Thí điểm điều trị F0 tại nhà: Làm sao để an toàn?
Thí điểm điều trị F0 tại nhà: Làm sao để an toàn?
Tuy có đến 80% bệnh nhân nhiễm COVID-19 được đánh giá là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi, điều trị tại nhà như theo các chuyên gia, cần có những hướng dẫn thật cụ thể để quá trình theo dõi, điều trị này an toàn.
Từ ngày 16-8, TP.HCM thí điểm triển khai chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0, sau đó sẽ triển khai ở cộng đồng.
Các trường hợp F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, được cung cấp thuốc cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe.
Ngoài ra, F0 còn được cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
Gọi 1022 nhấn phím 2 hoặc 093.95.96.999 để được tư vấn
Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân đang tăng cao, mô hình quản lý, điều trị F0 tại nhà được triển khai nhằm giảm tải cho hệ thống y tế trong công tác điều trị, đặc biệt hướng tới tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận dịch vụ y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần còn nhằm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Lê Tuấn Thành – điều hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành – cho biết sau 12 ngày từ ngày khởi động 1-8, mạng lưới này đã có hơn 4.000 tình nguyện viên, chủ yếu là các y bác sĩ ở mọi miền. Đối tượng nhắm đến của mạng lưới là tìm những người cần hỗ trợ y tế khẩn cấp mà trong tình huống hiện nay là các F0 đang được chăm sóc tại nhà.
Kể về các trường hợp cần tư vấn những ngày qua, bác sĩ Thành cho biết cuộc gọi đầu tiên đến từ bệnh nhân COVID-19 có tiền sử huyết áp cao khó kiểm soát, ngậm thuốc huyết áp để hạ áp khẩn cấp nhưng không đáp ứng, người nhà báo với y tế địa phương thì được báo tiếp tục theo dõi tại nhà. Đây là lúc các bác sĩ của mạng lưới cần tiếp cận.
Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn – Bệnh viện Nhi trung ương, cũng là thành viên mạng lưới – kể câu chuyện mà ông gặp khi tư vấn cách đây 10 ngày tại TP.HCM. Khi đó, cuộc gọi cầu cứu từ tổng đài báo có một trẻ mới 18 tháng tuổi, thở nhanh, oxy tụt thấp, ăn kém, bỏ bú… Phản xạ của bác sĩ nhi khoa khiến anh lo lắng vì đây là dấu hiệu nặng của bệnh nhi, có thể tử vong nếu không can thiệp sớm.
“Ngay lập tức tôi đã nhanh chóng gọi cho mẹ cháu hỏi triệu chứng. Mẹ cháu cho biết đã đưa con đến một bệnh viện nhi của TP, hệ thống đang quá tải trong khi không phải trẻ nào cũng đã có kết quả xét nghiệm PCR COVID-19.
Vì vậy, gia đình phải chờ kết quả xét nghiệm trong khi cấp cứu thì yêu cầu phải quyết định nhanh vì xe còn phải đi nơi khác. Lực bất tòng tâm, mẹ cháu đành phải đưa cháu về nhà và rất lo lắng vì thấy con khó thở, thở nhanh, li bì… Tôi thấy rõ sự bất lực của người mẹ” – bác sĩ Sơn kể lại.
Rất may khi đánh giá lại, khả năng nhiều cháu chỉ bị viêm đường hô hấp, bác sĩ Sơn đã hướng dẫn bà mẹ cách chăm sóc con, trong trường hợp con có chuyển nặng thì gọi cho tổng đài như thế nào để được hỗ trợ.
Sau cuộc gọi, bà mẹ đã hiểu ra cần phải làm gì để chăm sóc con, biết được có một cánh tay sẵn sàng hỗ trợ khi con họ nặng hơn.
Người dân có nhu cầu cần tư vấn có thể gọi 1022 nhấn phím 2 hoặc 093.95.96.999 để được gặp các bác sĩ tư vấn khi cần thiết.
Làm gì khi F0 ở nhà?
