Tái cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi: Chủ động nguyên liệu, giảm lệ thuộc nhập khẩu
Tái cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi: Chủ động nguyên liệu, giảm lệ thuộc nhập khẩu
Thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá là do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Cần có chính sách mở rộng vùng nguyên liệu trong nước và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để từng bước giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.
“Ăn đong” nguyên liệu, phát triển không bền vững
Có rất nhiều vấn đề của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước được các đại biểu phân tích và kiến nghị giải pháp cho Bộ NN-PTNT trong buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phục thuộc nhập khẩu” diễn ra chiều 21.10 tại Hà Nội.
Báo cáo từ Cục Chăn nuôi cho biết, trong khoảng 10 năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam liên tục tăng trưởng bình quân từ 13 – 15%, giúp Việt Nam giữ vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới về quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp chủ động tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước CTV |
Nhưng trái ngược với “thành tích này”, người chăn nuôi trong nước thời gian qua đang khốn đốn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi sụt giảm thê thảm.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2020, Việt Nam đã chi tới 6 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng giá trị xuất khẩu thịt chỉ đạt hơn 1 tỉ USD.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố gần đây cũng công nhận: Việt Nam là cường quốc nhập khẩu ngô để phục vụ sản xuất thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi trong nước. Mỹ dự báo năm 2021 – 2022, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu ngô đứng thứ 5 toàn cầu.
Ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đã chủ động sản xuất tại chỗ được nhiều loại thức ăn chăn nuôi TẬP ĐOÀN TH |
Bình luận về những thông tin này, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng dù tăng tưởng mỗi năm đều ở mức 2 con số nhưng thực tế cho thấy, phải “ăn đong”, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của thế giới nên đây là sự phát triển không bền vững. Nhiều năm qua, Việt Nam là điểm đến đầu tư của rất nhiều “ông lớn” trên thế giới trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, họ liên tục mở rộng quy mô sản xuất vì nước ta đang là thị trường kinh doanh béo bở.
“Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian không hẳn chỉ là tác động của dịch Covid-19. Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 30% về số lượng nhưng lại nắm tới 65% thị trường và giá bán nhiều năm nay chỉ có tăng chứ không giảm. Nguyên liệu sản xuất nếu còn “ăn đong”, phụ thuộc vào nước ngoài sẽ không phát triển bền vững”, ông Sơn nói.
Chuyển đổi cây trồng tạo vùng nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết nhu cầu thức ăn chăn nuôi sử dụng rất lớn, mỗi năm từ 32 – 33 triệu tấn, trong đó chỉ có 7 triệu tấn là người chăn nuôi sử dụng phụ phẩm, nguyên liệu tự trồng để tự phối trộn và khoảng 20 triệu tấn là thức ăn công nghiệp. Trong khi đó, nguồn phụ phẩm nông nghiệp rất lớn nhưng chưa thể tận dụng được.
Cụ thể, ngành trồng trọt mỗi năm có 88,9 triệu tấn phụ phẩm với nhiều loại có thể sử dụng là nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng hiện chỉ tận dụng được 52%. Ngoài ra, có hàng chục triệu tấn phụ phẩm ở ngành giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến hải sản… có thể tận dụng sản xuất protein làm thức ăn bổ sung nhưng đều bị bỏ phí.
Tập đoàn TH đang liên kết với hàng nghìn hộ nông dân Nghệ An trồng ngô sinh khối cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn cho bò sữa TẬP ĐOÀN TH |
Còn theo đại diện Cục Trồng trọt, các doanh nghiệp trong nước đã quan tâm nhiều hơn đến tạo nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước. Đặc biệt trong ngành chăn nuôi bò sữa, doanh nghiệp đã liên kết với nông dân chuyển đổi trồng ngô hạt sang trồng ngô sinh khối, cỏ chủ động thức ăn cho đàn bò và nông dân có thu nhập cao.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đơn vị này đang đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, điển hình là rơm ủ chua nuôi bò.
Tại Việt Nam, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ rất lớn và bà con có thể tận dụng thức ăn tại chỗ, nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm sẽ mang lại hiệu quả cho chăn nuôi. “Các nông hộ cần tận dụng diện tích để trồng ngô sinh khối hoặc trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi và áp dụng các gói kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn, giảm phục thuộc vào thức ăn công nghiệp”, bà Hạnh nói.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nếu quyết tâm và có giải pháp đồng bộ thì không khó để từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Chính phủ cần có chiến lược tổng thể phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và đặt mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, từng sản phẩm nguyên liệu đi kèm giải pháp về vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai, khoa học công nghệ…
Đối với ngành nông nghiệp, ông Sơn kiến nghị: “Có thể chuyển trồng một số giống lúa chất lượng thấp nhưng có năng suất cao để làm thức ăn chăn nuôi; đưa ngô sinh khối, ngô biến đổi gene vào sản xuất; tận dụng nguồn cám gạo làm nguyên liệu thức ăn; phải tăng diện tích trồng đỗ tương; ứng dụng công nghệ vào sản xuất bột cá nhạt để phát triển nhóm nguyên liệu giàu đạm trong nước…”.
“Chốt” lại buổi tọa đàm, ông Tống Xuân Chinh cho biết hiện Bộ NN-PTNT giao Cục Chăn nuôi xây dựng dự thảo Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có giải pháp rất quan trọng là tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp với khối lượng lên đến hàng trăm triệu tấn.
PHAN HẬU
TNO