Siêu thị chuẩn bị đón khách

Siêu thị chuẩn bị đón khách

Nhiều phương án mở cửa dần với hệ thống phân phối đang được TP.HCM xem xét, nhằm đảm bảo cho người dân tiếp cận hàng hoá thiết yếu dễ dàng hơn.

 

Siêu thị chuẩn bị đón khách - Ảnh 1.

Các siêu thị chuẩn bị đón khách đến mua sắm sau thời gian tạm ngưng bán lẻ trực tiếp để tuân thủ các biện pháp chống dịch – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các nhà bán lẻ, hiện nguồn hàng không thiếu, tỉ lệ nhân viên được cấp giấy đi đường tăng mạnh, đạt 70 – 80% so với bình thường.

Sức mua khó hồi phục nhanh

Theo thông tin từ UBND TP, người dân vùng xanh sẽ được đi siêu thị 1 lần/tuần và được đi chợ qua lực lượng shipper. Ngoài ra, một phương án khác cũng đang được đề xuất là cho phép các điểm bán mở cửa đến 21h.

Đại diện Lottemart Việt Nam cho biết hiện nay nhân sự và hàng hóa luôn sẵn sàng để phục vụ khách. “Nhưng với tần suất mỗi hộ được đi chợ 1 lần/tuần, số lượt người đến mua sắm các siêu thị sẽ không đông.

Ngoài ra, sức mua cũng sẽ khó cao do thu nhập của gia đình giảm sút, hàng dự trữ vẫn còn. Tuy nhiên, nếu được cho phép mở cửa đến 21h, chúng tôi sẽ mở lại kênh bán hàng online” – đại diện Lottemart Việt Nam nói.

Hiện nay, kênh bán hàng online của siêu thị này vẫn chưa mở hoàn toàn do thiếu người giao hàng. Siêu thị vẫn tập trung bán combo theo đơn đặt hàng của chính quyền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-9, đại diện Bách Hóa Xanh cho hay đã làm việc với nhà cung cấp, có thể tăng gấp đôi nguồn hàng tươi sống. Có đến 65% nhân viên được cho đi làm (khoảng 7.000 người), nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Tại chuỗi Vinmart/Vinmart+, đại diện Masan cho biết trong tổng số gần 40.000 nhân viên sản xuất và bán lẻ có khoảng 23.000 nhân viên được tiêm vắc xin, phần lớn tiêm một mũi. Hiện đơn vị đang liên kết với các đối tác giao hàng công nghệ để giao hàng đến người dân.

Trong khi đó, đại diện Saigon Co.op cho biết nguồn hàng dồi dào, trong đó có hàng tươi sống, rau củ dồi dào. Về giá bán hầu hết ở mức ổn định, thậm chí có mặt hàng bán dưới giá thành để phù hợp sức mua.

Thực phẩm khô có mặt bằng giá mới?

Không chỉ lo lắng ẩn số sức mua của thị trường mà các nhà bán lẻ cũng đối mặt với việc thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm chế biến đóng gói do bị đứt hàng.

Do nhiều đơn vị không thực hiện được “3 tại chỗ” nên nguồn cung thực phẩm khô như bún, mì, phở khô, đồ hộp… có dấu hiệu thiếu hụt, siêu thị khó dự trữ hàng đủ trong 30 – 45 ngày. Các nhà bán lẻ sẽ cố gắng giữ giá. Trường hợp bên cung cấp tăng giá bán sẽ xem xét ngưng nhập hàng, tìm nhà cung cấp khác.

“Đến nay hầu hết nhà cung cấp cam kết giữ giá bán nhưng về lâu dài khi hàng dự trữ gần hết, chúng tôi phải đợi bảng báo giá mới” – lãnh đạo một đơn vị bán lẻ thông tin.

Theo ghi nhận, thời gian gần đây nhiều mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm chế biến có dấu hiệu tăng giá, đặc biệt kênh bán hàng truyền thống như tiệm tạp hóa, cá nhân trên group mua bán, kênh online.

Những mặt hàng điều chỉnh mạnh như các loại bột nấu ăn, gia vị chế biến, dầu ăn, các loại thực phẩm khô như mì sợi, nui, miến, hủ tiếu…

Nhiều nhà bán lẻ cho rằng TP cần có phương án liên kết với các địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Ngọc An, tổng giám đốc Công ty Vissan (TP.HCM), cho biết hiện nay nguồn cung heo hơi vẫn dồi dào nhưng sản phẩm chế biến chỉ đáp ứng 40% nhu cầu.

Theo ông An, do không thể thực hiện “3 tại chỗ” một cách triệt để, chi phí tăng, nhân lực đi làm chỉ 25% so với mức bình thường làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Ngoài ra, quy định hiện nay không cho phép nhân viên cửa hàng của đơn vị giao hàng đến tay dân, shipper lại mỏng, giá cước cao kéo theo việc mua hàng của người dân cũng hạn chế.

Tương tự, ông Trương Chí Thiện – giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM) – cho biết hiện chỉ giữ được 50% lao động nên trứng bán ra ở mức 30% so với bình thường. Vật tư như vỏ, hộp trứng… đang thiếu hụt nên phải chạy vạy đi tìm nhà cung cấp với giá cao.

Trước trứng của 7 chi nhánh đổ hàng về các đơn vị nhỏ lẻ bằng xe máy, nhưng giờ giao bằng ôtô nên phải đi thuê ôtô luồng xanh với giá rất cao.

“Sau 15-9, TP có thể xem xét nới “3 tại chỗ”, nới thêm khâu đi đường để doanh nghiệp duy trì lao động, ổn định vật tư. Còn nếu kéo dài như hiện nay thì không thể chịu nổi” – đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Hồi hộp chờ hướng dẫn giấy đi đường

Theo ghi nhận, từ khi kênh online, dịch vụ đi chợ hộ trên các ứng dụng được triển khai trở lại, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi đón nhận đơn đặt hàng tăng vọt.

Đại diện một đơn vị siêu thị cho biết nhiều thời điểm siêu thị vẫn bị thiếu hụt nhân viên. Giấy đi đường cấp cho nhân viên ngành bán lẻ tới ngày 6-9 và TP chưa có văn bản, hướng dẫn thêm việc gia hạn hay làm lại giấy mới, một số đã gặp khó khi qua các chốt kiểm tra.

Không được sơ chế hàng hóa tại điểm tập kết chợ Bình Điền

Đại diện ban quản lý chợ Bình Điền cho biết trong phương án đưa chợ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, nguồn hàng đổ về sẽ đến từ nhiều nơi như các tỉnh miền Đông, miền Tây, Đà Lạt… với khả năng cung ứng từ 100 – 150 tấn/đêm.

Theo đó, tại khu tập kết – trung chuyển, mỗi thương nhân tham gia được phép đăng ký 5 lao động. Tùy theo tình hình thực tế, thương nhân có thể điều chỉnh tăng nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Hàng hóa không được sơ chế tại điểm tập kết.

Công ty Chợ Bình Điền cho hay đã xây dựng phân luồng giao thông một chiều, tránh tình trạng ùn tắc. Những người tham gia hoạt động tại chợ đều phải được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, khai báo y tế điện tử, kiểm tra thân nhiệt tại cổng ra vào và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức lại cho biết do các thương nhân vẫn ngại tham gia, rơi rụng dần nên điểm trung chuyển tập kết hàng hóa tại chợ buộc phải ngưng kể từ ngày 23-8.

N.BÌNH – NGUYỄN TRÍ
TTO