23/12/2024

Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và… kiên nhẫn

Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và… kiên nhẫn

Đa số bệnh nhân vào BV đều có tâm trạng nặng nề, lo lắng và bất ổn. Chính vì vậy, việc giữ không gian yên bình, vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực là rất cần thiết trong suốt quá trình điều trị.
Thăm hỏi một gia đình đang điều trị trong phòng bệnh /// ĐỘC LẬP
Thăm hỏi một gia đình đang điều trị trong phòng bệnh  ĐỘC LẬP
Nửa tháng ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5D, các y bác sĩ nói thẳng với chúng tôi: “Các báo chí tôn vinh thì cũng tốt thôi. Nhưng chẳng thấy ai kể lại chuyện nhân viên y tế phải kiên nhẫn, kiên trì với các bệnh nhân quậy phá, thần kinh không bình thường” và bảo: “Đó mới là thử thách thực sự với y bác sĩ vào chống dịch”…

“Tâm sự đêm khuya”

Ở Bệnh viện (BV) dã chiến truyền nhiễm 5D, các khu bệnh nhân đều dán tờ giấy A4 “Đường dây nóng, số điện thoại tiếp nhận – giải đáp kiến nghị, phản ánh của người dân” ghi rành mạch số điện thoại di động của đại tá Nguyễn Văn Chinh (Giám đốc) và trung tá Dương Ngọc Tuyển (Phó giám đốc). Bệnh nhân mới vào nhập viện, thấy thiếu thốn hay thắc mắc bất cứ thứ gì cũng gọi “đường dây nóng”.
Thấy được trả lời ngay, bệnh nhân lại… bảo nhau cùng gọi hỏi từ cái chổi quét nhà, giờ ăn, cơm nguội hay nóng cho đến tư vấn chữa trị. Với những bệnh nhân khác thường, 2 số điện thoại này là thú vui duy nhất, trong những đêm khó ngủ, cần nói chuyện – tâm sự với ai đó. Những ngày ở BV, mỗi buổi sáng, thấy đại tá Chinh mặt mũi bơ phờ, mắt thâm quầng, y như rằng đêm qua có bệnh nhân liên tục gọi điện, nhá máy, không cho ngủ. “Rất mệt. Nhưng lỡ trong mấy chục cuộc gọi ấy, có bệnh nhân cần kíp thực sự thì sao?”, đại tá Chinh lắc đầu.

Dỗ dành khám bệnh

Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và... kiên nhẫn1

Bệnh nhân T.Đ.Đ vào phòng điều trị bệnh nhân nặng gây rối, đập phá trang thiết bị y tế  MAI THANH HẢI

“BV dã chiến là xã hội thu nhỏ, bởi các bệnh nhân vào điều trị có đủ mọi hoàn cảnh, tính cách, mối quan hệ, cách ứng xử…”, thiếu tá Trần Văn Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, khẳng định vậy và kể: Ngày 5.8.2021, anh T.T.T (34 tuổi, ở KP.5, P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) xét nghiệm PCR tại trung tâm y tế địa phương ra kết quả dương tính Covid-19. Ngay lập tức, anh T. được địa phương chuyển vào BV dã chiến 5D điều trị tại Khoa Vừa 1. Ngày 15.8, bệnh nhân T. được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng loạn thần kích thích, hoang tưởng bị sát hại và không hợp tác điều trị.
Từ ngày 15 – 16.8, bệnh nhân T. nhiều lần cầm dao (mang theo để gọt trái cây) đe dọa, rượt đuổi các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ… Dẫu biết tiếp xúc với bệnh nhân có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã dùng mọi biện pháp, trong đó có cả vận động và… dỗ dành, để bệnh nhân đồng ý ngồi im thực hiện xét nghiệm. Sau mấy lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân T. được xuất viện, trở về địa phương.

Cả ngàn người chịu đựng vài người

Đa số bệnh nhân vào BV đều có tâm trạng nặng nề, lo lắng và bất ổn. Chính vì vậy, việc giữ không gian yên bình, vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực là rất cần thiết trong suốt quá trình điều trị. Ngược lại, sự căng thẳng, ức chế sẽ phát sinh và có khi, sự “châm ngòi” từ cá nhân 1 người bệnh sẽ kéo theo hội chứng đám đông bức xúc, rất nguy hiểm với tâm lý toàn BV.
Bên trong bệnh viện dã chiến quân đội: Kiên nhẫn và... kiên nhẫn2

