Sản xuất an toàn thời dịch: Tuyến đầu giờ là doanh nghiệp
Sản xuất an toàn thời dịch: Tuyến đầu giờ là doanh nghiệp
Ngay sau khi các nhà máy trở lại sản xuất, tại Công ty ChangShin Việt Nam TNHH (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) xảy ra 38 ca mắc COVID-19.
Các ca F1 được cho trở về địa phương mà không thông báo đã khiến nhiều người bức xúc. Từ đây vấn đề đặt ra là làm thế nào để sản xuất an toàn và ngay khi chẳng may xảy ra việc tái nhiễm thì xử lý thế nào để tiếp tục duy trì sản xuất?
3 tuyến phòng ngự
Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, cho biết tại 17 khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX) của TP.HCM, trên 91% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với hơn 70% công nhân quay lại làm việc. Đa số các doanh nghiệp đều phát hiện các ca F0 khi xét nghiệm trước khi vào nhà máy, trong đó ở KCX Linh Trung có đến hơn 50% doanh nghiệp phát hiện ca dương tính.
Tuy nhiên, việc phát hiện các F0 được các doanh nghiệp ứng xử linh hoạt, kiểm soát theo diễn biến tình hình. Đơn cử như cùng là Công ty Freetrend của KCX Linh Trung 1, 2 thì hồi tháng 7-2021, khi doanh nghiệp này phát sinh vài chục công nhân F0 đã cho hơn 30.000 công nhân nghỉ việc và đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, đầu tháng 10-2021, Công ty Freetrend tái hoạt động, tuyển dụng được 4.800 công nhân, phát hiện 20 ca F0 thì đưa đi điều trị, nhà máy vẫn tiếp tục mở cửa.
Theo ông Bé, khi đã xác định “sống chung với dịch”, các KCN-KCX TP.HCM đã chủ động đề ra các tuyến phòng ngự. Trong đó ý thức tự giác của công nhân là tuyến phòng ngự hàng đầu và rất quyết định. Phải huấn luyện, nâng cao ý thức đó thành “kỹ năng sống, thực hiện 5K mọi nơi, mọi lúc”. Tiếp đến là triển khai nhanh tiêm mũi 2 vắc xin phòng dịch cho toàn thể công nhân. Ngoài ra một phương án cũng được các KCN-KCX quan tâm là xây dựng cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại khu và có khả năng điều trị tầng 1.
Để làm thí điểm, hiện nay KCX Linh Trung 2 sắp khánh thành khu 1.500m2 với 250 giường có sự phối hợp của Bệnh viện Thủ Đức. KCX Tân Thuận (quận 7) phối hợp với cơ quan y tế địa phương tận dụng các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành nhiệm vụ trong cao điểm chống dịch, tiếp tục trưng dụng để đón các F0 là công nhân trong các nhà máy.
“Qua 6 tháng đại dịch kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp nào có ký túc xá hoặc khu lưu trú dành cho công nhân thì doanh nghiệp đó rất chủ động trong phòng chống dịch và thực hiện “3 tại chỗ”. Vì vậy tôi cho rằng trong các dự án KCN cần luật định nội dung xây dựng khu lưu trú công nhân” – ông Bé chia sẻ.
Tăng kiểm soát từ vòng ngoài
Ông Lâm An Dậu – tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Vĩnh Tiến – nói sau hai tuần trở lại cuộc sống bình thường, những công nhân có triệu chứng như cảm, sốt, ho… được khuyến khích nghỉ tại nhà, hiện cứ 3 ngày các công nhân đến nhà máy vẫn được cho làm xét nghiệm hoặc được phát các bộ kiểm tra bằng phương thức ngậm, kiểm tra nước bọt và không tránh khỏi phát hiện những ca F0.
Tuy nhiên theo ông Dậu, khi nói về cuộc sống “bình thường mới” thì các F0 là một phần tất yếu, vì vậy cách xử lý cũng không còn căng thẳng như trong cao điểm dịch. Các F0 được chuyển đến bệnh viện, cơ sở gần nhất, dù hiện nay quy định cho phép F0 tự cách ly tại nhà nhưng nguyện vọng hầu hết là muốn được điều trị trong các cơ sở tiếp nhận và công ty cũng có nơi để công nhân cách ly riêng.
