25/12/2024

Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đang… ‘cứu giá’

Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đang… ‘cứu giá’

Nguồn cung trứng các loại cho thị trường TP.HCM vẫn thiếu hụt do nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá chỉ bán 29.000 đồng/10 trứng, trong khi giá mua vào đã là 31.000 đồng/10 trứng.

 

Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá đang… ‘cứu giá’ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trao đổi với tiểu thương tại chợ Bình Thới (quận 11) ngày 21-7-2021 – Ảnh: N.TRÍ

Thông tin này được Sở Công thương TP.HCM báo cáo với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương thông tin về tình hình vận hành chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM trong ngày giãn cách thứ 11 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Theo đó, Sở Công thương đánh giá dù lượng hàng các loại đổ về thành phố tương đối ổn định trong những ngày gần đây nhưng giá một số mặt hàng vẫn cao. Chẳng hạn với mặt hàng trứng các loại, nguồn cung vẫn thiếu do nhiều nguyên nhân, nhưng nhu cầu vẫn cao dẫn đến giá tăng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá chỉ được bán với giá 29.000 đồng/10 trứng, trong khi giá mua vào đã là 31.000 đồng/10 trứng.

“Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khi kết nối với các đơn vị cung ứng làm sao tiếp cận được giá bình ổn trong chương trình bình ổn của TP.HCM kể cả khi “luồng xanh” cho lưu thông hàng hóa hiện nay đã thông thoáng”, Sở Công thương đề xuất.

Sở Công thương cũng cho rằng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nên các vấn đề liên quan đến dự trữ hàng hóa, vật tư y tế trên địa bàn TP.HCM sẽ gặp không ít khó khăn.

Do đó, việc Bộ Công thương cần nghiên cứu và đề xuất các bộ liên quan có chính sách tài chính cho nhóm doanh nghiệp trực thuộc các lĩnh vực nói trên là cần thiết. Bởi bản thân TP.HCM không thể làm chính sách riêng cho các doanh nghiệp khi nội hàm còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, thuộc các bộ ngành khác.

Theo Sở Công thương, tính đến ngày 21-7, lưu thông phân phối hàng hóa của TP.HCM hiện có 106 siêu thị có bán lương thực thực phẩm, 220 chợ truyền thống, 2.469 cửa hàng tiện lợi, 28.700 cửa hàng cửa hiệu có bán lương thực thực phẩm góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân khi nhiều chợ truyền thống đóng cửa.

Trước đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online khi đi thực tế tại một số chợ đầu mối ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng hiện một số nơi còn thiếu hàng cục bộ, giá cả tăng hơn bình thường.

Tuy nhiên quan điểm của Bộ lẫn Sở Công thương đều nhấn mạnh không thể chấp nhận việc lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và làm lợi trên khó khăn chung, khó khăn của người dân.

TRẦN VŨ NGHI
TTO