Khó khăn với các ca bệnh ở nhà, kể cả các trường hợp có triệu chứng nhẹ là không biết làm gì, uống thuốc gì, chăm sóc như thế nào để đỡ bệnh và tiến tới khỏi bệnh.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, các triệu chứng điển hình của COVID-19 gồm: sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, đau cơ, đau đầu. Trong đó, các triệu chứng nặng là khó thở, không thể tự ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ.
Tổ chức Y tế thế giới hướng dẫn 5 bước theo dõi bệnh nhân COVID-19 tại nhà gồm tự chăm sóc bản thân và bảo vệ những người sống cùng. Trong đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi trong phòng riêng hoặc đảm bảo khoảng cách 2m với người khác, uống nhiều nước, đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
Trong trường hợp đau mỏi cơ, đau đầu, sốt, có thể sử dụng paracetamol nhưng cần hỏi nhân viên y tế về liều lượng và khoảng cách giữa các liều. Đồng thời có thể chườm mát, lau người bằng nước ấm để hạ sốt.
Khi chăm sóc bản thân, người mắc COVID-19 cần theo dõi nồng độ oxy, thông qua thiết bị theo dõi SpO2 cài ở ngón tay. Nếu thấy các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cho nhân viên y tế.
Để bảo vệ người sống cùng, cần giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng thông thoáng khí, sử dụng riêng các đồ dùng ăn uống, sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô, bỏ rác thải vào thùng rác có nắp đậy.
Các bác sĩ khuyến cáo cần theo dõi thường xuyên nồng độ oxy. Nếu chỉ số này dưới 94% hoặc bất kể oxy là bao nhiêu, khi thấy không thể ra khỏi giường, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực nên gọi ngay cho nhân viên y tế. Khi ở nhà, người bệnh cũng nên thay đổi các tư thế nằm: nằm sấp, nằm nghiêng, ngồi thẳng lưng, mỗi lần khoảng 2 giờ.
Bình tĩnh mô tả hiện trạng
Các bác sĩ của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cho biết trong quá trình tư vấn, rất cần người dân bình tĩnh để mô tả hiện trạng, giúp các bác sĩ có thể đưa ra được những tư vấn tốt nhất.
Các bác sĩ kể có trường hợp khi gọi đến nhưng chỉ gặp được con trai người bệnh trong khi anh này cứ khóc từ đầu tới cuối cuộc gọi, hầu như không nói được gì. Có khi gọi được cho bệnh nhân thì bác sĩ nhận ra bệnh nhân rất lo lắng, thậm chí hoảng loạn nên không thể tiếp tục tư vấn dù các bác sĩ rất đau lòng.
Đúng nghĩa “túi thuốc an sinh”
Điều trị ra sao, sinh hoạt thế nào? Đó là những lo lắng của mỗi bệnh nhân F0 khi Bộ Y tế triển khai thí điểm cách ly tại nhà. Nỗi lo đó đã vơi đi bởi sự chung tay hỗ trợ của địa phương cùng “túi thuốc an sinh”.
Nhà vẫn khép kín cửa, hẻm vẫn giăng dây, nhưng người gần người hơn bằng sự chăm sóc chu đáo hơn.
Các loại thuốc trong “túi thuốc an sinh” thuộc loại thuốc không cần kê đơn, bệnh nhân có thể an tâm sử dụng tại nhà, hạn chế được việc bệnh nhân nghe theo chỉ dẫn trên mạng xã hội dẫn đến dùng thuốc không rõ nguồn hoặc dùng quá liều, nguy hiểm tính mạng.
DS NGUYỄN HỮU ĐỨC (Trường đại học Y dược TP.HCM)
Gõ cửa nhà trao thuốc an sinh
Ban đầu ông T. (phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM) khá lo lắng khi 4 người trong gia đình đều mắc COVID-19 và phải điều trị tại nhà. Tuy nhiên khi được các bác sĩ trong nhóm Zalo phường tư vấn, hỗ trợ, cả gia đình đã vững lòng hơn.