“Nhiều doanh nghiệp sau khi quay trở lại làm việc đều phải đối mặt với “có F0″ ngay trong văn phòng của mình. Vì vậy việc chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch cụ thể, xịt khử khuẩn và phải thật bình tĩnh. Quan trọng là không được lơ là, luôn đeo khẩu trang đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm” – ông Dậu chia sẻ.
Doanh nghiệp nên chủ động
Ông Đoàn Võ Khang Duy, giám đốc Công ty CP công nghiệp AMECO, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP.HCM, cho rằng lúc này cần nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, chắc chắn phải chuẩn bị tinh thần là sẽ xuất hiện F0 trong nhà xưởng, khi đó phải xử lý một cách linh hoạt theo các quy định đã có, cụ thể là tiêu chí của Bộ Y tế về sản xuất trong nhà xưởng.
“Tôi có nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, hiện đang sản xuất và phòng dịch theo đúng các tiêu chí đó nên doanh nghiệp yên tâm và chủ động bởi chúng tôi có các kịch bản ứng phó, cách ly tại nhà xưởng cũng như phối hợp với địa phương, cơ quan y tế khi có F0. Trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có y tế tại chỗ để tầm soát và chạy một quy trình xử lý khi có F0, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên trong lúc chờ cơ quan quản lý xét nghiệm PCR…” – ông Duy nói.
Theo ông Duy, nếu doanh nghiệp có các biện pháp phòng dịch tốt hơn thì cũng nên áp dụng, như có những doanh nghiệp lớn họ có trạm xá riêng, tự chữa trị cho công nhân hay có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì xét nghiệm mỗi ngày cho nhân viên và tầm soát PCR theo xác suất…
Với cơ quan quản lý, ông Duy đề nghị cần có một bộ phận sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, có những công bố rõ ràng sẽ hỗ trợ những gì, giải quyết trong bao nhiêu giờ… để doanh nghiệp yên tâm, tránh vì lý do lo bị phong tỏa, ngưng sản xuất, phạt đơn hàng mà doanh nghiệp có những ứng xử trái quy định.
Cần xác định lại F1
Theo ông Đoàn Võ Khang Duy, với thực tế hiện nay cần xác định ai là F1 và quyền lợi đối với F1 khi đây là người lao động trong nhà máy. Có những vị trí rất quan trọng nếu cứ F1 là cho cách ly thì lại chưa thích ứng với điều kiện mới, sản xuất bị ảnh hưởng. Do đó cần có quy định về phương pháp xác định F1 một cách rõ ràng, cụ thể hơn khi điều tra dịch tễ.
Ngoài ra cần có những chế độ hỗ trợ để người lao động yên tâm khi ngừng việc. Cần chia F1 ra thành 2 nhóm, trong đó nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có ứng xử phù hợp, không làm gián đoạn dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp bởi rất nhiều nước F1 vẫn đi làm có giám sát bình thường.
Bình Dương: các khu công nghiệp, nhà máy lớn phải có trạm y tế lưu động
Tại Bình Dương, doanh nghiệp được chủ động quyết định việc hoạt động trở lại nhưng phải có phương án phòng chống dịch COVID-19 gửi cơ quan có thẩm quyền. Trong đó phải chuẩn bị cho các kịch bản như khi có F0 thì xử lý cách ly, phối hợp ra sao… Các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và hậu kiểm phương án phòng chống dịch đối với các doanh nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao.
Đối với người lao động trước khi vào nhà máy làm việc hoặc trở về nơi ở (sau khi công ty kết thúc mô hình “3 tại chỗ”), doanh nghiệp được yêu cầu phải xét nghiệm âm tính cho người lao động. Để tạo điều kiện và giảm chi phí, việc mua que xét nghiệm và xét nghiệm được giao cho doanh nghiệp tự chủ động và tự chịu trách nhiệm. Khi phát hiện F0 trong nhà máy, tùy tình hình mà có thể cách ly khu vực có ca nhiễm chứ không nhất thiết phải cách ly toàn bộ nhà máy. Nghiêm cấm doanh nghiệp tự ý cho F0 về nơi ở.
