Shipper sẽ tự xét nghiệm Covid-19
Shipper sẽ tự xét nghiệm Covid-19
Cơ sở y tế quá tải, giao về các doanh nghiệp cũng không khả thi, TP.HCM đang triển khai phương án để lực lượng shipper tự chủ động xét nghiệm Covid-19.
Tự chịu trách nhiệm với an toàn của bản thân
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM từ ngày 24 – 30.9, các doanh nghiệp (DN) giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ tại TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh cho đội ngũ shipper của mình. Nhưng ngay ngày đầu tiên, tình trạng tài xế xếp hàng dài, tụ tập đông trước các điểm xét nghiệm vẫn tiếp diễn, không tuân thủ theo chủ trương phòng chống dịch của TP và an toàn cho shipper trong quá trình chờ xét nghiệm.
Thế nên, ngay trong cuối giờ sáng cùng ngày, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức họp khẩn với 34 DN triển khai dịch vụ giao hàng qua ứng dụng công nghệ trên địa bàn TP để bàn phương án xét nghiệm cho lực lượng shipper.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả thực hiện công tác tổ chức xét nghiệm trong ngày đầu tiên triển khai, Sở Công thương đề nghị các DN khẩn trương thực hiện công tác tổ chức xét nghiệm theo phương thức: DN tổ chức phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các shipper để mỗi shipper tự xét nghiệm theo nguyên tắc mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người với tần suất 3 ngày/lần.
Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm, các shipper gửi kết quả (thông tin, hình ảnh) cho DN quản lý để tiếp nhận thông tin và cập nhật dữ liệu lên Kho dữ liệu dùng chung của TP. Sở yêu cầu các DN phối hợp các đơn vị y tế để tổ chức tập huấn cho các shipper tự xét nghiệm. Trong trường hợp phát hiện DN chưa đảm bảo việc thực hiện theo điều kiện quy định hoặc có thông tin phản ánh qua báo chí, truyền thông, Sở sẽ thực hiện ngay biện pháp tạm ngưng hoạt động của các ứng dụng giao hàng bằng công nghệ của các DN.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhận định shipper là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân TP trong giai đoạn giãn cách xã hội như hiện nay. Đây cũng là lực lượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên cần có những biện pháp tầm soát phù hợp. Thực tế, nhu cầu của người dân đòi hỏi phải bổ sung một lượng shipper lớn hơn nhưng khi thực hiện quy mô lớn thì việc tổ chức xét nghiệm theo hình thức tập trung không còn phù hợp. Vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, tài xế sốt ruột nhận cuốc khiến việc sàng lọc để giảm nguy cơ lại vô tình kéo theo tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thời gian tới, khi TP.HCM mở cửa kinh tế trở lại, có bộ phận rất lớn nhóm người khác nhau được tham gia hoạt động, lao động, sản xuất. Nếu cách quản lý không phù hợp sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
|
Doanh nghiệp thở phào
Trước phương án giao bộ kit test cho tài xế tự xét nghiệm, các DN đều thở phào nhẹ nhõm vì suốt 2 ngày qua, việc tổ chức xét nghiệm cho số lượng tài xế quá lớn khiến các ứng dụng giao hàng khốn đốn.
Hầu hết các DN đều chọn phương án liên kết với một số bệnh viện, cơ sở y tế để tổ chức công tác này. Đơn cử, ứng dụng gọi xe Be phối hợp cùng chính quyền địa phương, một số bệnh viện đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của mình. Tương tự, Grab phối hợp với Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (địa điểm xét nghiệm tại Sân vận động Quân khu 7, Q.Tân Bình); Bệnh viện Lê Văn Thịnh (130 Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức và Bệnh viện Lê Văn Thịnh (điểm xét nghiệm lưu động).
Theo ghi nhận ban đầu của các DN, việc phối hợp triển khai với các cơ sở y tế sẽ đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, an toàn. Tuy nhiên, số lượng cơ sở y tế có hạn vẫn dẫn đến tình trạng tài xế tập trung đông tại điểm xét nghiệm. Nhiều trường hợp tài xế phải di chuyển khá xa từ nơi ở tới điểm xét nghiệm, vừa tốn thời gian, vừa lãng phí nguồn lực xã hội. Chưa kể, tài xế sẽ phải tự bỏ tiền xét nghiệm. Hầu hết các hãng đều hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm, nhưng điều này cũng khiến đội chi phí của DN và tài xế lên khá nhiều.
