23/11/2024

Doanh nghiệp ‘cầu cứu’ khi 2.000 tấn chuối chờ thu hoạch nhưng tắc chốt kiểm dịch

Doanh nghiệp ‘cầu cứu’ khi 2.000 tấn chuối chờ thu hoạch nhưng tắc chốt kiểm dịch

Khoảng 2.000 tấn chuối tại Đắk Lắk, Tây Ninh, An Giang đang chờ thu hoạch nhưng 20 xe tải của một doanh nghiệp tại Đồng Nai không thể đến thu mua, đưa về nhà máy.
Chuối tại Tây Ninh đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không thể thu mua /// Ảnh Hoàng Phan
Chuối tại Tây Ninh đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không thể thu mua ẢNH HOÀNG PHAN

2 lần kêu cứu chỉ gỡ được “đầu ra”

Sau 2 lần gửi đơn thư “cầu cứu”, gửi đến cơ quan chức năng, đến tối 27.7, kho hàng của Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát (đặt tại P.An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã được thông chốt để đưa hàng lên TP.HCM.
Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH chuối Gia Huy Phát, cho biết lần thứ nhất ông gửi đơn “cầu cứu” đến UBND P.An Bình, sau đó là gửi đơn đến Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT và tổ công tác của Bộ Công thương.
Sau khi tổ công tác của 2 bộ này trao đổi với cơ quan chức năng địa phương, trong ngày 27.7, ông Nguyễn Quốc Vương, Chủ tịch UBND P.An Bình, đã trực tiếp xuống chốt gần nhà máy để chỉ đạo, yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng đi tiêu thụ tại TP.HCM.
Những ngày trước đây, không đưa được chuối lên TP.HCM, doanh nghiệp này đưa chuối đi tặng người dân ở các khu dân cư, khu cách ly, lực lượng gác chốt chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, số lượng chuối chín bị thối hỏng rất nhiều. “Khoảng 92 tấn đã được đưa đi làm từ thiện và bị hỏng, nếu tính giá 14.500 đồng/kg đang giao cho siêu thị thì số tiền lô hàng này lên tới trên 1 tỉ đồng”, ông Huy nói.
chuoi-tay

Những ngày trước không thể chở hàng từ Đồng Nai lên TP.HCM, ông Dũng cho nhân viên chở chuối đi tặng người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, chốt kiểm dịch Covid-19  ẢNH HOÀNG PHAN

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, sau khi được Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, tổ công tác của Bộ Công thương can thiệp thì chính quyền địa phương đã cho phép đưa hàng ra, vào ở cơ sở chế biến.
Nhưng còn tại vùng nguyên liệu ở các địa phương liên kết đầu tư thì xe tải của doanh nghiệp chưa thể lưu thông để đưa hàng về nhà máy.

Xe tải, công nhân nằm chờ, nguy cơ thiệt hại 2.000 tấn chuối

Cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp này hiện đang liên kết với nông dân đầu tư trồng 20 ha ở địa bàn H.Nhơn Trạch (Đồng Nai); 18 ha ở H.Đắk Lắk; 18 ha ở H.Tân Châu; 110 ha ở Đắk Lắk; H.Tân Kỳ (Nghệ An) 20 ha và tại An Giang và một số tỉnh khác là 250 ha. Hiện, diện tích chuối đang vào kỳ thu hoạch khoảng 150 ha tại các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk với sản lượng khoảng 1.500 – 2.000 tấn.
“Chuối trên các vườn lác đác chín cây. Tôi cũng gửi cả hình ảnh chuối chín đến các cơ quan chức năng để mong họ vào cuộc hỗ trợ nhanh hơn”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp này thực hiện nghiêm túc quy định “5K” phòng dịch Covid-19, lái xe đều được xét nghiệm nhưng hiện tại, cho đến sáng nay, 28.7, vẫn chưa đăng ký “luồng xanh” thành công để có mã QR để xe của doanh nghiệp đi lại giữa các tỉnh thu mua hàng. Trong khi đó, các chốt trên đường đi mua như tại Bình Phước thì vẫn kiểm soát rất chặt, không cho phương tiện đi qua.
Doanh nghiệp này đang có hợp đồng cung cấp chuối mỗi ngày khoảng 40 tấn vào TP.HCM, trong đó có chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ và chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và khoảng 40 – 50 tấn đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nhưng hiện tại, chuối ở vùng nguyên liệu không đưa được về nhà máy để xử lý, đóng gói sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cho các khách hàng.
“Đăng ký qua mạng tắc nghẽn, chúng tôi mong Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, tổ công tác Bộ Công thương tiếp tục tác động, hỗ trợ để Sở GTVT các địa phương có vùng nguyên liệu tạo điều kiện cho xe của doanh nghiệp được lưu thông tiêu thụ chuối khi chúng tôi đã chấp hành đẩy đủ quy định phòng dịch Covid-19.
Vì chuối đang chín rồi nếu không thu hoạch nhanh thì khoảng 1 tuần nữa sẽ hỏng hết đến lúc ấy được thông chốt thì doanh nghiệp, nông dân chẳng còn gì mà thu hoạch, thiệt hại về kinh tế rất lớn”, ông Dũng nói.
PHAN HẬU
TNO