24/11/2024

‘Bắt bệnh tìm thuốc’ cho thị trường bất động sản

‘Bắt bệnh tìm thuốc’ cho thị trường bất động sản

Theo thông tin Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) mới công bố, thời gian qua, thị trường vẫn phát triển bất chấp dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại nhiều hạn chế, cần “bắt bệnh, tìm thuốc”.
Dự án Vườn Vạn Tuế Sago Palm Garden ở H.Văn Giang, Hưng Yên là một trong những điển hình sai phạm về pháp lý nhưng vẫn được chủ đầu tư đưa hàng ra thị trường chào bán /// Ảnh Lê Quân
Dự án Vườn Vạn Tuế Sago Palm Garden ở H.Văn Giang, Hưng Yên là một trong những điển hình sai phạm về pháp lý nhưng vẫn được chủ đầu tư đưa hàng ra thị trường chào bán ẢNH LÊ QUÂN

Có biểu hiện lừa đảo trong kinh doanh bất động sản

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… Do vậy, muốn có giải pháp tổng hợp thì trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh bất động sản, sửa đổi bổ sung luật đất đai, pháp luật đầu tư… hiện còn nhiều điểm nghẽn phải tháo gỡ để hỗ trợ thị trường.
Vấn đề cải cách hành chính cần tiếp tục đẩy mạnh và lồng ghép các thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, giảm bớt hồ sơ, giảm quy trình để bảo đảm các doanh nghiệp có thời gian, cơ hội để thực hiện dự án nhiều hơn. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan đến gần 40 thủ tục hành chính, của hơn 10 luật liên quan từ đầu tư xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường,…
Bất cập tiếp theo mang tính “truyền thống” là cơ cấu sản phẩm bất động sản vẫn lệch pha khi tình trạng thừa nhà ở phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở phân khúc bình dân vẫn phổ biến, chưa khắc phục được. Giá bất động sản đâu đó đã thiết lập trên một mặt bằng mới, mặc dù có đại dịch Covid-19 bùng phát liên tục, diễn biến phức tạp.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện còn tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng vẫn tung hàng ra thị trường. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, thị trường, thậm chí có biểu hiện lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
‘Bắt bệnh tìm thuốc’ cho thị trường bất động sản - ảnh 1

Lệch pha cung cầu, thừa nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân vẫn chưa thể khắc phục ẢNH LÊ QUÂN

Cơ quan quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh về tính minh bạch của thị trường, dù đã có tháo gỡ, yêu cầu cung cấp công khai, minh bạch thông tin nhưng thực tế chưa thực sự hiệu quả, kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo nâng tính công khai, minh bạch, chính xác, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.
Cơ quan của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn phổ biến ở nhiều nơi, nhất là tại các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ.
Về giao dịch bất động sản ở thị trường sơ cấp vẫn tiếp tục khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động. Nhất là trong vấn đề cung cấp sản phẩm bất động sản ra thị trường thông qua các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản nên thời gian tới sẽ nghiên cứu, quy định chặt chẽ giúp giảm thiểu những rủi ro trong giao dịch bất động sản cho các bên.

Bất động sản mong chờ đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Một vấn đề tồn tại khác cũng mang tính “truyền thống” là nguồn lực tài chính vẫn luôn cần có những nghiên cứu, sáng kiến để cải thiện, đa dạng nguồn cung, dòng tiền dồi dào cho thị trường.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, hiện có nhiều mô hình kinh doanh bất động sản mới, rất thông minh và khá phổ biến trên thế giới nhưng khi doanh nghiệp đưa về nước ta áp dụng lại khó do thiếu khung pháp lý.
Về vấn đề này, thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật thiếu hoặc chưa đồng bộ. Khả năng thực thi của các văn bản pháp luật ban hành trong cuộc sống. Sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của các cơ quan với nhau. Những sản phẩm bất động sản đã hình thành trong thực tế nhưng văn bản pháp luật lại chưa hình thành.
Chưa kể, với không ít thủ tục hành chính đã được ban hành thì cũng là “rào cản” lớn đối với quá trình triển khai thủ tục cho một dự án bất động sản. Điều này khiến doanh nghiệp liên tục gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước.
‘Bắt bệnh tìm thuốc’ cho thị trường bất động sản - ảnh 2

Tiếp cận vốn vay để triển khai bất động sản luôn gặp nhiều khó khăn bên cạnh thủ tục hành chính “thông mãi nhưng chưa thoáng”  ẢNH LÊ QUÂN

Vấn đề thứ 3 là, hầu hết các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay làm hoặc mua sản phẩm bất động sản, nhất là sản phẩm bình dân. Bên cạnh đó, còn tình trạng đầu tư theo phong trào, gây nên sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương, đây là hệ quả của việc thiếu kênh thông tin đáng tin cậy, vững chắc cho thị trường. Các mô hình mới như mô hình tăng trưởng xanh, thông minh vẫn còn những khó khăn cho các doanh nghiệp.
VNREA cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, thị trương bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội, thách thức thì luôn song hành, đan xen với nhau. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, chắc chắn thị trường nhà ở sẽ phát triển nhanh chóng. Trong đó, nhà ở cao cấp sẽ không có biến động nhiều, đa phần sản phẩm tung ra thị trường là có sẵn, gần như không có hàng mở bán mới.
VNREA cũng nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động rất mạnh bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tính pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng chưa chặt chẽ. Đây là 2 điểm nghẽn lớn, nếu thông được thì tạo điều kiện thuận lợi để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh mẽ.
Về bất động sản công nghiệp, vẫn đầy tiềm năng, nhưng dịch bệnh bùng phát mạnh dẫn đến chưa phát triển tương xứng. Trong 6 tháng cuối năm, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, sẽ đẩy mạnh được thị trường bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp.
LÊ QUÂN
TNO