Rút kinh nghiệm đợt bùng phát dịch vừa qua khi số ca nhiễm nhiều dẫn đến quá tải, có tình trạng khi phát hiện F0 trong nhà máy thì doanh nghiệp thông báo nhưng y tế chậm tới xử lý, Bình Dương đang đẩy mạnh lập các trạm y tế lưu động. Ngoài các trạm y tế lưu động ở xã, phường, các khu công nghiệp, các nhà máy lớn… đều đã có trạm y tế lưu động để xử lý ngay khi phát hiện F0.
BÁ SƠN
Chính quyền tiếp sức, doanh nghiệp phải minh bạch
Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tổ chức xét nghiệm nhanh cho người lao động trước khi vào xưởng sản xuất trở lại – Ảnh: A LỘC
Ông Cao Tiến Dũng – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho hay chính quyền tỉnh vẫn đang nỗ lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
“Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất cho các chuyên gia, công nhân qua lại địa bàn để làm việc. Riêng chuyện công nhân đi xe máy phải hết sức dè chừng vì dịch bệnh trên địa bàn vẫn chưa yên ổn”. Theo ông Dũng, tỉnh vẫn mở việc lưu thông như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cho đi lại nhưng nhiều lý do như “đi xe máy câu cá, đám giỗ… thì thôi. Phải làm từng bước”.
Ông Dũng nói rằng Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động rất lớn nên các doanh nghiệp phải chủ động. Tỉnh cho doanh nghiệp tự quyết kinh doanh “3 tại chỗ”, đón công nhân đi lại, phục hồi sản xuất nhưng phải cùng chung sức với chính quyền kiểm soát dịch bệnh. Nếu bùng ổ dịch mới sẽ rất khó khăn cho tỉnh.
Với sự việc ở Công ty ChangShin, ông Nguyễn Văn Thuộc – bí thư Huyện ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Vĩnh Cửu – cho hay khi biết sai trong việc kiểm soát phòng dịch, tự ý cho các ca F1 về địa phương, lãnh đạo Công ty ChangShin đã trực tiếp xin lỗi huyện vì cách phối hợp chưa nhịp nhàng. “Họ muốn sản xuất an toàn, hiểu cách phòng dịch như cam kết nhưng một bộ phận làm không đúng đã ảnh hưởng đến Công ty ChangShin” – ông Thuộc nói.
Theo ông Thuộc, tỉnh đã có quy định khi doanh nghiệp phát hiện ca F0 thì báo ngay cho y tế, chính quyền để xử lý khoanh vùng, truy vết. “Doanh nghiệp nào khi được duyệt phương án sản xuất, tuyển dụng công nhân đều biết hết việc này nên chúng tôi mong họ tuân thủ các quy định để kiểm soát dịch bệnh” – ông Thuộc nói.
Ông Lê Văn Danh – phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết đến nay đã có 1.515 doanh nghiệp với hơn 476.000 công nhân đi làm trở lại (chiếm 88%), đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giày.
Ông Danh cho rằng để doanh nghiệp yên tâm và đảm bảo phòng chống dịch thì 2 việc cần ưu tiên lúc này là tập trung tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho các doanh nghiệp quay lại sản xuất và có trạm y tế lưu động để xử lý các tình huống xảy ra dịch bệnh.
H.MI
Hà Nội: tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa nhà máy
Hiện nay số lượng doanh nghiệp tại Hà Nội hoạt động trở lại sau giãn cách tăng 77%. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết thời gian tới nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hy vọng TP sẽ không áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” mà cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc xin từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm từ nhà, không liên quan đó là vùng dịch hay không. Thậm chí gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần.
Ông Nguyễn Hải Minh, phó chủ tịch Eurocham, đề xuất thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy.
P.TUẤN