khu vực, trong đó nhiều nước bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải chuẩn bị cho đại dịch kế tiếp ngay cả khi vẫn chưa thoát khỏi COVID-19.

Một trong những vấn đề được chú ý đầu tiên là năng lực cảnh báo các bệnh lây nhiễm có nguy cơ trở thành đại dịch. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và khu vực.

Tại châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới đã phối hợp với Đức thành lập Trung tâm Cảnh báo sớm đại dịch vào đầu tháng 9 vừa qua.

Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa bệnh tật Mỹ tại Hà Nội cũng được xem là một ví dụ tiêu biểu cho sự hợp tác của các nước trong ứng phó đại dịch tiềm tàng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 là sự kiện lớn thường niên, quy tụ lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hội nghị năm nay diễn ra tại thủ đô Rome của Ý, trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đại dịch COVID-19 bước vào năm thứ ba.

BẢO DUY
TTO