26/12/2024

Phấn hoa có làm lây lan Covid-19?

Phấn hoa có làm lây lan Covid-19?

Chuyên trang Medical News Today dẫn một kết quả nghiên cứu mới cho hay dường như có mối tương quan giữa nồng độ của phấn hoa trong không khí và tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 (loại vi rút gây ra dịch Covid-19).
 /// Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Kết quả nghiên cứu được công bố hồi cuối tháng 6 trên tờ The Journal Physics of Fluids (tạm dịch: Chuyên san Vật lý chất lỏng).
Theo đó, nhóm tác giả thuộc Đại học Nicosia (Cộng hòa Síp) đã sử dụng một chương trình máy tính giả lập nhằm mô tả sự lan truyền phấn hoa từ một cây liễu qua một đám đông đang tụ tập ngoài trời. Dù nhóm người này đã đứng cách nhau ít nhất 2 m, cùng với tốc độ gió khoảng 4 km/giờ, kết quả phân tích của máy tính vẫn kết luận phấn hoa từ cây liễu có thể tạo điều kiện cho vi rút lây lan.
Các tác giả nhận định nguy cơ lây nhiễm sẽ cao nếu các hạt phấn hoa có vướng SARS-CoV-2 trên đó. Hơn nữa, nếu mật độ đám đông càng lớn, không khí sẽ càng bí bách và tạo điều kiện để các giọt bắn đường hô hấp hay hạt khí dung được tạo ra khi mọi người nói chuyện hoặc ho dính vào các hạt phấn hoa, từ đó mang vi rút từ người này lây sang người khác trong đám đông.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các giọt nước bọt vốn tương đối nặng và bay hơi nhanh, trong khi các hạt phấn hoa chứa ít nước, nhẹ hơn và có thể di chuyển hàng chục ki lô mét. Nếu như những hạt phấn này chứa vi rút, chúng sẽ là nguồn lây nhiễm rất khó lường.
Giáo sư Dimitris Drikakis, thành viên nhóm nghiên cứu, khuyến nghị mọi người nên đeo khẩu trang (ảnh) và tránh tụ tập đông đúc gần một số loại cây đang trong mùa thụ phấn. Ngoài ra, khoảng cách vật lý an toàn để giảm sự lây truyền của phấn hoa chưa xác định được cụ thể, bởi chúng phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường ở thời điểm đó.
Trước đó, nhóm của Giáo sư Dimitris Drikakis nhận ra có mối tương quan giữa nồng độ phấn hoa cao từ cây sồi và liễu trong không khí với tỷ lệ gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5.2020, nên đã quyết định thực hiện nghiên cứu trên.
Một nghiên cứu khác có cùng chủ đề được nhóm chuyên gia của Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) công bố hồi tháng 3 năm nay trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) cũng ủng hộ kết luận trên. Theo đó, nghiên cứu cho biết nồng độ phấn hoa trong không khí tại 31 quốc gia trên thế giới có thể làm tăng đến 44% tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2.
TRÀ LINH
TNO