Rộng cửa đón khách quốc tế
Rộng cửa đón khách quốc tế
Cùng với việc công nhận hộ chiếu vắc xin của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ, VN sẽ có 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11, từng bước khôi phục du lịch.
Mở danh sách thí điểm
Sau 2 lần “trễ hẹn”, UBND tỉnh Kiên Giang vừa chính thức ban hành Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vắc xin”.
Theo đó, từ 20.11, Kiên Giang sẽ tổ chức đón một số chuyến bay thuê bao (charter flight) đến Phú Quốc để vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách, từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ ngày 20.12, đảo ngọc sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1 (từ 20.12 – 20.3.2022) thí điểm đón từ 3.000 – 5.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn 2 (từ 20.3 – 20.6.2022), sau khi đánh giá kết quả giai đoạn 1, nếu bảo đảm yêu cầu sẽ đề xuất mở rộng quy mô dự kiến đón từ 5.000 – 10.000 khách/tháng… Đối tượng khách du lịch quốc tế được lựa chọn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực như châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Úc… Khách du lịch quốc tế sẽ được nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, thông qua các chuyến bay charter flight.
Du khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 3.10. Đây là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021 LÃ NGHĨA HIẾU |
Không chỉ Kiên Giang, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và các địa phương Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới diễn ra chiều 21.10 mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ quan điểm đồng ý với kế hoạch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế giai đoạn 1 từ tháng 11 ở cả 5 địa phương. Phó thủ tướng nhấn mạnh lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế cần khẩn trương, bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn. Đối với giai đoạn 2 (từ tháng 1.2022), các địa phương khác có thể đăng ký để thí điểm đón khách nước ngoài phù hợp với tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp một số địa phương sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 từ trước tháng 1.2022, Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định.
Như vậy, danh sách thí điểm đón du khách quốc tế đã được mở rộng cho 5 địa phương, thay vì chỉ mình Phú Quốc theo kế hoạch trước đó. Thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế cũng đã được rút sớm hơn nửa năm so với mốc thời gian tháng 6.2022 mà lãnh đạo Tổng cục Du lịch vừa tuyên bố mới đây.
Đồng hành cùng du lịch, hàng không cũng đã nhanh chóng chuẩn bị mở cửa bầu trời quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ theo 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện ngay trong quý 4 năm nay theo hình thức combo trọn gói (hành khách là công dân Việt Nam), song song với tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh…). Ba giai đoạn còn lại tiến hành trong năm 2022 (tháng 1, tháng 4, tháng 7).
Du khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 3.10. Quảng Ninh là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021 LÃ NGHĨA HIẾU |
Nên bổ sung đón Việt kiều
Nhanh chóng mở cửa, phục hồi du lịch sau gần 2 năm kiệt quệ là điều tất cả các doanh nghiệp (DN) đang mong ngóng từng ngày, từng giờ. Song, mở cửa có khách không, làm sao thu hút được khách quốc tế đến với Việt Nam là câu hỏi mà ông chủ các DN đang đau đáu nhất.
Sau khi nhận được cái lắc đầu thờ ơ của một số đối tác charter flight Hàn Quốc, ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đặt vấn đề: “Chúng ta nói mở cửa Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… nhưng đã có đơn vị nào nghiên cứu, tìm hiểu xem các đối tác, hãng lữ hành quốc tế có hưởng ứng chuyện đó không? Nếu chỉ chăm chăm bàn kế hoạch của mình, mở ra không ai đến thì DN cũng “chết” luôn vì chi phí duy trì hoạt động hiện nay rất lớn”.
Ông Sơn lưu ý Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ là một trong những điểm đến du lịch đón đầu hậu Covid-19. Cộng thêm quá trình xây dựng chính sách, thập thò mở cửa quá lâu, nếu tiếp tục loay hoay, chậm trễ, tự mình biết với nhau thì không thể mở cửa thành công. Bây giờ muốn thu hút du khách, phải chủ động, nỗ lực gấp đôi, gấp ba lần.
