27/12/2024

Mức độ nguy hiểm của biến thể Delta

Mức độ nguy hiểm của biến thể Delta

Biến thể Delta đang đẩy số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt ở nhiều nước và gây khó khăn cho kế hoạch miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin.
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Indonesia /// REUTERS
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Indonesia REUTERS
Kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ hồi tháng 10.2020 đến nay, biến thể Delta đã lây lan tới ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây hiện là biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu với khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm.

Diễn biến báo động

Tình hình dịch bệnh ở Mỹ phức tạp trở lại những tuần gần đây, với mức trung bình khoảng 129.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 700% so với đầu tháng 7. Hơn 93% tổng số ca Covid-19 mới ở nước này là do biến thể Delta, theo tờ The Daily Mining Gazette. Nhiều bệnh viện ở miền nam nước Mỹ – nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp – đang bị ảnh hưởng nặng nề vì số người nhập viện tăng cao.
Giám đốc Viện Y tế quốc gia (NIH) của Mỹ Francis Collins hôm qua cảnh báo nước này có thể trở lại cột mốc 200.000 ca/ngày trong vài tuần tới. “Chúng ta hiện đối diện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, và tình trạng đau lòng là hơn 90 triệu người vẫn chưa tiêm vắc xin đang có nguy cơ bị vi rút tấn công”, ông Collins nói. Hiện có khoảng 60% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều và 51% được tiêm đầy đủ.
Trong khi đó, điểm sáng tiêm chủng của thế giới là Israel gần đây phải quay lại các biện pháp phòng dịch như cấm tập trung đông người trong môi trường kín và yêu cầu đeo khẩu trang sau khi biến thể Delta đe dọa nước này. Số ca nhiễm và nhập viện tăng nhanh khiến Israel phải mở rộng tiêm chủng vắc xin mũi 3 cho người lớn tuổi, đồng thời kêu gọi tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi. Thủ tướng Naftali Bennett cuối tuần qua cảnh báo Israel đối diện những ngày khó khăn phía trước vì Covid-19, theo The Times of Israel.
Đông Nam Á hiện nay là điểm nóng dịch bệnh của thế giới khi các nước đều đang chật vật đối phó làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng do biến thể Delta. Indonesia hiện vẫn có hơn 1.200 ca tử vong mỗi ngày, trong khi một số nước trong khu vực ghi nhận ở mức 3 con số. Biến thể Delta cũng khiến hệ thống y tế ở nhiều nước rơi vào tình trạng quá tải. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản mới đây đều siết chặt hàng loạt quy định nghiêm ngặt khi bùng phát đợt dịch mới. Chỉ cách đây vài tháng, Ấn Độ ghi nhận thảm họa kinh hoàng khi có hơn 400.000 ca mắc và hơn 4.000 ca tử vong mỗi ngày mà phần lớn được cho là do biến thể Delta.

Đe dọa miễn dịch cộng đồng

Các nhà khoa học tại Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho hay có dấu hiệu cho thấy những người đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn có thể lây lan biến thể Delta dễ dàng cho những người chưa tiêm, theo Reuters. Trước khả năng lây lan cao của biến thể này, nhiều chuyên gia y tế nhấn mạnh ngưỡng miễn dịch cộng đồng giờ đây không phải ở mức 60 – 70% mà đã lên tới 90%. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng việc đạt được miễn dịch cộng đồng là “bất khả thi”, theo Đài CNBC.
Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm Andrew Freedman thuộc Trường Y Đại học Cardiff (Anh) nhận định vắc xin bảo vệ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh nhân nặng, nhập viện hoặc tử vong, nhưng lại chưa thể hiệu quả ngăn hoàn toàn việc lây nhiễm, đặc biệt đối với biến thể Delta.
Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci và Giám đốc NIH Francis Collins nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19 là những người chưa tiêm vắc xin phải tiêm. Giáo sư Danny Altmann tại Trường Imperial College London (Anh) cũng cho rằng điều quan trọng là càng có nhiều người tiêm vắc xin một cách hiệu quả thì sẽ càng có ít bản sao vi rút hơn, nên nguy cơ lây lan ít hơn và biến thể mới khó phát triển hơn.
Nhà sản xuất vắc xin thu lợi lớn
Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất vắc xin kiếm lời “khủng”. Theo The Guardian, Pfizer đạt doanh số 11,3 tỉ USD trong nửa đầu năm và lợi nhuận ròng của đối tác BioNTech cũng đạt gần 4,7 tỉ USD. Moderna có doanh số vắc xin Covid-19 gần 6 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm với lợi nhuận ròng 4 tỉ USD. Dù cam kết bán vắc xin không lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc, AstraZeneca cũng đạt doanh số đến 1,2 tỉ USD trong cùng giai đoạn.
Với việc nhiều nước tính chuyện tiêm mũi vắc xin thứ ba, lợi nhuận của các nhà sản xuất vắc xin sẽ còn tăng cao. Tổng doanh thu của Pfizer, BioNTech và Moderna trong năm 2021 dự kiến đạt hơn 72 tỉ USD. Giới phân tích dự báo các nhà sản xuất có thể kiếm thêm nhiều tỉ USD trong năm 2023 từ liều tiêm tăng cường, theo Reuters.
Các công ty này cũng đang tăng giá bán. Pfizer/BioNTech tăng giá vắc xin ở Liên minh Châu Âu từ 18,27 USD lên 22,98 USD/liều, ở Mỹ là từ 18,4 USD lên 23,15 USD/liều. Giá mỗi liều vắc xin Moderna ở châu Âu được nâng từ 22,39 USD lên 29,46 USD. Ngoài ra, chương trình COVAX cũng phải mua vắc xin từ các hãng này với giá cao gấp 5 lần chi phí cần để sản xuất một liều, theo Oxfarm. Việc nhu cầu và giá vắc xin tăng lên sẽ khiến các nước đang phát triển đang trong cảnh thiếu vắc xin càng khó tiếp cận với nguồn cung.
Đông A
VĂN KHOA
TNO