Nhiễm COVID-19, sao có người bị nặng, người nhẹ?
Nhiễm COVID-19, sao có người bị nặng, người nhẹ?
Một nghiên cứu mới của Mỹ đã giải thích vì sao cùng mắc COVID-19 nhưng người này lại mắc bệnh nặng hơn người kia.
Một trong những khía cạnh khó hiểu nhất của virus SARS-CoV-2 đã bộc lộ ngay từ đầu đại dịch là có người mắc COVID-19 nặng đến mức phải thở máy, còn nhiều người lại không có hoặc có rất ít triệu chứng.
Phản ứng miễn dịch kém ở mũi – hầu sẽ mắc bệnh nặng
Để tìm câu giải đáp, nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu máu vì cho rằng trong máu có yếu tố nào đó thúc đẩy bệnh tình trở nặng.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston, Viện Công nghệ Massachusetts và Trung tâm Y khoa Đại học Mississippi (Mỹ) đã phát hiện lời giải đáp nằm ở khu vực mũi – hầu, tức phần sau mũi phía trên hầu và vòm miệng.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Cell (Mỹ) ngày 22-7, nhóm nghiên cứu Mỹ thông báo đã phát hiện các bệnh nhân mắc COVID-19 dạng nặng đều có phản ứng miễn dịch kém ở mũi – hầu.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã dùng tăm bông ngoáy mũi lấy mẫu từ hai nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 35 người mắc COVID-19 từ tháng 4 đến tháng 9-2020 bao gồm những người có triệu chứng nhẹ lẫn những người mắc bệnh nặng.
Nhóm thứ hai gồm 17 người đối chứng và 6 người không mắc COVID-19 đang được đặt nội khí quản.
Sau công đoạn lấy mẫu, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự ARN của từng tế bào một để tìm hiểu xem tế bào nào có chứa ARN virus (dấu hiệu đã nhiễm bệnh) và gene nào của tế bào được kích hoạt hay không được kích hoạt chống virus.
Công việc này rất cực vì mỗi tăm bông lấy mẫu chứa trung bình đến 562 tế bào.
Đến khi so sánh các mẫu, nhóm nghiên cứu phát hiện trong những người mắc bệnh từ nhẹ đến trung bình, các tế bào biểu mô đã tăng cường kích hoạt các gene liên quan đến phản ứng kháng virus.
Ngược lại, những người mắc bệnh nặng cần thở máy lại có phản ứng kháng virus kém hơn nhiều.
Song song đó, số lượng đại thực bào và các tế bào tăng cường phản ứng viêm trong cơ thể những người này đã tăng lên rõ rệt.
Phải tấn công virus ngay tại cửa ngõ mũi – hầu
TS José Ordovás-Montañés – một trong các tác giả nghiên cứu – đưa ra lời giải thích: “Những người mắc COVID-19 dạng nặng đều có phản ứng chậm với interferon ngay từ sớm trong tế bào biểu mô và họ không bao giờ có thể phát triển khả năng phòng vệ. Có số lượng interferon tốt đúng thời điểm rất quan trọng trong cuộc chiến chống SARS-CoV-2 và các chủng virus khác”.
Khi virus SARS-CoV-2 tấn công cơ thể chúng ta, vị trí đầu tiên chúng xâm nhập là mũi – hầu.
Đây là vị trí mà các nhân viên y tế đã đưa tăm bông vào để thu thập tế bào trong xét nghiệm PCR.
Nghiên cứu nêu trên cho thấy chính tại khu vực mũi – hầu đã xảy ra cuộc chiến của hệ miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Bệnh COVID-19 phát triển nặng hay không phụ thuộc vào phần này.
Trang web Futura ghi nhận từ quan sát nêu trên, nhóm nghiên cứu Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao phản ứng miễn dịch trong mũi – hầu lại giảm và liệu có thể tăng cường phản ứng kháng virus ở mũi – hầu bằng cách sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mũi hay không.
TS Carly Ziegler – đồng tác giả nghiên cứu – cho biết: “Nếu nhiều công trình nghiên cứu khác ủng hộ kết quả nghiên cứu của chúng tôi, chúng ta có thể dùng tăm bông lấy mẫu ở mũi vốn để chẩn đoán COVID-19 nhằm mục đích nhận diện các ca bệnh nặng tiềm ẩn trước khi bệnh tình phát triển nghiêm trọng để từ đó có biện pháp can thiệp sớm một cách hiệu quả”.
Hy vọng một ngày không xa, với tăm bông lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên y tế có thể biết người bị nhiễm virus sẽ mắc bệnh nặng hay nhẹ.