Trong khi đó, một số DN chọn phương án tự tổ chức xét nghiệm cho các tài xế cũng không dễ dàng. Ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc chính sách công và quan hệ Chính phủ của Gojek Việt Nam, cho biết ngày 23.9, Gojek đã nhận đủ số bộ xét nghiệm nhanh cho số lượng hàng chục nghìn tài xế đã đăng ký với Sở Công thương. Bộ xét nghiệm nhanh dự kiến được công ty phân phối tại 36 địa điểm, hoạt động từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đồng thời, phía Gojek đã chuẩn bị tài liệu tập huấn, quy trình tự xét nghiệm với minh họa cụ thể, sử dụng công nghệ để sắp xếp khung thời gian, tránh tình trạng tụ tập đông người. Gojek cũng tích hợp vào mã QR này để hẹn giờ đối tác tài xế đến nhận bộ xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát về chuyên môn, theo hướng dẫn của Sở Công thương.
Tuy nhiên, đến trưa ngày 24.9, đội ngũ đi phát bộ xét nghiệm và hỗ trợ xét nghiệm của công ty vẫn chưa được Sở Công thương, Công an TP.HCM cấp giấy đi đường nên chưa thể triển khai phương án trên. Điều này dẫn đến tình trạng các tài xế của Gojek chờ đợi đến hết buổi sáng vẫn chưa được test để nhận cuốc xe đầu tiên.
Cũng thực hiện triển khai phân phối về những điểm tự quản, cũng cẩn thận chia khung giờ và sử dụng công nghệ quản lý, song, đại diện ShopeeFood phải bất lực thừa nhận số lượng shipper rất lớn, khó kiểm soát 100% nên vẫn phát sinh tình trạng tụ tập đông người.
“Số lượng điểm xét nghiệm tự quản của DN dù cố gắng đến mức nào cũng không thể so sánh được với năng lực của 800 cơ sở y tế tại TP.HCM, nên ùn ứ tụ tập là điều tất yếu. DN rất vui khi nhận được sự chia sẻ từ Sở Công thương và nhất trí với quan điểm để shipper tự chủ xét nghiệm”, vị này nói.
Vẫn cần sự hỗ trợ từ lực lượng y tế cơ sở
Ủng hộ phương án triển khai mới của Sở Công thương, nhưng đại diện Ahamove đặt vấn đề: Bài toán của DN hiện nay là làm sao phân phối 10.000 – 20.000 bộ test cho toàn bộ tài xế trên địa bàn. Muốn bộ test đến tay shipper, chỉ có 2 cách, một là tài xế đến số lượng điểm chỉ định giới hạn mà DN tổ chức, hai là DN điều động lực lượng đi giao. Nếu làm theo phương án 1 thì sẽ lặp lại bài toán tập trung, ùn tắc. Phương án 2 thì gần như là bất khả thi, cần nguồn lực rất lớn. Với những phân tích trên, Ahamove đề xuất Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế hỗ trợ nguồn lực trong việc phân phối bộ xét nghiệm bằng cách phân phối các bộ xét nghiệm về các cơ sở y tế của phường, quận.
“Như vậy, tài xế có thể dễ dàng đến điểm phát bộ test, họ mang về test tại nhà nên cũng không còn ùn ứ. Ngay cả khi hết giai đoạn miễn phí, việc xét nghiệm cũng là những hoạt động phổ thông, tài xế cũng như người dân cần có cơ hội tiếp cận đơn giản nhất, hợp lý nhất để tiết kiệm nguồn lực của xã hội”, vị này đề xuất.
Đồng tình, đại diện ShopeeFood thông tin một số shipper có nhu cầu tự đi xét nghiệm tính phí bên ngoài, được cấp giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, có đóng mộc đàng hoàng nhưng khi qua các chốt công an vẫn bị từ chối. ShopeeFood kiến nghị cho phép chấp thuận các kết quả xét nghiệm từ các cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm được đồng bộ, nhất quán giữa các ban ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế.
Liên quan chi phí xét nghiệm, phía Gojek đề xuất TP tiếp tục cung cấp bộ xét nghiệm miễn phí sau ngày 30.9, để hỗ trợ giảm tải chi phí cho các DN có quy mô shipper lớn. Nếu chi phí này bắt buộc phải chuyển về DN, Gojek đề nghị cơ quan quản lý đưa ra mức giá trần và địa chỉ các cửa hàng bán vật tư y tế uy tín để tránh xảy ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá bộ xét nghiệm hay bộ xét nghiệm không đảm bảo chất lượng.
Chủ trương của lãnh đạo TP.HCM là mỗi người dân phải tự chịu trách nhiệm về việc tầm soát dịch bệnh của mình, do cơ quan y tế hướng dẫn về kỹ năng và có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. Phòng dịch, quan trọng nhất là tính tự giác của người dân. Sự giám sát của cơ quan chức năng chỉ nhằm gia tăng sự tự giác và chế tài hành vi. Việc tổ chức cho shipper tự xét nghiệm là một trong những nhóm làm điểm để TP mở rộng sang nhiều đối tượng khác.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ
HÀ MAI
TNO