Nhu cầu shipper cũng cần ngang với hàng hoá thiết yếu
Nhu cầu shipper cũng cần ngang với hàng hoá thiết yếu
Các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần coi shipper là lực lượng quan trọng trong quá trình giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, từ đó xây dựng mô hình hoạt động thông thoáng, phù hợp.
Quay cuồng vì quy định thay đổi “xoành xoạch”
Gần một tháng qua có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất của lực lượng tài xế công nghệ ở TP.HCM kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Không chỉ đối mặt với rủi ro rất lớn về dịch bệnh, bị hạn chế đi lại, giảm thu nhập, các tài xế còn liên tục đứng trước nguy cơ phải nhận biên bản phạt bất cứ lúc nào vì những quy định kiểm soát hoạt động của shipper liên tục thay đổi. Từ ngành GTVT, ngành Công thương cho tới Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lên tiếng đề nghị duy trì hoạt động của shipper nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định chính thức nào được áp dụng thống nhất.
Theo Công văn 2491 của UBND TP.HCM về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16, đội ngũ shipper được phép lưu thông sau khi đã đăng ký với Sở Công thương, có mã QRCode và đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhận diện như thẻ tên, băng tay…
Tiếp đến, UBND TP ban hành Công văn 2796 điều chỉnh các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23.8, lực lượng shipper tiếp tục thuộc nhóm đối tượng được phép lưu thông, không cần có giấy đi đường vì tất cả thông tin cần thiết đã thể hiện qua mã QRCode. Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau, Công văn 2850 yêu cầu tất cả đối tượng được phép lưu thông phải áp dụng chung mẫu giấy đi đường do Công an thành phố in và cấp, dựa theo danh sách cập nhật từ các sở, ban, ngành.
Sau Công văn 2850, dù phía đại diện Sở Công thương có gửi tin nhắn phản hồi tới một số doanh nghiệp rằng shipper đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19, nếu có giấy nhận diện đầy đủ theo quy định sẽ được phép lưu thông, không bị kiểm tra giấy đi đường, song vẫn chưa có bất cứ văn bản chính thức nào được ban hành, khiến lực lượng tài xế “vừa chạy vừa run”. Trao đổi với 1 số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ, hầu hết đều chia sẻ tạm thời vẫn hạn chế hoạt động của các tài xế, áp dụng theo các quy định trước trong thời gian chờ chỉ đạo mới của thành phố, còn vấn đề lực lượng kiểm tra thì “hên xui, cũng còn tùy người trực chốt”.
Mới nhất, trong cuộc họp giữa lãnh đạo TP.HCM và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, các cấp lãnh đạo đã bàn bạc chi tiết và đi tới thống nhất sắp tới, số lượng người giao hàng (shipper) tại TP.HCM sẽ được tăng thêm, hoạt động tại mọi địa bàn, để đảm bảo việc phân phối hàng hóa đến người dân. Tưởng chừng hoạt động của shipper đã được nởi lỏng, nào ngờ những điều kiện ngặt nghèo kèm theo như shipper phải test Covid-19 mỗi ngày, có giấy xác nhận âm tính của cơ sở y tế và không được phép tăng giá cước khiến cả shipper cũng như các doanh nghiệp đều nản lòng.
Chi phí xét nghiệm quá lớn, doanh nghiệp không gánh nổi. Tài xế phải tìm chỗ xét nghiệm, xếp hàng chờ đợi vừa bất tiện, giảm năng suất, tăng nguy cơ lây nhiễm, vừa tổn hao sức khỏe vì hằng ngày phải chọc mũi lấy dịch… hàng ngàn tài xế đã chọn “thà ở nhà còn hơn”.
|
Mô hình chủ lực: Online + Shipper công nghệ
Liên tục vận động cần có cơ chế ưu tiên hàng đầu cho lực lượng shipper từ những ngày đầu TP.HCM chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông, đô thị TP.HCM đánh giá các hoạt động kiểm soát di chuyển của shipper tại TP.HCM đang đi ngược lại với xu thế của thế giới. “Online + Shipper công nghệ” là mô hình cung ứng chủ lực trong thời gian chống dịch, là chiến lược chung của mọi nơi trên thế giới nhưng TP.HCM đang làm ngược qua việc hạn chế shipper, khiến cho việc đảm bảo đời sống của người dân gặp khó khăn.
