26/12/2024

Mỹ thử nghiệm vụ nổ ‘siêu khủng’ 10 triệu tỉ watt

Mỹ thử nghiệm vụ nổ ‘siêu khủng’ 10 triệu tỉ watt

Các nhà khoa học hạt nhân Mỹ mới đây đã đạt được bước đột phá mới khi tạo ra một vụ nổ năng lượng kỷ lục hơn 10 triệu tỉ watt, mở ra một hy vọng về nguồn năng lượng sạch mới cho tương lai.
Bên trong Cơ sở National Ignition Facility /// NIF
Bên trong Cơ sở National Ignition Facility  NIF
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore ở miền bắc bang California (Mỹ) cho biết họ đã sử dụng 192 tia laser khổng lồ tại Cơ sở National Ignition Facility (NIF) để chiếu vào một điểm nhỏ có kích thước bằng hạt đậu và tạo ra vụ nổ năng lượng lớn hơn rất nhiều so với kỷ lục trước đó vào tháng 2, theo chuyên trang Livescience ngày 18.8 đưa tin.
Phản ứng này xảy ra rất nhanh, chỉ trong 100/1.000 tỉ giây, và sản sinh ra nguồn năng lượng bằng 70% năng lượng hấp thụ từ các laser. Các nhà khoa học hy vọng có thể đạt đến “ngưỡng đánh lửa”, khi năng lượng phát ra bằng hoặc lớn hơn năng lượng nó hấp thụ.
Tuy vậy, phản ứng lần này đã mở ra triển vọng cho các nhà khoa học rằng phản ứng tổng hợp hạt nhân (hay phản ứng nhiệt hạch) một ngày nào đó có thể cung cấp một nguồn năng lượng sạch, vô tận cho nhân loại.
Các nhà máy điện hạt nhân hiện nay đang sử dụng quá trình phân hạch hạt nhân, tạo ra năng lượng bằng cách tách các hạt nhân nặng của các nguyên tố như uranium và plutonium thành các hạt nhân nhẹ hơn. Ngược lại, phản ứng tổng hợp hạt nhân là quá trình kết hợp các hạt nhân nhẹ với nhau để tạo ra nguyên tố nặng hơn. Ở thí nghiệm trên, năng lượng được giải phóng khi các nguyên tử hydro hợp nhất thành heli. Quá trình này cũng diễn ra ở các vì sao.
Nhà khoa học Siegfried Glenzer thuộc Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Mỹ), người trước đây đã làm việc tại cơ sở Livermore nhưng không tham gia vào nghiên cứu mới, triển vọng năng lượng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch, không thải ra CO2.
Một số nhà khoa học hy vọng rằng một ngày nào đó phản ứng tổng hợp hạt nhân có thể là một phương pháp tương đối an toàn và bền vững để tạo ra năng lượng trên Trái đất. Bà Kim Budil, Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore đánh giá rằng đây chính “là một bước tiến lịch sử trong phản ứng nghiên cứu nhiệt hạch”.
Tuy nhiên, Giáo sư Jeremy Chittenden, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp quán tính tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết để có thể biến nguồn năng lượng nhiệt hạch trên thành một nguồn năng lượng tái tạo có thể là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải khắc phục và vượt qua được những thách thức kỹ thuật.
NGUYỄN LAN HƯƠNG
TNO