22/01/2025

Những người thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

Những người thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

Tại các điểm nóng dịch bệnh Covid-19lực lượng tình nguyện viên tại chỗ chưa một ngày ngơi nghỉ. Tất cả họ vẫn đang ngày đêm miệt mài hỗ trợ lực lượng tuyến đầu truy vết, xét nghiệm; lo hậu cần giúp người dân khu vực phong toả…
Tình nguyện viên giúp người dân khai báo y tế tại điểm phong tỏa ở Q.Gò Vấp, TP.HCM /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Tình nguyện viên giúp người dân khai báo y tế tại điểm phong tỏa ở Q.Gò Vấp, TP.HCM ẢNH: ĐỘC LẬP
Những ngày này tại TP.HCM, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại các cơ sở y tế, y bác sĩ ngày đêm vẫn luân phiên đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin… Trong trường đại học, sinh viên y khoa cũng đi hỗ trợ lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Trên các tuyến đường, các con phố, các điểm dịch, hình ảnh những “chiến binh” trẻ trong trang phục màu xanh vẫn lặng lẽ làm việc miệt mài, dù nắng nóng, mưa gió, ngày hay đêm.

Cứ đi về lặng lẽ, giúp được nhiều là vui

Trưa 3.7, chúng tôi điện thoại cho bạn Vũ Lan Anh, sinh viên lớp cử nhân y tế công cộng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Lan Anh cho biết mình đang ở điểm lấy mẫu Trường tiểu học Tam Đông 2 (H.Hóc Môn) phục vụ công tác thi tốt nghiệp THPT sắp tới của TP.HCM. Tôi khá ngạc nhiên vì Lan Anh đang ở trong tổ công tác phòng chống Covid-19 của H.Bình Chánh, sao lại qua tận H.Hóc Môn, Lan Anh cười: “Ở đâu cần thì mình ở đó”.
Bộ Y tế có kế hoạch chi viện khẩn hơn 1.000 nhân lực y tế từ miền Bắc vào TP.HCM hỗ trợ công tác chống dịch. Hưởng ứng kế hoạch này, hơn 300 giảng viên và sinh viên của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (trực thuộc Bộ Y tế) đã lên đường vào TP.HCM sáng 1.7. Trước đó, “đội quân thiện chiến” của trường này cũng đã tình nguyện góp sức ở nhiều điểm nóng như tại tỉnh Hải Dương vào tháng 2, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vào tháng 5, tháng 6… Chỉ tròn một tuần sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại tỉnh Bắc Giang, đoàn lại tiếp tục lên đường vào TP.HCM, hỗ trợ công tác truy vết và lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương. Phần lớn sinh viên trong đội hình là sinh viên năm thứ 3, 4, 5 đang học các ngành xét nghiệm, điều dưỡng, đa khoa…
Đoàn cán bộ y tế của Khánh Hòa gồm 27 người là các bác sĩ cùng 20 sinh viên Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa đã lên đường chi viện cho tỉnh Phú Yên vào sáng 2.7.
Theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 1.7, đoàn tình nguyện gồm 3 cán bộ, giảng viên và 44 sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ đã đến TP.Sa Đéc hỗ trợ dập dịch. Trước khi đến Đồng Tháp, các sinh viên đã được nhà trường tập huấn, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ…

Hà Mai – Công Thi – Trần Ngọc

Nhớ lại một ngày cuối tháng 5.2021, khi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kêu gọi sinh viên tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm cho TP.HCM, Lan Anh đăng ký ngay mà không phải suy nghĩ. Đăng ký xong thì gọi cho ba mẹ xin phép. Lúc đầu ba mẹ cũng can ngăn vì sợ con gái đi nguy hiểm… Nhưng Lan Anh quả quyết: “Đây là nghề mà con đã chọn, bây giờ con không đi thì mai mốt con cũng làm việc này”. Nghe vậy, ba mẹ Lan Anh đồng ý, xếp đồ cho con gái đi và kèm theo lời dặn dò: “Con phải giữ sức khỏe cẩn thận!”. Từ đó, Lan Anh xa gia đình. Từ H.Củ Chi, Lan Anh xuống nhà người thân ở Q.Tân Bình để tiện việc đi lại, tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Tôi hỏi Lan Anh có sợ bị lây nhiễm không, Lan Anh cười giòn tan qua điện thoại, đáp: “Chúng em được HCDC tập huấn kỹ lắm, không sợ”. “Đợt dịch này cho em nhiều bài học quý giá, nhiều kiến thức mới, được trải nghiệm thực tập cộng đồng sớm hơn kế hoạch. Một ngày chạy lòng vòng có khi 40 – 50 km và thường xuyên về lúc 12 giờ khuya, có khi là 2 – 3 giờ sáng. Đi nhiều giúp được nhiều là vui lắm!”, Lan Anh chia sẻ.