“Một kế hoạch chỉn chu không chỉ nằm ở sự chuẩn bị của nhà nước và DN mà phải tính đến cả phía đối tác và khách hàng. Cho tới bây giờ, chưa thấy Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch có hoạt động nào để lôi kéo khách. Đáng ra, chúng ta đã phải có những chuyến farm-trip, press-trip… mời các điều hành tour, đối tác, truyền thông của thị trường khách đến đưa tin bài, trực tiếp khảo sát thị trường sau khi mở cửa, xem tuyến đi thế nào, cách thức Việt Nam tổ chức tour, tuyến ra sao… để họ nghe và góp ý, hoàn thiện kế hoạch. Họ là thành tố không thể thiếu cho chuyện mở cửa. Chúng ta tự bày mâm, dọn cơm lên mà nếu rủi khách không tới thì sao?”, ông Sơn e ngại.
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho rằng Việt Nam đang kỳ vọng lượng khách từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc nhưng đến giờ Trung Quốc vẫn mở rất hạn chế, chưa cho công dân ra nước ngoài, trừ một số đối tượng sang châu Âu. Các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng tương tự. Nếu không có khách, không kiến tạo được môi trường kinh doanh, khiến DN phải đóng cửa lần nữa thì sẽ thật sự không còn cơ hội cho sự trở lại tiếp theo.
“Chính phủ đã công nhận hộ chiếu vắc xin, cần nhanh chóng ký kết cho công dân Việt Nam và công dân các nước trên được qua lại với nhau. Nếu đánh giá thị trường hiện nay, Việt kiều sẽ là đối tượng khách lớn nhất, khả năng lấy khách nhanh nhất, tốt nhất đối với du lịch Việt Nam khi bắt đầu mở cửa. Sau 2 năm không thể về nhà thăm thân, hàng triệu kiều bào Việt Nam đang có nhu cầu về nước thăm họ hàng, người thân và tiêu tiền. Ngành du lịch cần mở rộng đối tượng khách, nên bổ sung đón Việt kiều về nước để không bỏ lỡ đối tượng tiềm năng rất lớn này”, ông Kỳ đề xuất.
Du khách đi cáp treo lên núi Bà Đen (Tây Ninh) ngày 18.10 VŨ PHƯỢNG |
Đừng mở theo kiểu “du lịch lòng máng”
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng nếu không mở được hệ thống hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch thì sẽ rất lãng phí và đánh mất cơ hội của du lịch Việt Nam. Cụ thể, du lịch được gọi là ngành kinh tế tổng hợp vì thông qua các hoạt động tiêu dùng, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí của du khách sẽ kéo theo cơ hội cho các hoạt động kinh tế khác cùng vận động, phát triển. Chính những hoạt động dịch vụ này đem lại doanh thu, là mặt tích cực nhất mà hoạt động du lịch mang tới cho kinh tế địa phương. Nếu không kích thích được các hoạt động kinh tế khác, mở cửa du lịch không thẩm thấu được vào nền kinh tế của địa phương thì sẽ trở thành kiểu “du lịch lòng máng”, mang khách vào, tiền vào nhưng nhanh chóng trôi tuột hết.
Từ những phân tích trên, ông Kỳ đề xuất cần có cơ chế mở lại các cơ sở dịch vụ phục vụ hoạt động của du lịch, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi giải trí của du khách để việc mở cửa du lịch có thể phát huy tối đa lợi ích và ý nghĩa đối với nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi không cần giới hạn thời gian, giãn cách mà nên cho mở lại bình thường trong giai đoạn “bình thường mới” và đáp ứng đầy đủ yêu cầu, điều kiện an toàn phòng chống dịch.
Mở hành lang xanh cho du lịch Việt
Không chỉ bó gọn trong 5 địa phương, cần nhanh chóng xây dựng hành lang xanh để đa dạng điểm đến, dịch vụ du lịch. Cụ thể, rà soát những địa phương nào có sân bay đến trực tiếp, cơ sở vật chất, hạ tầng y tế tốt, tỷ lệ tiêm vắc xin cao… thì cho phép cùng thí điểm mở cửa, tạo thành một “hành lang xanh” du lịch Việt Nam. Khách vào Việt Nam nếu không tới trực tiếp địa phương thì sẽ đến 5 đầu mối là 5 địa phương thí điểm, sau 7 ngày an toàn sẽ liên kết đưa tới các điểm trong hành lanh xanh để hình thành tour an toàn, hấp dẫn. Riêng đối với khách Việt kiều, sau 7 ngày theo tour du lịch, thay vì đi tiếp các điểm khác sẽ cho về nhà thăm thân nhân, gia đình tại nơi cư trú.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings
HÀ MAI
TNO