Phát bánh và sữa tới từng bệnh nhân đang điều trị ĐỘC LẬP

Trường hợp của bệnh nhân T.Đ.Đ (39 tuổi, ở tổ 9, KP.Tây B, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương) là một ví dụ. Nhập viện ngày 22.8 do dương tính Covid-19, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Nhẹ. Nằm điều trị được mấy ngày, anh này chuyển trạng thái loạn thần, liên tục quát mắng chửi bới và gây phiền nhiễu đến người khác.
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, bệnh nhân Đ. tự ý rời phòng ở, xuống sân chung giữa 2 nhà A3 và A5, liên tục hò hét, chửi bới gây gổ với các bệnh nhân khác. Ngày 1.9, chúng tôi chứng kiến bệnh nhân Đ., sau khi chửi bới gây gổ ngoài sân, đã xông vào phòng điều trị của Khoa Nặng la ó hò hét, cản trở hoạt động của kíp trực.
Cao điểm là tối 1.9, bệnh nhân Đ. lao vào phòng điều trị bệnh nhân nặng, đập phá vật tư thiết bị y tế, trèo lên giường các bệnh nhân đang điều trị, rút dây thở ô xy, quăng quật các máy thở. Trước sự phản ứng kịch liệt của các bệnh nhân đang điều trị, Ban giám đốc BV phải nhờ công an can thiệp. Khi các dân quân, lực lượng bảo vệ vây bắt, bệnh nhân Đ. xé rào chạy ra khỏi khu cách ly hòng trốn chạy. Cả chục người phải rất vất vả mới đưa được bệnh nhân vào xe cứu thương, chuyển BV khác, ngay trong đêm. Khi xe chở bệnh nhân Đ. chuyển bánh, cả ngàn bệnh nhân đang tập trung theo dõi trên các lầu đồng loạt vỗ tay, thở phào hò reo mừng… “thoát nạn”.

Xin được ở lại làm tình nguyện viên

Rất nhiều bệnh nhân kết thúc điều trị tại BV dã chiến 5D xin được ở lại. Một số, do được chăm sóc chu đáo, cảm động nên muốn đóng góp sức mình làm tình nguyện viên. Đa số là công nhân, người lao động ngoại tỉnh, làm thuê làm mướn thì xin ở lại để có chỗ ở, mỗi ngày được 3 bữa cơm ăn bởi có bị trả về nơi tạm trú, cũng lại ru rú thất nghiệp. Rất nhiều người còn không có chỗ về bởi người thân, bạn bè, hàng xóm sợ hãi bệnh dịch, tẩy chay, xa lánh. Mới đây nhất, một bệnh nhân nữ ở TP.HCM, trước khi xuất viện, gọi điện báo tin cho chồng, nhưng anh này một mực bắt ở lại, không cho về. Quá chán nản, bệnh nhân đã uống thuốc ngủ tự tử, khi kíp trực cấp cứu, phát hiện thêm lưỡi dao lam ở ngay trong tay áo, bệnh nhân định rạch tay, nếu thuốc… không ngấm.
Thiếu tá Trần Nam Sơn, Chủ nhiệm chính trị BV, cho biết: “Trước giờ bệnh nhân lên xe về lại địa phương, anh em phải đi kiểm tra các phòng bệnh, ngõ ngách để tìm bệnh nhân trốn ở lại. Đã có trường hợp, người khỏi bệnh sang tận khu nhà ở của y bác sĩ, hòng không phải về. Có nhóm đồng bào dân tộc, không nói được tiếng phổ thông, cứ giơ tay xin ở lại” và trầm giọng: “Biết là về nhà sẽ sống rất khó khăn. Nhưng quy định, không làm khác được”.
Nhiều anh em trong BV kể: Một số bệnh nhân khi xuất viện, ném cả chăn, màn, gối, chiếu bộ đội (cấp mượn trong quá trình điều trị) vào thùng rác, chỗ đựng đồ quét dọn, nhà vệ sinh và khu đất hoang sau tòa nhà… Cán bộ chiến sĩ vừa tìm người trốn ở lại, vừa thu dọn các quân trang của chính mình, đã nhường cho bệnh nhân. (còn tiếp)
Sáng 7.9, bệnh nhân V.V.L (48 tuổi) được Trung tâm y tế Q.Tân Phú (TP.HCM) chuyển đến BV. Khi làm thủ tục nhập viện, bệnh nhân tuy tỉnh táo nhưng bác sĩ phát hiện tâm lý không bình thường do tư duy không logic, rối loạn cảm xúc. Tách ra theo dõi và thăm khám, bệnh nhân thể hiện rối loạn hành vi, không hợp tác để làm thủ tục nhập viện… Bác sĩ Đỗ (Khoa Khám bệnh) kể: Bệnh nhân lúc vui, lúc buồn. Đang nói chuyện bình thường, bỗng nhiên kích động, giằng xé, dọa đánh nhân viên y tế, cởi trần nằm ra giữa sân, không cho bác sĩ khám bệnh… Trước sự phản ứng của các bệnh nhân đang điều trị, BV phải trả ông L. về địa phương để chuyển vào BV chuyên khoa…
MAI THANH HẢI – NGUYỄN ĐỘC LẬP
TNO