“Gia đình tôi rất an tâm khi nhận được túi thuốc hỗ trợ từ phường cùng sự thăm hỏi của các bác sĩ. Mong tất cả bệnh nhân khác đang điều trị tại nhà đều được quan tâm, chia sẻ, tiếp cận y tế, để cùng nhau chiến thắng COVID-19” – ông T. chia sẻ.
Với 40 ca F0 đang điều trị tại nhà, phường 1 đã triển khai thực hiện chương trình “100 túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19” với 7 loại thuốc/túi. Trên mỗi túi thuốc sẽ kèm mã QR để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia nhóm trên ứng dụng Zalo “Bác sĩ đồng hành cùng F0 – phường 1” để được hỗ trợ khi cần thiết.
Bà Tôn Nữ Hồng Châu – chủ tịch UBND phường 1, quận Tân Bình – cho biết ngoài việc trao túi thuốc thì việc theo dõi tình trạng bệnh cũng vô cùng quan trọng, đề phòng những trường hợp trở nặng, cần can thiệp y tế.
“Chúng tôi cố gắng vận động bệnh nhân tham gia nhóm Zalo để các bác sĩ trong đội hình Blouse 24/7 có thể theo dõi tình trạng cụ thể của từng người, hướng dẫn xử lý khi có tình huống bệnh trở nặng” – bà Châu chia sẻ.
Trong khi đó, phường 8, quận Tân Bình cũng đang triển khai túi thuốc để hỗ trợ cho 70 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. Ông Lê Huỳnh Thanh – chủ tịch UBND phường – cho biết mỗi túi thuốc người dân có thể sử dụng trong 5 ngày, sau khi hết thuốc các cán bộ phường sẽ tiếp tục đến trao tặng. “Khi chọn các loại thuốc, phường đã có sự tham vấn từ đội ngũ bác sĩ phía quận và trung tâm y tế phường” – ông Thanh cho biết.
Chương trình “100 túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19” đã đến với các bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà thuộc phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Cần nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Bá Thành – chủ tịch UBND quận Tân Bình – cho rằng mô hình trao “túi thuốc an sinh” tại 2 phường là cách làm linh hoạt, sáng tạo trong công tác hỗ trợ điều trị ca F0 tại nhà. Nguồn kinh phí được 2 phường vận động từ các nguồn xã hội hóa. Quận Tân Bình đang cố gắng nhân rộng mô hình này.
Từ hôm qua 16-8, TP.HCM đã triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà kèm các hướng dẫn, được coi là tầng thấp nhất trong tháp các tầng điều trị. Trước đó, Bộ Y tế chỉ cho phép các trường hợp F0 không triệu chứng, chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >= 30) được theo dõi và giám sát y tế tại nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết trước đó, sở đã có ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho các bệnh nhân F0. Việc hỗ trợ các “túi thuốc an sinh” cho người dân đang ở trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch.
“Bộ Y tế đang thí điểm một vài nơi vì các vấn đề liên quan sức khỏe của người dân, cần phải thực hiện chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Khi Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc trao tặng túi thuốc an sinh thì sở sẽ lập tức triển khai” – bà Mai chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, “túi thuốc an sinh” sẽ bao gồm thuốc đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch… đi kèm việc hỗ trợ tư vấn sức khỏe thường xuyên. Dựa trên kết quả thí điểm, Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng ra địa phương khác để mô hình này được phát triển rộng rãi, có thể kết nối nhiều bác sĩ và bệnh nhân hơn.
Không quên chăm sóc tinh thần
Tính đến sáng 16-8, TP.HCM có 41.209 ca F0 điều trị tại nhà. Theo ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, khi điều trị tại nhà, người dân sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, bên cạnh chăm sóc sức khỏe thì việc trấn an tâm lý cho bệnh nhân là hết sức cần thiết, nhất là với người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai.
“Họ là nhóm dễ chuyển nặng hoặc dễ có những xáo trộn tâm lý khi mắc bệnh, cần đặc biệt quan tâm trong tình hình dịch hiện nay” – ông Khuê nói.