28/12/2024

Chỉ bán mang về, nhà hàng, quán ăn khó tăng tốc

Chỉ bán mang về, nhà hàng, quán ăn khó tăng tốc

Sau 3 tuần TP.HCM mở cửa kinh tế trở lại, quy định chỉ cho bán mang về khiến các quán ăn, nhà hàng khó tăng tốc như kỳ vọng.

 

 

Quán xá ế ẩm

Đến hơn 9 giờ sáng ngày 21.10, tiệm hủ tíu Sa Đéc trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11, TPHCM) mới bán được vài chục tô, người mua chủ yếu ở trong xóm. Chủ quán cho biết khi không dịch thì đến giờ này phải bán 120 – 150 tô cho người ngồi ăn tại chỗ là chính. Thực tế, cho mở chỉ bán mang về khiến hàng quán cũng không có nhiều người mua. Loanh quanh ngày vài chục tô là nhiều lắm rồi. Tiệm phở Hiền trên đường Lý Thường Kiệt mới mở bán trở lại từ ngày 16.10 được trang bị rất kỹ những tấm chắn bằng nhựa trong, phía trước kê 2 bàn inox để giữ khoảng cách giữa người bán và người mua cũng là nơi người bán bỏ những hộp phở giao cho khách theo quy định 5K nhưng chủ quán than thở “chậm lắm”.

“Tiệm cũng có đăng ký bán qua ShopeeFood nhưng lượng hàng bán mang về chưa tới 20% so với trước. Chúng tôi chủ yếu bán cho khách quen, thân thiết với thương hiệu phở từ 30 năm qua, ở tận Gò Vấp, Q.12 cũng chạy về ăn rồi vào trung tâm làm việc. Nay chỉ bán mang về, phí ship thấp nhất cũng 15.000 đồng/lần. Khách ở xa đi ngang không ghé ăn được. Khách quen ở gần thì chỉ thật siêng mới chạy xe ra mua về nhà ăn, nhưng số này rất ít. Bán chủ yếu để lấy lại khách hàng chứ không lời lãi gì…”, chủ quán chán nản.

Chỉ bán mang về, nhà hàng, quán ăn khó tăng tốc - ảnh 1
Các quán ăn truyền thống vẫn đìu hiu khách vì chưa thể phục vụ tại chỗ NG.NGA

Cũng trong suy nghĩ mở lại quán để “lấy lại thói quen ăn hàng” của người dân TP, hơn một tuần qua, tiệm cơm tấm Thành Mỹ (P.8, Q.Tân Bình) đã mở trở lại. Tuy nhiên, theo quản lý quán, chủ yếu bán buổi trưa, còn buổi tối gần như không có khách. Trong khi món cơm tấm bán khuya vốn được xem như nét văn hóa ẩm thực đường phố của Sài Gòn. “Buổi tối nếu được bán cho ngồi ăn tại chỗ, chắc chắn doanh số phục hồi rất nhanh vì quán xưa nay bán buổi tối là chính. Nay lác đác vài ba người đến mua về ăn, trước bán được 10 đĩa, nay bán 1 – 2 đĩa”, quản lý quán cho hay.

Những nhà hàng lớn, quán cà phê thoáng lớn, với mô hình chỉ cho bán mang về cũng ế ẩm, giờ cao điểm cũng chỉ lèo tèo vài ba tài xế xe công nghệ chờ lấy hàng đi giao, bởi đối tượng khách của những quán này có nhu cầu ngồi nhâm nhi, làm việc, gặp gỡ bạn bè trong không gian mát mẻ. Còn mua mang về thì đa số chọn cà phê rang xay tại quán cóc “cũng đủ ngon rồi”, như than thở của một chủ quán cà phê lớn.

Hàng quán mở bán lại nhưng khách quen vẫn không thể ghé ăn. Chưa có khách du lịch, các điểm giải trí tối thiểu cho người dân “giải ngố” sau gần nửa năm “đóng cửa” ở nhà vẫn im ỉm đóng đang cản trở quá trình hồi phục kinh tế của TP.HCM hiện nay.

2 mũi rồi vẫn chưa mở hết, chờ bao giờ?

Trong nỗ lực mở cửa nền kinh tế, ngành du lịch của TP.HCM kỳ vọng đẩy mạnh thu hút nguồn thu từ… chính người dân tại TP, sang tháng 11 mới kết nối du lịch liên vùng. Thế nhưng, sau 3 tuần mở cửa, các loại hình quán bar, vũ trường, massage… đều không được nhắc tới.

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, Tổng giám đốc Công ty tư vấn IME Việt Nam, nhận xét quyết tâm mở cửa của TP vẫn còn nặng tính… bảo thủ. Đã 3 tuần mở cửa lại nền kinh tế, gần 2 tuần triển khai Nghị quyết 128, nhưng các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại TP chưa có sự thay đổi mang tính chiến lược. “Cách làm vẫn chậm, TP.HCM không nên nhìn ra các tỉnh để làm mà nhìn sang các nước để mở cửa thế nào cho hợp lý. Theo báo cáo thì hơn 98% dân số đã tiêm 1 mũi, hơn 75% phủ đủ 2 mũi vẫn chưa mở cửa thì chờ đến bao giờ nữa ? Thí điểm nên trong 1 tuần, rồi mở dần theo cách “an toàn đến đâu mở đến đó” là cần thiết? Thế nhưng, từ ngày cho quán ăn mở cửa đến nay, có quán nào bùng phát dịch thành ổ chưa? Sao không đánh giá rút kinh nghiệm để tăng tốc bước tiếp những bước sau”, ông Đỗ Hòa đặt vấn đề và nhận xét, chỉ vì bước đi quá dè dặt nên sau 3 tuần, kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống chưa thấy có sự mới mẻ, doanh số từ nguồn thu này vẫn vô cùng khiêm tốn. Nếu tiếp tục như vậy, tham vọng kích cầu trong tháng 10 sẽ chưa đâu vào đâu cả.

Ngày 19.10 vừa qua, Sở Công thương TP.HCM có đề xuất gửi UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu. Khách hàng ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, hàng quán đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày và phục vụ không quá 50% công suất, không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2 m. Trước đó, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN cũng đề xuất cho bán hàng ăn tại chỗ, không chỉ quy định cứng nhắc mang về.

Ông Đỗ Hòa nhận xét các đề xuất về giới hạn 2 người/bàn, đóng cửa trước 21 giờ… thật ra không cần thiết. Nên đề xuất áp dụng kinh doanh giới hạn công suất, không gian ngoài trời, khách và người bán bảo đảm 2 mũi và 5K đầy đủ, bảo đảm giãn cách thì khả thi hơn. “Có những bàn ăn lớn tại các nhà hàng có thể phục vụ 12 người, nay giới hạn 6 người thì được. Sao đề xuất 2 người/bàn làm chi? Rồi gia đình đi 3 – 4 người phải chia ra 2 bàn ngồi? Như tôi chia sẻ ở trên, nên mở cửa trong tâm thế thực tế hơn, không nên theo công thức cứng nhắc như thời chống dịch “zero Covid” trước đây”, vị này chia sẻ và nói các bước mở cửa của TP cần tăng tốc hơn để sớm mở các dịch vụ giải trí như bar, vũ trường… đón mùa lễ hội cuối năm.

 

NGUYÊN NGA

TNO