Theo ông Nam, các nền tảng mua sắm online cũng như lực lượng shipper là một công cụ sống không thể thiếu đối với người dân trong điều kiện giãn cách xã hội. Người dân dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Trong giai đoạn dịch bệnh, để hạn chế lây nhiễm nhưng vẫn không gây gián đoạn chuỗi sản xuất, không làm đóng băng nền kinh tế thì cần khuyến khích người dân mua hàng hóa online, mà mua online thì phải có shipper. Đồng thời, người dân cần gửi đồ cho nhau (nhà thừa gửi cho nhà thiếu) phải có shipper, nhu cầu này cao ngang với mua hàng hóa online.
“Trong thời gian giãn cách cứng, shipper có thể giao hàng đến các bộ phận hỗ trợ mua sắm của tổ dân phố thay vì giao đến từng nhà. Đây là phương án tận dụng nền tảng công nghệ để hỗ trợ người dân “đi chợ hộ” mà các doanh nghiệp công nghệ như Grab, Be vừa đề xuất. Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ, huy động tối đa lực lượng shipper công nghệ là mô hình chủ lực mà TP.HCM cần áp dụng trong giai đoạn chống dịch” – TS Lương Hoài Nam kiến nghị.
Đồng tình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng shipper, phối hợp với các công ty công nghệ để kiểm soát hoạt động giao nhận hàng hóa, sử dụng nền tảng công nghệ và hệ thống tài xế của họ là hướng đi hợp lý và bắt buộc đối với không chỉ TP.HCM mà còn cần triển khai trên phạm vi rộng ở tất cả các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng… Lực lượng shipper cũng như doanh nghiệp tư nhân phải được coi như một lực lượng quan trọng tham gia vận hành để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giúp hệ thống xã hội và nền kinh tế được vận hành bình thường.
“Nên bỏ hết các quy định quá ngặt nghèo để shipper được hoạt động thông thoáng. Trong quá trình giao nhận hàng hóa, tài xế đã tiêm 1 mũi vắc xin, đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 m, áp dụng triệt để hình thức thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản… thì không chỉ giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh mà còn là đòn bẩy rất tốt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Song song, ở vùng đô thị, địa giới hành chính không mang nhiều ý nghĩa, các chính sách ban hành không thể giới hạn hành chính nên cần tháo quy định không cho shipper giao hàng liên quận. Về giá cước nên để thị trường quyết định. Dịch bệnh, chẳng ai muốn ra ngoài đi làm, nhân lực thiếu nên họ cần được trả công xứng đáng, công bằng” – vị này đề xuất.
Dưới góc độ kinh tế, TS Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh logistics là mạch máu của nền kinh tế, nếu không coi trọng lực lượng này thì sẽ rất nguy hiểm. Tỷ lệ tiêm chủng của TP.HCM đã đạt khá cao. Đã đến lúc thành phố cần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa chặt chẽ để chuyển từ mục tiêu chống dịch sang sống chung với dịch, kích hoạt lại từ từ các ngành kinh tế. TP.HCM là thị trường tiêu thụ chính của cả quốc gia. TP.HCM đóng cửa thì nông sản miền Tây, rau củ Đà Lạt… và bà con nông dân các tỉnh cũng “chết”. Vì thế, các chính sách liên quan đến vận chuyển phải mang tính hệ thống, nhìn từ chuỗi cung ứng chạy từ đầu sản xuất tới người dùng cuối cùng để thấy tài xế vận chuyển, shipper là mắt xích quan trọng, thay vì cắt khúc đi giải quyết từng đoạn như hiện nay. Chủ trương này cần thống nhất từ Ban Chỉ đạo phòng dịch Quốc gia để áp xuống cho tất cả các địa phương chứ không chỉ TP.HCM.
HÀ MAI
TNO