10/01/2025

Không ‘trực tuyến hoá’ trực tiếp

Không ‘trực tuyến hoá’ trực tiếp

Một tiết học vẫn 45 phút, mỗi buổi học có khi lên tới 4-5 tiết học. Học sinh mệt mỏi dán mắt vào màn hình. Giáo viên ngán ngẩm, nỗ lực tìm cách duy trì thời gian “lên hình” marathon.

 

 

Không trực tuyến hóa trực tiếp - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM học trực tuyến – Ảnh: TRẦN MINH

Đã có không ít hướng dẫn, tư vấn, gợi ý về cách thức xây dựng giờ dạy trực tuyến, liều lượng, thời lượng, nội dung… thế nhưng sau gần 2 tuần đầu tiên của năm học mới, hoạt động dạy học trực tuyến ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn nhận được nhiều lời ca thán, chán chê của phụ huynh, học sinh và chính các thầy cô.

Các giáo viên cần chuyển đổi từ việc giảng dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều sang việc tổ chức cho học sinh hoạt động để tiếp cận với kiến thức. Tức là trước đây lấy hoạt động giảng dạy của thầy cô giáo là trung tâm thì nay lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm.

Ông Hồ Tấn Minh (phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Căng thẳng, mệt mỏi

“Con học từ 7h45 – 10h15, tương đương 3 tiết nhưng thường kéo dài đến 11h vì có những hôm đứt mạng đến hơn chục lần, có buổi phải ngừng giữa chừng. Buổi chiều lại phải học 1 tiết và bài tập giao về nhà rất nhiều, con học đến khuya chưa hết bài nên rất áp lực. Cô chủ nhiệm khá kiên nhẫn nhưng với một lớp 64 học sinh thì cô cũng khó có khả năng bao quát, hỗ trợ từng học sinh” – chị H., một phụ huynh có con học lớp 3 ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), kể.

Một phụ huynh có con năm nay vào lớp 6 ở quận Hà Đông cũng cho biết thời khóa biểu là 4-5 tiết/buổi và học đủ 6 buổi/tuần, mỗi tiết vẫn bố trí 45 phút. Học sinh cũng bị giao nhiều bài tập ở nhà. “Mới đây cô giáo chuyển thêm một lịch bồi dưỡng cũng 4 tiết/buổi và học 4 buổi/tuần. Ban đại diện cha mẹ học sinh đang vận động phụ huynh đăng ký vì năm nay con học chương trình mới lại phải học trực tuyến, nếu không bồi dưỡng thì không đảm bảo yêu cầu. Đáng nói là nếu học thêm, phụ huynh sẽ phải đóng tiền” – phụ huynh trên nói.

Tại TP.HCM, nhiều trường THCS, THPT cũng xếp lịch học trực tuyến cho học sinh 4-5 tiết/buổi, những lớp học chương trình tích hợp thì ngoài việc học 4 tiết buổi sáng, các em phải học trực tuyến thêm từ 2-4 tiết buổi chiều: “Học sinh học online suốt 4-5 tiết thì chán ngán là chuyện đương nhiên. Bởi học trực tuyến rất khác với học trực tiếp do học sinh theo dõi bài giảng qua màn hình. Những em có máy tính còn đỡ chứ nhiều em học bằng điện thoại thì mỏi mắt lắm” – thầy T., giáo viên môn toán ở quận 3, nhận định.

Làm sao để thu hút học sinh trong giờ dạy trực tuyến là câu hỏi và cũng là thách thức đối với các giáo viên trong thời kỳ hiện nay. “Dạy từ xa, chúng tôi rất khó kiểm soát học sinh. Đã vậy, với những tiết cuối thì đa số các em mệt mỏi. Tôi muốn có sự tương tác giữa thầy và trò nhưng đặt câu hỏi 2-3 lần mà cả lớp im ru, thành ra mình lại độc giảng tiếp” – thầy L., giáo viên môn vật lý ở quận 1, kể.

Không trực tuyến hóa trực tiếp - Ảnh 3.

Một học sinh ở Hà Tĩnh học trực tuyến 4 tiết/buổi, mỗi tiết 45 phút – Ảnh: N.HUY

Tốt nhất là 30 phút/tiết

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thời gian 1 tiết dạy học trực tuyến cần giảm bớt so với 1 tiết dạy học trực tiếp, tốt nhất là chỉ nên 30 phút/tiết. Số tiết học/buổi cũng cần điều chỉnh giảm bớt. Thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học nhiều hơn, trước là 5 phút, nhưng bây giờ có thể là 10 phút.

Tuy nhiên, cả những hiệu trưởng, giáo viên đang làm tốt việc dạy học online ở Hà Nội vẫn cho biết họ khó có thể điều chỉnh để một tiết học 30 phút, kể cả sau khi bộ ban hành nội dung dạy học cốt lõi, theo đó một tiết học chỉ tập trung vào dạy phần lõi.

“Chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch dạy học từ đầu năm, trong đó cũng tính đến việc bố trí giảm số tiết/buổi, giảm thời gian/tiết, đã có nhiều nội dung được tích hợp theo chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng hiệu quả hơn. Nhưng các nỗ lực đó cũng chỉ giảm được xuống còn 40 phút/tiết, nới rộng thêm thời gian học sinh được nghỉ xen kẽ giữa các tiết học thôi. Giảm tiếp sẽ không thể hoàn thành chương trình” – cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường Yên Hòa (Hà Nội), chia sẻ.

Giải thích về quan điểm của mình, ông Thành cho biết trong 45 phút trên lớp, giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau vẫn có những tương tác. Ngoài thời gian cô giáo giảng bài, vẫn xen kẽ các khoảng thời gian học sinh phải làm việc độc lập theo yêu cầu của cô (làm bài tập, đọc sách, tài liệu, tìm lời giải cho các câu hỏi của giáo viên) hoặc thảo luận nhóm. Vì thế không phải cả 45 phút học sinh nhìn lên bảng nghe giảng.

Khi chuyển sang học trực tuyến, giáo viên cũng cần dành những khoảng để học sinh thực hiện (hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm). Chỉ khác là trước đây học sinh làm việc đó tại lớp còn khi học trực tuyến học sinh sẽ làm offline. Thế nên giáo viên cần hình dung để thời gian tương tác online chỉ nên 30 phút, còn thời gian giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện có thể là 15-20 phút.

Theo ông Thành, thời gian online rút ngắn hơn chỉ để giáo viên chữa bài, giải thích vướng mắc, chốt kiến thức. Thời gian tính cho tiết học vẫn phải bao gồm cả công việc khi online và offline. Vì thế yêu cầu về kiến thức, kỹ năng không phải cắt giảm, nhưng thời gian học sinh phải tiếp xúc với máy tính để nghe giảng 1 chiều sẽ giảm. Không chỉ đỡ cho học sinh stress vì nhìn lâu trên màn hình máy tính, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe mà còn để học sinh có tâm thế chủ động, có khả năng tự học, tự giải quyết nhiệm vụ. Giờ học cũng không nhàm chán.

Nhưng để thực hiện việc trên, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp, cách thiết kế bài giảng. Trong khi đó nhiều nhà trường cơ bản vẫn bê giáo án dạy trực tiếp lên dạy trực tuyến. Mặc dù giáo viên vẫn có những slide bài giảng trình chiếu nhưng vẫn mất thời gian “tua” lại bài giảng một cách đơn điệu. Nhiều giáo viên sử dụng bảng viết trên lớp để thực hiện việc giảng bài như trực tiếp trong suốt thời gian tiết học.

Giáo viên cần vượt khó

“Trực tuyến hóa” bài dạy vốn được soạn cho hình thức dạy trực tiếp là hiện tượng phổ biến tại nhiều trường học hiện nay ở tất cả các cấp. “Đúng thực sự là bài giảng trực tiếp như thế nào, cô bê lên dạy trực tuyến như thế. Chúng tôi cũng có những giáo viên tích cực thay đổi nhưng có những giáo viên khác cần nhiều hơn thời gian. Nói một cách khác không chỉ học sinh mà giáo viên cũng đang cần vượt khó” – cô Nhiếp thừa nhận.

Cần dạy theo chủ đề

tkb truong vo t sau - b thanh2 1(read-only)

Thời khóa biểu của lớp 12 một trường THPT ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ông Hồ Tấn Minh – phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định cách thức phù hợp nhất khi triển khai dạy học trực tuyến là không dạy theo trình tự các bài trong sách giáo khoa mà nên dạy theo chủ đề.

Trong đó, các nhà trường cần xây dựng hệ thống học liệu và hướng dẫn học sinh sử dụng học liệu (giao nhiệm vụ cho học sinh cần đọc những tài liệu nào, cần xem những clip gì, trả lời những câu hỏi ra sao…) để rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu. Số tiết livestream để giáo viên giải quyết những vấn đề thắc mắc của học sinh, để tương tác với học sinh không được quá 50% thời lượng dạy học của mỗi chủ đề.

Văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ rõ: “Các trường THCS, THPT tuyệt đối không sắp xếp thời khóa biểu học trực tuyến giống hoàn toàn với trực tiếp (sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet).

Thời lượng dạy học được tính là tổng thời lượng tổ chức chủ đề dạy học của giáo viên bao gồm các hoạt động: chuyển giao nhiệm vụ học tập, giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, tổng kết, kết luận, đánh giá kết quả học sinh đạt được so với mục tiêu học.

Các nhà trường cần chọn lựa những chủ đề, những môn học mà học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ học tập để bố trí thời khóa biểu trực tuyến giúp giáo viên và học sinh tương tác, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của học sinh”…

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
TTO