Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
Gặp gỡ Thủ tướng sáng nay 12.10, cộng đồng doanh nghiệp (DN) gửi gắm kỳ vọng sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao.
Sáng nay 12.10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Thủ tướng phát biểu mở đầu cuộc gặp với các doanh nhân NHẬT BẮC |
Thủ tướng cho rằng, ngày doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực suốt đầu năm tới nay về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua.
Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam.
“Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại hội trường này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh sự kiện hôm nay một mặt thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, thể hiện tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.
Mong Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp phát biểu mở đầu, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.
“Những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng doanh nghiệp rất phấn chấn. Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9.9.2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp các doanh nghiệp đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tháng, Thủ tướng đã có một loạt cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh những khó khăn, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp”, ông Công chia sẻ.
Thủ tướng tại cuộc gặp với các doanh nhân tiêu biểu sáng 12.10 NHẬT BẮC |
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp; Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương”, ông Công bày tỏ.
Cụ thể hơn, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà, kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay các giải pháp phù hợp trên quy mô lớn, trong trung và dài hạn. Các giải pháp này cần đáp ứng 4 mục tiêu: đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid 19; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; và kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, các giải pháp đề xuất của ông Sơn là sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn. Nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp được thụ hưởng sự hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói tín dụng ưu đãi.
“Cùng với đó, Chính phủ khẩn trương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm và nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường; ccó giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Thực hiện kích cầu tiêu dùng và đầu tư, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”, ông Sơn đề xuất.
CHÍ HIẾU
TNO