28/12/2024

Kiểm tra trực tuyến: Đừng để niềm tin bị xói mòn

Kiểm tra trực tuyến: Đừng để niềm tin bị xói mòn

Những ngày này, các trường đang chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ 1. Nhiều trường và nhiều giáo viên lo lắng về tính trung thực của học sinh khi kiểm tra trực tuyến.

 

 

Kiểm tra trực tuyến: Đừng để niềm tin bị xói mòn - ảnh 1
Có nhiều hình thức để kiểm tra học sinh khi học trực tuyến CHÂU NGUYÊN

Còn tôi thì cho rằng, cần dạy học bằng niềm tin, hãy tin học sinh, đừng để niềm tin bị xói mòn bởi bài kiểm tra trực tuyến.

Trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý đưa ra nhiều quan điểm xoay quanh việc kiểm tra định kỳ học kỳ 1, tức kiểm tra 1 tiết và thi học kỳ.

Rất nhiều vấn đề đặt ra xung quanh tính trung thực của học sinh. Đa số thầy cô cho là khó khả thi, nào là kiểm tra như thế nhiều vấn đề nảy sinh nhất là khi các em giỏi công nghệ, nào là đường truyền internet không thể đảm bảo… Có giải pháp làm trên giấy rồi chụp hình gửi mail. Khó lòng mà xem hết 300 mail trên máy tính, chấm xong là mờ mắt. Có đề xuất đặt 3 cái camera trước mặt và hai bên… Chao ôi con nhà nghèo hiện chưa có thiết bị để học lấy đâu 3 cái camera!

Hầu hết ý kiến cho rằng đợi Sở GD-ĐT ra hướng dẫn. Vậy kế hoạch khung thời gian năm học đã được Sở GD-ĐT ban hành đã để đâu rồi, vả lại việc kiểm tra định kỳ với hình thức nào là do nhà trường, giáo viên quyết định. Có vô số cách kiểm tra đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan và đàng hoàng.

Chẳng hạn, với các môn xã hội, thầy cô giao một dự án cho từng nhóm và có phân chia trách nhiệm để nhóm thực hiện. Cách làm này sẽ đạt tiêu chí “thực học – thực làm”.

Với môn khoa học tự nhiên, thầy cô có thể giao nhóm xây dựng đề cương cho 2 bài, hoặc tiến hành làm hột vịt muối, làm dưa chua, củ kiệu, thịt đông, trồng rau, nuôi nấm mèo, nấm bào ngư… rồi ghi hình có hướng dẫn.

Riêng với môn ngoại ngữ có thể ra một đồ vật, yêu cầu một nhóm hùng biện nói về tính năng tốt; một nhóm nói về những hạn chế của nó. Hoặc cho đề mở để các em có cơ hội truy tìm trên internet hoặc đọc tài liệu… Kiểu ra đề như thế phát huy tính sáng tạo của học sinh, hình thành nhiều kỹ năng, nhưng trên hết sản phẩm làm ra là do công sức của cả nhóm.

Chúng ta không khó ra đề kiểm tra trực tuyến đánh giá đúng tính trung thực của học sinh, nếu như mỗi giờ lên lớp thầy cô luôn yêu thương và dạy các em bằng cả niềm tin thì kết quả sẽ rõ ràng.

Tại sao thầy cô nói sợ học trò không trung thực, nghe nhói lòng! Chúng ta đang dạy cho các em gì đây? Nên nhớ sản phẩm của giáo dục là phẩm chất đạo đức của nhà giáo.

HUỲNH THANH TÚ

TNO