24/11/2024

Chủ tịch FFA nói với Bộ Công thương: Đã ‘cạn tiền’, còn tiêm vắc xin chậm

Chủ tịch FFA nói với Bộ Công thương: Đã ‘cạn tiền’, còn tiêm vắc xin chậm

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ đối với tất cả các doanh nghiệp TP.HCM từ nay đến 4-6 tháng tới. Doanh nghiệp không phải trả các khoản nợ đến hạn, không cần nộp thêm thủ tục, chứng từ chứng minh vì đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

 

 

Chủ tịch FFA nói với Bộ Công thương: Đã cạn tiền, còn tiêm vắc xin chậm - Ảnh 1.

Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời để ngăn đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh mì ăn liền – Ảnh: T.L.

Những kiến nghị trên được bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM (FFA), đề xuất trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương trong phiên họp trực tuyến tổ chức sáng 7-8, nhằm lắng nghe ý kiến khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng tại TP.HCM khi tổ chức sản xuất hiện nay.

Theo bà Chi, rất nhiều doanh nghiệp của nhiều hiệp hội ngành hàng đang nằm trong các khu vực phong tỏa theo quy định của TP, khiến hoạt động sản xuất, nguồn thu của các doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng.

Nếu được giãn nợ, điều này không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng vì lãi suất doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ mà chỉ là gia hạn lùi thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bởi đa số các doanh nghiệp ngành đều sử dụng nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng.

“Hiện doanh nghiệp chỉ còn sản xuất khoảng 30% so với năng lực. Nhưng chúng tôi vẫn buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế trước khi được nhận hàng (là nguyên liệu nhập khẩu) cho các khoản thuế nhập khẩu và VAT, trong khi quy định trước đây là cho thực hiện nghĩa vụ thuế sau khi nhận hàng”, đại diện Công ty TNHH nhựa Duy Tân phản ảnh thêm.

Mặt khác, FFA cũng đề xuất cần có cơ chế tác động đến các đơn vị phân phối bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng sớm hơn thời gian quy định trước đây (từ 15-30 ngày rút ngắn xuống khoảng 3 ngày), để doanh nghiệp có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ.

Trong khi đó, phản ảnh việc tiến độ tiêm vắc xin còn chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch duy trì và ổn định sản xuất ở các doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp sẵn lòng xã hội hóa chi phí tiêm dịch vụ từ nguồn vắc xin do Nhà nước cung cấp để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng hơn so với hiện nay.

“Doanh nghiệp đang áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” không biết trả lời cho công nhân thế nào khi họ nhận được tin nhắn gọi đi tiêm vắc xin. Đã “3 tại chỗ” thì làm sao ra ngoài tiêm được? Mà không cho họ tiêm thì họ rất tâm tư, thậm chí bất mãn. Còn doanh nghiệp để chờ đến lượt được tiêm tập trung thì không biết đến khi nào. Kiểu gì cũng khổ!”, ông Tống than.

Theo ông Nguyễn Thành Nam – tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, kiêm phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), hiện bộ đã có rất nhiều công văn gởi các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất.

Mới nhất, Bộ Công thương đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế khi tình hình dịch COVID-19 bùng phát nhiều nơi như hiện nay.

Cụ thể, cần có hướng dẫn chi tiết, bổ sung quy định cho người lao động về nhà nhưng phải có cam kết giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa người lao động với doanh nghiệp về các biện pháp an toàn phòng dịch, cũng như tình huống người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” muốn dừng giữa chừng, trở về nơi cư trú thì xử lý thế nào.

Bổ sung nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng các “kịch bản” lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với kịch bản phục hồi dịch bệnh để làm sao doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, chứ không bị động như trong giai đoạn hiện nay. Các kịch bản này tương ứng với tỉ lệ phục hồi sản xuất từ 30-100% năng lực sản xuất của doanh nghiệp từ nay cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Đồng thời, cần có ngay quy định thời hạn, thời gian để các cơ quan y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp “tách” F0, F1 trong môi trường làm việc trong khi vẫn duy trì sản xuất. Cho phép doanh nghiệp xét nghiệm cộng gộp và lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại doanh nghiệp, chứ không tập trung tại các điểm/cơ sở y tế công cộng, nhằm tránh tập trung đông người, lây lan dịch bệnh.

TRẦN VŨ NGHI
TTO