Tranh cãi xuất nhập cảnh Mỹ – EU: Có đi, chưa có lại
Tranh cãi xuất nhập cảnh Mỹ – EU: Có đi, chưa có lại
Chuyện xuất nhập cảnh là khúc mắc ngày càng phức tạp và nhạy cảm giữa Mỹ và EU.
Nó khiến EU cảm thấy bị Mỹ phân biệt đối xử và vì thế tăng mức độ hoài nghi về chính quyền Tổng thống Joe Biden khi cam kết làm sống lại mối quan hệ hợp tác tin cậy truyền thống của Mỹ với các đồng minh, đối tác ở châu Âu.
Thời điểm hiện tại, EU cho phép công dân Mỹ nhập cảnh khi xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã xét nghiệm không mắc Covid-19 trong khoảng thời gian nhất định trước khi vào EU. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục cấm nhập cảnh đối với công dân các nước thành viên EU và trong khối Schengen. Ngoài ra, EU viện dẫn những lý do khác nữa để cáo buộc Mỹ không công bằng và sòng phẳng đối với EU như tỷ lệ tiêm chủng và mắc biến chủng Delta ở hai bên gần như nhau.
Thực chất ở đây là chuyện EU có đi mà Mỹ không có lại. Đối với EU, cách đối xử như thế của Mỹ gây tổn hại tới cả thể diện lẫn uy danh của EU và khiến EU phải trực diện sức ép lớn trong nội bộ. Biện pháp của Mỹ gây tổn hại lớn cho giới kinh tế và thương mại của EU. Điều khiến EU cảm thấy bị phía Mỹ làm tổn thương nghiêm trọng là Mỹ nhằm vào Hiệp ước Schengen – văn kiện được EU tung hô là một trong những biểu tượng đặc trưng nhất cho thành công của EU. EU có lẽ đang phải trả giá về đối nội cho cách thức trang trải nhu cầu đối nội hiện tại của ông Biden và cũng vì đối nội mà ông Biden không dễ đưa “nước Mỹ trở lại với thế giới”.
PHẠM LỮ
TNO