26/12/2024

Vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân Mỹ gây quan ngại an toàn ở Biển Đông

Vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân Mỹ gây quan ngại an toàn ở Biển Đông

Giới phân tích cho rằng vụ tai nạn liên quan tàu ngầm hạt nhân của Mỹ gặp nạn ở Biển Đông vừa qua gây quan ngại về sự an toàn từ hoạt động của loại tàu này trong khu vực.

 

 

Vào ngày 7.10, CNN dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của nước này đã đâm vào một vật thể dưới nước ở Biển Đông vào ngày 2.10, khiến 11 thủy thủ trên tàu bị thương. Hải quân Mỹ khẳng định lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm USS Connecticut không bị ảnh hưởng và tàu có thể trở về căn cứ hải quân ở đảo Guam để kiểm tra.

Vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân Mỹ gây quan ngại an toàn ở Biển Đông - ảnh 1
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Mỹ  HẢI QUÂN MỸ

Trong khi đó, tờ South China Morning Post (SCMP) tối 16.10 dẫn lời nhà nghiên cứu quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh cho rằng khả năng rò rỉ chất thải phóng xạ từ tàu USS Connecticut là quan ngại hàng đầu đối với các nước trong khu vực. “Vẫn có khả năng rằng chất thải phóng xạ có lẽ đã bị rò rỉ từ các đường ống của tàu ngầm đó trong vụ va chạm, dường như khá nghiêm trọng vì đã khiến 11 thủy thủ bị thương”, ông Châu nhận định.

Một số chuyên gia quốc phòng cảnh báo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có nguy cơ gặp sự cố dưới nước gây ra rò rỉ hạt nhân. “Sở hữu tàu ngầm hạt nhân có thể đại diện cho các khả năng phòng thủ và tấn công của một quốc gia, nhưng tình trạng thiếu các quy định mang tính bắt buộc nhằm buộc tất cả các nước tuân theo vẫn còn là một vấn đề lớn”, chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Trung Quốc bình luận.

Cả hai ông Lý và Châu cho rằng vụ tàu ngầm USS Connecticut gặp nạn ở Biển Đông nhắc nhở khu vực về những nguy cơ và chi phí ngày càng tăng của các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngoài ra, một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cho SCMP hay chi phí tháo dỡ một tàu ngầm hạt nhân bằng chi phí đóng một tàu mới. Nguồn tin tiết lộ: “Ở Trung Quốc, khi chính quyền trung ương chi 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 tỉ USD) để đóng một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thì cũng chuẩn bị thêm 10 tỉ nhân dân tệ cho chi phí loại biên tàu đó”.

“Cả Trung Quốc và Mỹ tháo dỡ các lò phản ứng khỏi thân tàu ngầm, rồi dùng hóa chất và xi măng để bịt kín các thành phần phóng xạ, tìm nơi trữ chúng. Việc này gây tốn kém và cần thêm công nghệ”, nguồn tin cho hay.

Mỹ thường cho các lò phản ứng của những tàu ngầm hạt nhân bị loại biên chìm xuống dưới đáy biển gần Hawaii, còn Trung Quốc chôn chúng trong một khu vực không có người sinh sống thuộc Khu tự trị Tân Cương. Nga thì bỏ những tàu ngầm không còn sử dụng nữa tại một cảng gần bán đảo hẻo lánh Novaya Zemlya ở Bắc Băng Dương, theo SCMP.

VĂN KHOA

TNO