Học trực tuyến: để học sinh không mất căn bản cần phải làm điều này…
Học trực tuyến: để học sinh không mất căn bản cần phải làm điều này…
Năm học mới bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng buộc nhiều địa phương phải lên kế hoạch dạy học trực tuyến, đặc biệt là dạy học trên truyền hình cho các lớp tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới: lớp 1, 2 và 6.
Dịch giã buộc ngành giáo dục phải đặt ra nhiều tình huống linh hoạt để ứng phó với những bất thường trong thời gian tới. Đây là một thử thách không hề nhỏ khi công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục đang khởi động những bước đầu tiên. Năm học này, lớp 2 và 6 lần đầu tiên tiếp cận bộ sách giáo khoa theo chương trình mới, lớp 1 còn quá bỡ ngỡ với trường lớp cũng tập tành học trực tuyến, học qua truyền hình.
Học sinh đã có hai năm làm quen với việc học trực tuyến, bước đầu vượt qua được những khó khăn về cơ sở vật chất, trở ngại tâm lý để gặt hái được một số thành tích nhất định. Tuy nhiên, bối cảnh thực tại buộc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Cần vun bồi ý thức tự học nhiều hơn để việc học trực tuyến phát huy được hiệu quả tối ưu!
Tôi còn nhớ năm đầu tiên học sinh ở quê tôi thực hiện việc học tập trên truyền hình, mọi thứ lao xao hẳn lên. Thú thật, mọi khởi đầu đều gian nan và việc thực hiện kế hoạch dạy học trên truyền hình khiến chúng tôi xoay vòng cùng nhiều trăn trở.
Dẫu biết rằng những giáo viên được chọn để thực hiện bài giảng sẽ là “hạt gạo trên sàn”, kiến thức được truyền tải sẽ đúng chuẩn nhất và mỗi tiết dạy là nỗ lực của cả một đội ngũ nhân lực nhưng cái khó ở đây là ý thức học tập của học sinh và hiệu quả của những bài học thiếu sự tương tác thầy – trò.
Các nhóm lớp theo bộ môn nhanh chóng được lập ra qua ứng dụng Messenger do giáo viên chủ nhiệm và bộ môn quản lý. Lời nhắc nhở từ ban giám hiệu, tổ trường chuyên môn liên tục vang lên, giáo viên chúng tôi vừa động viên vừa nghiêm khắc yêu cầu học sinh theo dõi bài học, ghi vở đầy đủ và làm bài tập giáo viên giao rồi chụp ảnh gửi qua ứng dụng để điểm danh, làm minh chứng.
Mọi thứ đang diễn ra nhịp nhàng, khá suông sẻ sau một tuần thực hiện. Ảnh chụp gửi về đều đều, bài tập học sinh sau một vài lần hứa hẹn cũng nộp đủ, các báo cáo thống kê khá đẹp với những con số sát sao. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của các tiết học trên truyền hình thú thật là khó đánh giá vô cùng.
Chúng ta hoàn toàn không thể nắm chắc được các em theo dõi bài học từ đầu đến cuối với tâm thế của người học hay chỉ mở ti vi khi đến giờ, chụp một cái ảnh gửi về cho giáo viên là coi như xong nhiệm vụ. Chúng ta càng không thể hỏi từng em thắc mắc ở đâu, chỗ nào còn vướng trong mỗi đơn vị kiến thức bài học để bổ khuyết kịp thời như những giờ học trên lớp. Bài tập luyện tập, thực hành được chuyển giao cho học sinh, các em hoàn toàn có thể sao chép lẫn nhau để nộp về một cách chóng vánh mà bỏ qua mục đích chân chính của việc học.
Ai đã từng trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở phổ thông mới thấm thía khoảng cách phân hóa về năng lực và ý thức học tập của học sinh. Có em siêng năng học tập thì cũng có em lười nhác biếng học cần lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của người thầy. Có em chỉ cần một lần lắng nghe bài giảng đã nắm được kiến thức thì cũng có em cần năm lần bảy lượt giảng giải, cầm tay chỉ việc mới nắm vững kiến thức, thông thạo kỹ năng.
Vậy nên, yếu tố quyết định đến chất lượng học trực tuyến qua truyền hình vẫn là ý thức tự học của học sinh. Các em phải xác định được mục đích học tập của mình để chủ động theo dõi bài học, tích cực tìm hiểu kiến thức, mày mò thực hành luyện tập. Và lợi thế của việc kết nối trực tuyến với giáo viên hoàn toàn có thể san lấp khoảng cách thầy trò để các em tương tác, hỏi đáp những thắc mắc…
May mắn vô cùng nếu tự thân học sinh đã xây dựng và bồi dưỡng thói quen tự học từ tấm bé, để bây giờ chuyển sang học trực tuyến hay học trên truyền hình đều có thể tùy cơ ứng biến, chuyển mình và thích ứng nhanh với hình thức học tập mới, phương pháp học tập mới!
Ngược lại, nếu chẳng may học sinh thiếu ý thức học tập, lúc này vai trò của nhà trường và gia đình là cực kỳ quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, học trên truyền hình. Sự hỗ trợ đắc lực của giáo viên chủ nhiệm tâm huyết và tâm thế chủ động hợp tác của bố mẹ học sinh sẽ góp phần không nhỏ tác động đến ý thức học tập của các em và quyết định chất lượng học tập trực tuyến.
TRANG HIẾU
TNO