22/01/2025

Đến lúc tính chuyện đón khách quốc tế tới TP.HCM?

Đến lúc tính chuyện đón khách quốc tế tới TP.HCM?

Theo lộ trình mở cửa du lịch của TP.HCM, đến đầu 2022, TP.HCM mới khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch quốc tế.

 

 

Sau giai đoạn thử nghiệm thí điểm các tour Cần Giờ, Củ Chi, TP.HCM đang tăng tốc bám sát kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022 trên nguyên tắc “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó”.

Đến lúc tính chuyện đón khách quốc tế tới TP.HCM? - ảnh 1

Xe buýt 2 tầng quay trở lại phục vụ du khách DIỆU MI

Mở cửa du lịch liên tỉnh

Theo lộ trình mở cửa du lịch mà Sở Du lịch TP đã xây dựng, từ 1.11 – 31.12, TP.HCM sẽ chính thức bước vào giai đoạn 2 – mở lại các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại vùng xanh. Cụ thể, người dân TP.HCM có thể đi theo đoàn hoặc tự tổ chức chuyến đến các điểm tham quan trên địa bàn TP đã kiểm soát được dịch bệnh. Đối với hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh sẽ được mở rộng thêm với công suất phục vụ tối đa 70%. TP xem xét mở thêm một số dịch vụ cho cơ sở lưu trú, ăn uống tại chỗ, spa… tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh. Các điểm tham quan thuộc vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 70%, đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, nhận định: “Mở cửa du lịch không thể chỉ đặt ra ở 1 – 2 địa phương mà phải có sự liên kết, kết hợp tổ chức các tour liên tuyến, liên tỉnh để khách được trải nghiệm trọn vẹn những hoạt động du lịch cộng đồng. Quan trọng nhất là cần sự đồng bộ, nhất quán và chính xác từ các cơ quan nhà nước. Đã quyết mở là phải mở, không thể chỉ đưa chủ trương rồi mỗi nơi mổi kiểu, liên tục lùi hẹn. Cứ mở kiểu thập thò, không chỉ đơn vị lữ hành chịu thiệt hại mà còn gây mất uy tín rất lớn cho du lịch VN”.

Ngày 19.10 vừa qua, hơn 100 du khách TP.HCM đầu tiên đi tour khép kín tới núi Bà Đen (Tây Ninh) đã đánh dấu tour liên tỉnh đầu tiên của TP sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ngay sau đó 3 ngày, tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên), UBND TP.HCM và UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức chương trình hợp tác liên kết du lịch giữa 2 địa phương trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19. Tại đây, lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất sẽ mở lại du lịch theo tour kèm theo tuyến giữa TP.HCM và Phú Yên từ ngày 1.11.

Báo cáo tại cuộc họp tình hình kinh tế xã hội TP.HCM trong 9 tháng vào chiều 19.10, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết TP.HCM vừa công bố Bộ tài nguyên du lịch gồm 366 tài nguyên đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth. Dựa trên bộ tài nguyên du lịch này, các doanh nghiệp (DN) TP.HCM cũng đang xây dựng và phát triển lại các sản phẩm du lịch đặc thù, đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa dịch.

“Hiện nay, TP.HCM đang chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng dựa trên sự phát huy hiệu quả liên kết thành công với hơn 40 tỉnh, TP trong giai đoạn 2019 – 2020. Trước hết, TP sẽ tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh, thành để kết nối tour khép kín và bảo đảm thống nhất tiêu chí an toàn giữa các tỉnh, thành”, bà Hoa thông tin.

Khách ít, doanh nghiệp gồng mình chịu lỗ

Là đơn vị đầu tiên phá băng du lịch TP.HCM bằng các chùm tour thí điểm Cần Giờ, Củ Chi tri ân lực lượng y bác sĩ, Lữ hành Saigontourist đang tiếp tục tích cực bắt nhịp kích hoạt lại thị trường du lịch nội địa bằng cách kích hoạt các tour liên tỉnh giữa TP.HCM và Tây Ninh, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Phú Yên… và sắp tới là Côn Đảo, Phú Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết nhu cầu du lịch thấp đang là bài toán khó cho những DN nhanh nhạy “cựa mình” trong giai đoạn đầu mở cửa này.

Cụ thể, đối với các tour đi Cần Giờ, Củ Chi, sau khi thí điểm, lượng khách bán của Lữ hành Saigontourist không nhiều, chủ yếu một vài nhóm gia đình, bạn bè và cơ quan thông qua công ty du lịch để tổ chức dịch vụ. Đối với các tour liên tỉnh, thị trường còn quá nhỏ. Các đơn vị cung ứng của địa phương cần có lượng khách đủ lớn để họ mở cửa nhưng hiện nay nguồn khách chính chủ yếu chỉ từ TP.HCM, khách từ các địa phương khác rất ít. Bên cạnh đó, điều kiện phòng chống dịch mỗi nơi mỗi kiểu, thay đổi thường xuyên, DN phải linh động điều chỉnh theo từng trường hợp. Nhìn chung, hoạt động trong giai đoạn hiện nay gặp khá nhiều khó khăn.