Cũng như nhiều sinh viên ở TP.HCM tình nguyện tham gia chống dịch, cơm nước thì được địa phương lo, còn chi phí điện thoại, xăng xe… thì tự chi tiền túi, có trường hợp được ba mẹ cho. Tất cả đều thầm lặng dấn thân, không toan tính.
Nữ bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Cẩm Vân là bác sĩ y học cổ truyền – phục hồi chức năng, vốn công tác tại Bệnh viện (BV) H.Củ Chi. Trong đợt dịch thứ nhất vào tháng 2.2020, bác sĩ Cẩm Vân tình nguyện đến BV dã chiến Củ Chi để chăm sóc bệnh nhân Covid-19, miệt mài đến giữa tháng 6.2021, rồi xin tạm dừng để lo cho công việc riêng ngoài y tế công. Tạm ở nhà được vài hôm, bác sĩ Cẩm Vân lại xin vào BV dã chiến Củ Chi phục vụ bệnh nhân, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, chỉ mong muốn góp một phần nhỏ trong công việc điều trị bệnh nhân. Tâm thế đi là phục vụ không lương. “Mình còn trẻ, ba mẹ cũng còn khỏe, nên muốn đồng hành cùng đồng nghiệp chống dịch. Tôi sẽ ở đó đến khi dịch ổn, và khi trường hoạt động trở lại, tôi sẽ thi lên cao học”, bác sĩ Cẩm Vân tâm tình.
Những người thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

Tình nguyện viên hướng dẫn người dân làm thủ tục tiêm vắc xin tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) ẢNH: ĐỘC LẬP

Gác lại việc riêng

Sự chủ động, tích cực của các lực lượng tình nguyện tại chỗ tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch dù được thể hiện công khai hay thầm lặng đều hướng đến mục tiêu lớn nhất là TP.HCM sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở về bình thường.
Dọc đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ giao lộ An Dương Vương đến cầu Nước Lên) có gần chục chốt kiểm soát dịch Covid-19 nằm trên các tuyến đường vào các khu phố bị phong tỏa của P.An Lạc, Q.Bình Tân. Tại mỗi chốt có chừng 5 – 6 người gồm công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, đoàn viên tình nguyện.
Anh Trần Lê Minh Dương, dân quân tự vệ tại chốt đầu đường Hồ Học Lãm (đoạn giao với đường Võ Văn Kiệt, P.An Lạc, Q.Bình Tân), bắt đầu tham gia trực chốt phong tỏa tại phường từ ngày 13.6. Một tuần sau, tình hình dịch bệnh ở P.An Lạc căng thẳng với chuỗi lây nhiễm tại chung cư Ehome 3, Ban chỉ huy quân sự Q.Bình Tân điều động anh sang tăng cường trực chốt hỗ trợ cho P.An Lạc. Dù mới lập gia đình, nhưng cũng như bao đồng đội khác, anh Dương không về nhà sau ca trực mà tập kết về khu nhà ở do quận sắp xếp. Anh Dương cho biết mỗi ngày trực chốt 2 ca, mỗi ca trực 6 giờ rồi về nghỉ. Công việc hằng ngày là kiểm soát, hỗ trợ giao nhận hàng hóa, nhắc nhở bà con giữ khoảng cách khi chuyển đồ vào trong…
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cũng như 3 làn sóng dịch trước đó đều có sự tham gia tích cực, chủ động của công an, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên các phường với tinh thần tình nguyện. Bên cạnh những “chiến sĩ áo trắng” ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm thì đây là những lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh, giữ gìn trật tự ở các khu vực cách ly, phong tỏa. “Quận ghi nhận những đóng góp đó và có nhiều hướng chăm lo, hỗ trợ thêm để các lực lượng bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ”, ông Nhựt nói.
Ngoài 3 khu phố ở P.An Lạc (Q.Bình Tân) thì gần chục khu phố, ấp khác của Q.8 và H.Hóc Môn cũng bị phong tỏa 14 ngày. Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), toàn TP.HCM có khoảng 640 điểm phong tỏa, các điểm này đều phải bảo đảm lực lượng tình nguyện túc trực 24/24 giờ mỗi ngày.
Những người thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch

Sinh viên Vũ Lan Anh (giữa) trong đội hỗ trợ nhập liệu lấy mẫu ẢNH: NVCC

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

TP.HCM đang bước vào đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 đến ngày 10.7, một trong những giải pháp trọng tâm là lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn TP với mục tiêu 1 triệu mẫu/ngày; TP.Thủ Đức và một số quận, huyện có nguy cơ cao sẽ lấy mẫu toàn dân. Để công tác xét nghiệm tầm soát tìm F0 “lang thang” đạt hiệu quả cao, vai trò “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của các tổ Covid-19 trong cộng đồng rất quan trọng.
Sáng 2.7, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng ban Công tác mặt trận KP.4 (P.5, Q.Bình Thạnh), nhận được thông báo từ phường về việc tổ chức xét nghiệm tại Trường tiểu học Yên Thế vào 15 giờ cùng ngày. Sau đó, ông Nam lên nhóm chat Zalo để nhắn tin đến các cư dân trong tổ dân phố mình sinh sống để bà con chuẩn bị. Cũng có những hộ dân không sử dụng điện thoại thông minh, thì thành viên trong ban điều hành tổ dân phố đi đến từng nhà gõ cửa tuyên truyền, vận động. “Chiều 2.7, toàn bộ cư dân trong tổ dân phố mình sinh sống đều đi lấy mẫu xét nghiệm, không phụ công mình đi vận động”, ông Nam khoe.
DUY TÍNH – SỸ ĐÔNG
TNO