23/11/2024

Ba Lan bị EU phạt 1 triệu euro/ngày vì tranh cãi pháp lý

Ba Lan bị EU phạt 1 triệu euro/ngày vì tranh cãi pháp lý

Toà án cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ba Lan nộp phạt 1 triệu euro (1,2 triệu USD) cho mỗi ngày không tuân thủ phán quyết.

 

 

Ba Lan bị EU phạt 1 triệu euro/ngày vì tranh cãi pháp lý - ảnh 1
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tham dự một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Bỉ vào ngày 22.10  REUTERS

CNN đưa tin Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 27.10 tuyên bố Ba Lan vi phạm luật khi tiếp tục duy trì phòng kỷ luật trong Tòa án Tối cao Ba Lan, một cơ quan được coi là không phù hợp với luật pháp EU.

ECJ cho biết Ba Lan sẽ bị phạt 1 triệu euro (1,2 triệu USD)/ngày cho đến khi nước này giải tán phòng kỷ luật trong Tòa án Tối cao. Quyết định có hiệu lực từ ngày 27.10.

Vào tháng 7, ECJ ra phán quyết tuyên bố phòng kỷ luật không “đảm bảo tính khách quan, độc lập” và yêu cầu Warsaw phải giải tán phòng này. Đến tháng 8, chính phủ Ba Lan tuyên bố sẽ bỏ phòng kỷ luật trong cuộc cải cách tư pháp “dự kiến ​​thực hiện trong những tháng tới”. Tuy nhiên, Warsaw vẫn chưa thực hiện lời hứa này.

Do đó, vào tháng 9, Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu đưa ra án phạt cho Ba Lan, một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp ngày càng gay gắt giữa EC và Ba Lan về pháp quyền và tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Phòng kỷ luật của Tòa án Tối cao Ba Lan được đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý (PiS), đảng lớn nhất trong quốc hội Ba Lan, thành lập vào năm 2018. Theo DW, phòng này có quyền cách chức thẩm phán và công tố viên. Điều này khiến ECJ lo ngại phòng kỷ luật sẽ khiến tòa án Ba Lan không còn độc lập trước các áp lực chính trị. Kể từ đó, phòng kỷ luật là vấn đề gây tranh cãi giữa ECJ và Ba Lan.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vào tuần trước cho biết ông sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với Brussels, nhưng Warsaw sẽ không cúi đầu trước “hành vi tống tiền”. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng Ba Lan rời EU.

Trước đó, ông Morawicki đã bác bỏ khả năng xảy ra “Polexit” (Ba Lan rời EU, tương tự sự kiện Brexit) vì người dân nước này vẫn ủng hộ việc Ba Lan là thành viên EU. Kể từ khi gia nhập EU vào năm 2004, Warsaw đã được hưởng lợi rất nhiều từ nguồn tài trợ của EU, theo CNN.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Warsaw và Brussels đang ngày càng tăng cao. Đầu tháng này, Tòa án Hiến pháp Ba Lan phán quyết một số phần của luật EU không tương thích với hiến pháp Ba Lan.

Phán quyết này thách thức tính tối cao của luật EU so với luật của quốc gia, một trong những nền tảng chính của khối này. EU được xây dựng trên nguyên tắc rằng các quốc gia thành viên phải tuân theo một quy tắc chung, mặc dù quốc gia vẫn có tiếng nói cuối cùng trong một số lĩnh vực chính sách.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo Ba Lan rằng việc nước này thách thức tính tối cao của luật EU đã phạm vào nền tảng của khối và không thể không bị trừng phạt. Nghị viện châu Âu sau đó đã bỏ phiếu thông qua việc lên án phán quyết của Ba Lan và hoãn các khoản tiền hỗ trợ cho Warsaw.

 

ĐÔNG A

TNO