Cũng nằm trong danh sách số ít DN đầu tiên tại TP.HCM tái khởi động từ những ngày đầu TP mở cửa, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, thừa nhận DN lữ hành hoạt động thời điểm này chủ yếu để nhân viên có việc làm, từ từ bắt nhịp lại công việc, chưa thể tính đến tiêu chí lợi nhuận vì mở tour chắc chắn gồng lỗ. Theo ông, sau khi các điều kiện được nới lỏng hơn, người dân nội đô nếu có nhu cầu đi Cần Giờ, Củ Chi đã có thể đi tự túc, không cần thông qua công ty du lịch. Do đó, lượng khách hiện nay chưa khả quan, chủ yếu chỉ có số ít nhóm gia đình, bạn bè, nhóm phòng ban, DN cùng đối tượng dịch tễ. Trong khi đó, các điều kiện như yêu cầu chỉ vận chuyển 50% số chỗ trên 1 chuyến xe, trang bị các biện pháp phòng chống dịch, chi phí xăng dầu cũng tăng… đẩy chi phí của DN lên khá cao.

“Hy vọng đầu tháng 11 tới, khi các tour liên tỉnh được mở lại đón khách thì thị trường sẽ nhộn nhịp hơn, môi trường thông thoáng hơn để các DN du lịch thật sự có cơ hội vực dậy”, ông nói.

Đẩy nhanh đón khách quốc tế?

Theo lộ trình mở cửa du lịch của TP.HCM, đến đầu 2022, TP.HCM mới khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng hiện nay TP đã hoàn toàn đủ điều kiện để tính chuyện đón khách quốc tế ngay từ bây giờ, cùng nhịp với 5 địa phương đang chuẩn bị thí điểm là Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Ông Yên phân tích: Về tiêu chí y tế, tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 mũi 1 của TP.HCM hiện đã đạt 100%, mũi 2 trên 80%, đang bắt đầu triển khai kế hoạch chích ngừa cho trẻ em từ 12 – 18 tuổi. Thời gian dài trải qua dịch bệnh đã mang lại rất nhiều kinh nghiệm cho hệ thống y tế của TP, hạ tầng dịch vụ chăm sóc người nhiễm bệnh cũng tốt hơn các địa phương rất nhiều. Về du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng 4 – 5 sao, đội ngũ nhân lực tại TP.HCM đều có sẵn. Chưa kể, một lợi thế rất lớn của TP.HCM là sân bay Tân Sơn Nhất – 1 trong 2 cửa ngõ chính đón khách du lịch quốc tế tới TP.HCM.

“Mọi hạ tầng, hệ thống cung ứng dịch vụ của TP.HCM đều đã sẵn sàng, Chính phủ nên xem xét cho phép TP.HCM mở cửa đón khách quốc tế cùng đợt thí điểm với 5 tỉnh, thành đã được phê duyệt. Vấn đề là hiện nay cần đẩy nhanh xây dựng quy trình pháp lý trong việc đón/nhận khách như thủ tục xuất nhập cảnh, bộ quy trình y tế. Những thủ tục này cần ban hành trước để các DN nghiên cứu điểm đến, tour tuyến và quảng bá, mời gọi đối tác”, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist đề xuất.

Đồng tình, ông Trần Thế Dũng khẳng định TP.HCM sẽ đi đầu cả nước trong tiến trình bắt nhịp lại cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới. Các hoạt động ăn uống, tham quan, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng… của TP cũng sẽ nhanh chóng được hoạt động lại sớm. Đặc biệt, các công ty đón khách quốc tế lớn hầu hết đều nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Những công ty hiện đảm nhận việc đón khách quốc tế tới thí điểm tại Phú Quốc, Quảng Ninh hay Quảng Nam… đều là các công ty từ trước đến nay nhận nhiệm vụ chuyển tiếp, cung ứng dịch vụ tại địa phương, không phải đơn vị trực tiếp nhận nguồn khách lớn từ nước ngoài.

“Các công ty lớn ở TP.HCM có hàng trăm, hàng ngàn đối tác nước ngoài nhưng không phải DN nào cũng đủ lớn để thực hiện các chuyến charter bay thẳng tới Phú Quốc, Đà Nẵng. Nếu chỉ vài công ty làm thí điểm như vậy thì không giải được bài toán du lịch đúng nghĩa. Muốn khách đông thì phải mở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng – những nơi có sân bay khả năng đón khách lớn. Mở chuyến bay thương mại áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện cho TP.HCM và Hà Nội đón khách quốc tế mới giải quyết được bài toán nguồn khách khi VN mở cửa du lịch quốc tế”, ông Dũng nhận định.

HÀ MAI

TNO