Điều chỉnh phương án tuyển sinh phải chú ý cả thí sinh tốt nghiệp trước năm 2021
Điều chỉnh phương án tuyển sinh phải chú ý cả thí sinh tốt nghiệp trước năm 2021
Bộ GD-ĐT vừa có công văn chỉ đạo việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh, trong đó yêu cầu các trường ĐH khi điều chỉnh phương án tuyển sinh cần chú ý tới quyền lợi của cả những thí sinh tốt nghiệp THPT trước 2021.
Tối nay, 20.8, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3567/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non 2021 (gọi chung là tuyển sinh ĐH).
Một trong những nội dung Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH là liên quan tới vấn đề rà soát đề án tuyển sinh và tiếp nhận hồ sơ xét tuyển.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; bài thi, môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có), các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có)…
Các trường phải đảm bảo chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh; đồng thời, cập nhật chính xác, đầy đủ danh sách thí sinh đạt sơ tuyển lên hệ thống.
Đối với các trường có ngành đào tạo giáo viên, phải rà soát và cập nhật chính xác chỉ tiêu sư phạm đã được Bộ GD-ĐT giao, chỉ tiêu các ngành mới mở, đồng thời đồng bộ đề án tuyển sinh tại cổng thông tin tuyển sinh, đảm bảo các thông tin phải thống nhất, chính xác.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT khẳng định đối với các thí sinh đủ điều kiện đã đăng ký dự thi nhưng không tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được do giãn cách xã hội, 2 ĐH Quốc gia đã có kế hoạch thi đánh giá năng lực cho nhóm thí sinh này (trong đó có cả các thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021). Vì vậy, ngoài đối tượng thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021, các trường xem xét tiếp nhận hồ sơ xét tuyển đối với cả các thí sinh đã tốt nghiệp trước năm 2021.
Trong trường hợp trường ĐH cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Ví dụ, trường mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên Hệ thống nghiệp vụ với báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của trường…
Các trường cập nhật các nội dung thay đổi trong đề án lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để báo cáo và phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước ngày 29.8 để thí sinh biết và xã hội giám sát.
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, vì dịch Covid-19 nên cả nước có hơn 15.000 thí sinh đủ điều kiện, đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhưng không thể dự thi. Để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh này trong việc xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT đã đề nghị 2 ĐH Quốc gia tổ chức thi đánh giá năng lực để các em được dự thi, có điểm thi dùng làm căn cứ xét tuyển ĐH.
Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo trước đây, Bộ GD-ĐT chỉ đề cập quyền lợi của những thí sinh được xét tốt nghiệp đặc cách, một số trường căn cứ vào chỉ đạo này mà bỏ qua lợi ích của thí sinh tự do. Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ và các đơn vị liên quan sẽ có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh này.
QUÝ HIÊN
TNO