24/11/2024

Hỏi nhanh về Covid-19: Bị huyết áp cao gây tai biến nhẹ có tiêm được vắc xin?

Hỏi nhanh về Covid-19: Bị huyết áp cao gây tai biến nhẹ có tiêm được vắc xin?

Tôi hiện 46 tuổi, năm 2018 tôi bị huyết áp cao gây tai biến nhẹ, nay tôi vẫn còn uống thuốc trị huyết áp. Vậy tôi có tiêm vắc xin Covid-19 được không? Nếu tiêm thì tôi cần giữ sức khoẻ sau tiêm thế nào? (C.Trường, TP.HCM).
 /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
– Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM:
Trước khi tiêm vắc xin Covid-19, những người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định phải được khám sàng lọc kỹ. Những người này cần được tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, bạn không được tự ý ngừng thuốc đang điều trị và ngày đi tiêm, bạn cần mang theo toa thuốc và bệnh án đang điều trị để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
* Cho tôi hỏi đang có em bé 7,5 tháng vẫn bú mẹ. Vậy tôi có tiêm vắc xin Covid-19 được không? Nếu tiêm thì sau đó có cho bé bú mẹ được không? (B.Quyên, Gò Vấp, TP.HCM)
– Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM:
Hiện theo các nghiên cứu và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ, các phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể chích ngừa vắc xin Covid-19 và cho bé bú mẹ bình thường trước và sau khi tiêm.
Thông tin thêm, theo “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19” của Bộ Y tế vừa ban hành, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước, với phụ nữ mang thai, cần hỏi tuổi thai. Giải thích nguy cơ, lợi ích; chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên, khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Lưu ý, phụ nữ mang thai và đang cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.
M.PHÚC
TNO