Tại sao F0 khỏi bệnh cần cẩn thận với nguy cơ đau tim và đông máu?
Tại sao F0 khỏi bệnh cần cẩn thận với nguy cơ đau tim và đông máu?
Đau tim và đông máu đang gia tăng ở bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục, theo Times of India.
Covid-19 không chỉ đáng sợ với các triệu chứng khó lường và nguy hiểm mà những rủi ro lâu dài cũng rất khó đoán biết.
Trong khi một số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ bệnh nhẹ, những người khác bị nặng và dễ bị các biến chứng Covid kéo dài, và phải rất lâu sau mới hồi phục.
Đau tim và đông máu đang gia tăng ở bệnh nhân Covid-19 đang hồi phục, theo Timesofindia SHUTTERSTOCK |
Theo các chuyên gia, sự gia tăng đáng báo động của các vấn đề về tim dẫn đến hình thành cục máu đông, đau ngực, đau tim, ngừng tim và suy tim ở những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh trong độ tuổi từ 17 đến 35 là mối quan tâm rất lớn, đáng chú ý cần phải hành động ngay lập tức, theo Times of India.
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bệnh nhân Covid-19 có thể mất vài tuần để hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường.
Dữ liệu từ Nghiên cứu triệu chứng Covid-19 của Anh cho thấy cứ 10 bệnh nhân Covid-19 thì có 1 người gặp phải các triệu chứng trong 3 tuần trở lên.
Còn một nghiên cứu năm 2021 từ một bệnh viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy hơn 3/4 bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn trải qua ít nhất một triệu chứng kéo dài đến 6 tháng sau khi xuất viện.
Điều này cho thấy tác động lâu dài của Covid-19 rất phổ biến và các chuyên gia đang cố gắng tìm ra lý do tại sao.
Nguy cơ đông máu tăng lên ở bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh
Ở một số bệnh nhân, Covid-19 có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, theo Times of India.
Thông thường, các cơn đau tim và đột quỵ là do các cục máu đông lớn gây ra. Nhưng tổn thương tim do Covid-19 gây ra là do sự hình thành các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong cơ tim.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân bị biến chứng Covid-19 kéo dài tiếp tục có chỉ số đông máu cao hơn, có thể dẫn đến các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi.
Trước đây, một công bố trên Tạp chí về huyết khối Journal of Thrombosis and Haemostasis cũng cho thấy dấu hiệu của cục máu đông cao hơn đáng kể trong máu của những bệnh nhân mắc hội chứng Covid kéo dài.
Các vấn đề về tim trở nên phổ biến hơn bao giờ hết
Trong quá trình hồi phục, những người đã từng nhiễm Covid-19 phải trải qua những cơn đau tim kéo dài. Những người bị Covid-19 kéo dài thường gặp các triệu chứng như chóng mặt, đau ngực, tim đập nhanh và khó thở.
Trong quá trình hồi phục, những người đã từng nhiễm Covid-19 phải trải qua những cơn đau tim kéo dài SHUTTERSTOCK |
Theo tiến sĩ T.S. Kler, Chủ tịch Viện Tim & Mạch máu Fortis, Gurugram (Ấn Độ), Covid-19 dẫn đến hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch tim, dẫn đến đau tim đột ngột, theo Times of India.
Tuy nhiên, ông cho biết chỉ cần điều trị kịp thời là có thể xử lý được.
Ông nói, sau khi bị nhiễm Covid-19, các bệnh nhân đã mắc một số bệnh về tim, thậm chí sau 2 – 3 tháng. Sau đợt Covid thứ hai, mỗi ngày ông đều thấy 1 – 2 bệnh nhân trẻ tuổi bị bệnh tim.
Ông cho biết thêm, những người bị đau ngực sau khi khỏi Covid-19 hoặc những người đã bị các vấn đề về tim và bị nhiễm Covid-19 – nên đi kiểm tra tim để biết tình trạng tim của họ, theo Times of India.
Chuyên gia khuyên nên làm gì?
Bác sĩ Kler khuyến cáo những bệnh nhân đã khỏi Covid-19 sau 2 tháng nên đi kiểm tra tim thường xuyên, tập thể dục hoặc tập yoga ít nhất 30 phút và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, vận động cơ thể và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các cách để kiểm soát các triệu chứng kéo dài
Tiếp tục đi khám và kiểm tra tim thường xuyên, đặc biệt đối với người đã có bệnh tim mạch từ trước. Cần theo một chế độ ăn uống lành mạnh và giữ đủ nước.
Đừng cố tập những bài tập cường độ cao mà hãy đi bộ những đoạn ngắn. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng kéo dài nào như đau ngực, khó thở, nhầm lẫn… cần phải đi khám ngay lập tức, theo Times of India.
THIÊN LAN
TNO