Tìm cách thích nghi với thời tiết cực đoan

Tìm cách thích nghi với thời tiết cực đoan

Những ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, nắng nóng gần đây khiến nhiều nhà khoa học khí hậu lo ngại các sự kiện thời tiết cực đoan đang ập tới, thậm chí nhanh hơn những mô hình dự báo.

 

Tìm cách thích nghi với thời tiết cực đoan - Ảnh 1.

Xe cộ băng qua con đường bị ngập nước do mưa lớn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hôm 20-7 – Ảnh: Tân Hoa xã

Trong những tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt thiên tai như cháy rừng, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán có từ Tây sang Đông. Những từ mô tả mức độ thảm họa như “kỷ lục”, “trăm năm có một”, “ngàn năm có một” xuất hiện nhiều trên truyền thông quốc tế.

Giới khoa học “sốc”

Tại bang Oregon (Mỹ), vụ cháy rừng Bootleg kéo dài nhiều tuần trong đợt nóng phá kỷ lục đã lan ra khu vực rộng hơn 1.554km2, khói mù bao trùm. Theo báo USA Today, trong tuần này, nhiều nơi ở Mỹ có thể cảm nhận được ảnh hưởng từ các đám cháy đó.

Trong khi đó, số người chết vì lũ lụt kinh hoàng ở các nước Tây Âu gồm Đức và Bỉ đã tăng lên hơn 180. Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng vừa hứng chịu trận mưa lớn “ngàn năm có một”. Một số nơi ở thành phố Sochi của Nga bị ngập lụt lần thứ hai chỉ trong tháng này sau mưa lớn.

Theo báo Financial Times, giới khoa học khí hậu đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết gần đây đã “vượt quá quy mô” dự báo của các mô hình khí hậu, dù cũng đã tính đến chuyện nóng lên toàn cầu.

“Tôi nghĩ mình sẽ thay mặt cho nhiều nhà khoa học để nói lên điều này: Chúng tôi hơi sốc với những gì đang chứng kiến. Đã có sự thay đổi đáng kể trong tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan” – giáo sư Chris Rapley của Đại học London (Anh) nói.

Trong cuộc phỏng vấn với báo China Daily, ông Asit K. Biswas, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Glasgow (Anh), cho rằng những sự kiện thời tiết gần đây từ ở Siberia tới miền tây nước Mỹ, Canada cũng như châu Âu và hiện nay ở Trung Quốc, Ấn Độ đều có liên quan tới tình trạng nóng lên toàn cầu.

Khí nhà kính đang khiến Trái đất ngày càng nóng hơn. Chẳng hạn trong tháng 7, Trung tâm Khí hậu quốc gia của Trung Quốc cho biết nhiệt độ trung bình trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ở mức cao nhất kể từ năm 1961 và cao hơn 1,2oC so với bình thường.

“Chúng ta đang chứng kiến mức nhiệt độ cao chưa từng có trong vài chục năm qua. Một vấn đề lớn do sự nóng lên toàn cầu là các sự kiện thời tiết cực đoan như lũ lụt và hạn hán đang ngày càng nghiêm trọng và diễn ra thường xuyên hơn” – ông Biswas nhận định.

Giải pháp thích ứng

Làm thế nào để các nước có thể ứng phó những sự kiện thời tiết cực đoan như vậy? Đài Deutsche Welle của Đức cho rằng “Không thể ngăn được cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta phải thích nghi”.

Giáo sư Asit K. Biswas tại Đại học Glasgow, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về quản lý nguồn nước và môi trường, kêu gọi: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những sự kiện thời tiết chưa từng thấy trong lịch sử”.

Theo chuyên gia này, các quốc gia cần quy hoạch đô thị phù hợp. Đặc biệt, cần nhìn nhận nghiêm túc về cách cải thiện hệ thống thích nghi và giảm nhẹ tác động để giảm thiểu những tổn thất xã hội và kinh tế trong những năm tới. “Đây sẽ là một nhiệm vụ đầy thách thức” – ông Biswas nói.

Nhiều quốc gia đang nỗ lực tìm giải pháp đối phó. Chẳng hạn, theo trang Euronews, để chống lũ lụt, các thành phố châu Âu đã có những sáng kiến như xây dựng cao ráo, xây dựng thông minh hay các công viên bọt biển.

Tại thành phố Rotterdam (Hà Lan), do phần lớn diện tích nằm thấp hơn mực nước biển, Rotterdam hướng tới mục tiêu trở thành thành phố “chịu mọi thời tiết” vào năm 2025. Theo đó, Hà Lan tăng cường bảo vệ đê ven biển, phủ xanh các bờ sông, biến các nhà để ôtô, công viên, vườn tược thành những hồ chứa tạm khi mực nước dâng.

Hà Lan cũng nỗ lực thực hiện chương trình “khoảng trống cho sông” quanh các con sông Rhine, Meuse, Waal và IJssel. Họ dự kiến mở rộng và đào sâu thêm đáy các sông này để đảm bảo những thành phố và thị trấn gần đó không bị ngập lụt.

Tại thành phố Manchester (Anh), công viên West Gorton được thiết kế thành “công viên bọt biển” giúp ngăn lũ lụt bằng cách hút nước mưa và xả từ từ vào các hệ thống thoát nước thay vì dồn dập cùng lúc.

Trong khi đó, thành phố Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – nơi nhiệt độ mùa hè lên tới 50oC – đã thử nghiệm phương pháp dùng drone làm mưa nhân tạo.

Mưa lớn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines

Tuần này, nhiều quốc gia châu Á hứng chịu mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Hãng tin Reuters ngày 24-7 cho biết mưa lớn tại Ấn Độ đã gây ngập lụt và sạt lở, làm ít nhất 125 người chết. Hàng ngàn xe tải mắc kẹt suốt hơn 24 giờ trên quốc lộ nối thành phố Mumbai với Bengaluru.

Tại Philippines, ngày 24-7 chính quyền sơ tán hàng ngàn người ở thủ đô Manila ra khỏi các khu vực trũng thấp khi mưa lớn gây ngập lụt ở đây và các tỉnh lân cận. Đến 20h30 ngày 24-7, mưa lũ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã khiến ít nhất 58 người chết và gây thiệt hại kinh tế 82 tỉ nhân dân tệ (12,7 tỉ USD).

BẢO ANH
TTO