Ở nhà chống dịch, làm bạn cùng sách
Ở nhà chống dịch, làm bạn cùng sách
Nếu bạn đọc cảm thấy như bị nhốt kín trong 4 bức tường vì dịch COVID-19, một cuốn sách hay chính là thứ đưa họ bước ra ngoài và đến với thế giới rộng lớn.
Thành đoàn TP.HCM, văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam và Sở Thông tin – truyền thông vừa phối hợp tổ chức chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách”, mang sách đến các khu phong tỏa ở TP.HCM để tặng cho từng nhà.
Trước đó, từ giữa tháng 7, NXB Tổng Hợp TP.HCM cũng đã phối hợp quận Phú Nhuận đưa sách đến các khu cách ly và khu phong tỏa, để người dân có thêm món ăn tinh thần trong những ngày giãn cách phòng chống dịch COVID-19.
“Với tôi, sách thiết yếu vì vừa chăm sóc sức khỏe tinh thần vừa có tác dụng khơi gợi tưởng tượng, vừa giúp đánh lạc hướng lo âu. Thay vì cứ liên tục mở tin lên cập nhật về dịch bệnh, tôi đánh lừa trí óc một chút bằng sách.
Bạn đọc HUỲNH LONG
Bạn đọc cần sách, sách cần bạn đọc
Bạn đọc Huỳnh Long (TP.HCM) nói với Tuổi Trẻ: “Trong đợt giãn cách này, tôi có thời gian hoàn thành các cuốn sách mình muốn đọc từ lâu như Người hùng mang ngàn gương mặt, Câu chuyện cơ thể con người: Tiến hóa, sức khỏe và bệnh tật, tiểu thuyết Năm chú heo con của Agatha Christie.
Một vài bạn đọc quan tâm đến dòng sách văn học trong nước cho biết đợt giãn cách này là cơ hội tuyệt vời để họ đọc tác phẩm của các nhà văn thế hệ trước như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Văn Nghĩa, Sơn Tùng – những cây bút đã ra đi thời gian qua và để lại di sản văn chương đáng quý.
Ra mắt bản dịch tại Việt Nam từ năm 2017 nhưng đến đợt giãn cách, cuốn Sapiens: Lược sử về loài người được nhiều người nhắc đến trên mạng xã hội.
Tác phẩm của nhà nghiên cứu lịch sử Yuval Noah Harari (người Israel) trở nên “thiết yếu” khi người ta hoang mang vì đại dịch và cần một câu trả lời: “Với tư cách một giống loài, chúng ta là ai? Và chúng ta đang đi về đâu?”.
Một lý do khác là gần đây cái tên Yuval Noah Harari cũng trở nên “viral” nhiều lần trên mạng xã hội, nhờ những nhận định sắc bén của ông về thế giới hậu COVID-19. Mới 45 tuổi và khá gần gũi với người trẻ, ông trở thành thần tượng của nhiều bạn đọc trẻ Việt Nam.
Nhiều bạn đọc cũng dành thời gian này để đọc lại bộ Harry Potter hoặc các cuốn tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn của tác giả Agatha Christie.
Chúng tôi cần sách!
Từ khóa “thiết yếu” gây sôi sục trong những ngày qua khi chúng ta tranh luận đâu mới là sản phẩm “thiết yếu” đối với từng cá nhân, từng nhóm người, từng tầng lớp xã hội. Và với người yêu sách, hoặc chỉ đơn giản là có thói quen đọc, sách cũng thiết yếu không kém những mặt hàng khác. Và lý do không hề viển vông.
Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nói với Tuổi Trẻ: “Sách cũng là sản phẩm thiết yếu vì chức năng của nó. Sách đáp ứng nhu cầu của người đọc, nhu cầu của xã hội, của người tiêu dùng”.
Đặc biệt, ông Lê Hoàng cho rằng với người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến, sách chắc chắn là thiết yếu.
Ông nói: “Người dân ở đó có nhu cầu đọc sách rất lớn. Vì thế, Thành đoàn TP.HCM, Sở Thông tin – truyền thông và Hội Xuất bản cùng đội ngũ tình nguyện viên đã tìm mọi cách để tập hợp sách, phân loại, khử trùng và mang đến tận tay người dân ở các vùng đó”.
Tại Pháp, vào tháng 2-2021, theo The Connexion, sách được chính phủ xếp vào nhóm kinh doanh thiết yếu. Điều đó có nghĩa các hiệu sách, thư viện sẽ được mở cửa trong thời giãn cách vì dịch bệnh.
Trong đợt giãn cách toàn quốc lần hai từ tháng 11 đến tháng 12-2020, các hiệu sách bị đóng cửa. Điều này khiến cộng đồng yêu thích sách ở Pháp chỉ trích và kiến nghị, dẫn đến quyết định nêu trên.
Tương tự, tại Nhật vào tháng 12-2020, Japan Times đưa tin các thư viện trên toàn quốc lắp đặt máy khử trùng sách bằng tia UV để bạn đọc có thể yên tâm đến thư viện đọc sách. Nhiều người Nhật có thói quen đến thư viện hằng tuần nên rất vui mừng trước biện pháp này.
Còn tại Việt Nam, thời giãn cách, việc các hiệu sách hay thư viện được mở cửa lại gần như là không tưởng. Các đơn vị xuất bản đang cố gắng đưa sách đến với bạn đọc thông qua bán hàng trên mạng, bán sách điện tử. Một số đơn vị tặng sách điện tử số lượng lớn để khuyến khích thói quen đọc thời dịch.
Ông Lê Hoàng đề xuất thêm cho thời hậu COVID-19: “Nguyện vọng của các nhà xuất bản, công ty sách mà cụ thể tại Đường sách Nguyễn Văn Bình là rất mong được sớm tiêm vắc xin, vì khi đường sách hoạt động trở lại thì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc phục vụ bạn đọc và du khách đến TP.HCM”.
Chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách” đã nhận được hơn 10.000 ấn bản từ sự chung tay của hàng chục nhà xuất bản, đơn vị phát hành. Chị Trịnh Thị Hiền Trân, trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM, cho biết mỗi quận huyện sẽ linh hoạt trao tặng sách tại chốt kiểm soát hoặc trao tận cửa nhà.
Cùng với hàng nghìn ấn bản sách giấy, 2.000 sách nói cùng 80 sách điện tử cũng được đăng tải trên ứng dụng Voiz FM và ứng dụng Waka để người dân có thể nghe, đọc trực tuyến.