18/11/2024

‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Thợ ảnh ngay Bưu điện TP cay đắng rao bán xe Dream

‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Thợ ảnh ngay Bưu điện TP cay đắng rao bán xe Dream

Đại dịch Covid-19 cuốn phăng nhiều sinh kế ở TP.HCM. Người quê thì kẹt lại không về được vì phải mưu sinh, vì địa phương đem cách ly tập trung. Những người Sài Gòn hoặc sống và sinh kế ở đây hàng chục năm cũng tương tự ‘mắc kẹt’ trong sinh kế. Thợ chụp ảnh dạo 30 năm rớt nước mắt treo biển rao bán chiếc Dream để trả nợ vì giờ mỗi ngày kiếm 20.000 đồng cũng đã khó, nói chi chuyện chạy nợ, no cơm ấm áo…
Ông Diên thất thần nhìn đường phố vắng hoe vì dịch bệnh /// Ảnh: Độc Lập
Ông Diên thất thần nhìn đường phố vắng hoe vì dịch bệnh ẢNH: ĐỘC LẬP

Bán xe trả nợ

Gần đây, cộng đồng mạng kêu gọi ủng hộ cho một thợ chụp ảnh ở khu vực Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố (Q.1, TP.HCM). Người trong câu chuyện là ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi), đã gắn bó với công việc này gần 30 năm.
Công việc này trở thành một phần cuộc sống tuổi già của ông. Con cái ông cũng khó khăn nên chẳng thể chăm lo cho ông được chu toàn. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Diên vẫn ngày ngày đeo máy ảnh, trên chiếc Dream cũ (xe Super Dream đời sau) đến khu vực trung tâm này để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống.
Người thợ chụp ảnh rao bán con xe cũ để có tiền trả nợ. Ảnh: Độc Lập

Người thợ chụp ảnh rao bán con xe cũ để có tiền trả nợ ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhưng rồi, dịch bệnh bùng phát. Khách nước ngoài không thể đến Việt Nam. Người trong nước phải ở nhà, hạn chế tập trung nơi đông người. Các địa điểm thăm quan, du lịch buộc đóng cửa. Bình thường, vì tiện ích của điện thoại thông minh đã khiến ông ít việc làm. Cộng thêm dịch bệnh, kế sinh nhai của ông Diên trở nên bế tắc.
Mỗi tấm hình giá 20.000 đồng, được in ngay tại chỗ. Để có được cái máy in màu, ông phải đi vay tiền của người ta, đến giờ vẫn thiếu nợ. Ai đi ngang thương tình, kêu ông chụp lấy 1-2 tấm. Giờ thì ngồi cả ngày, ông cũng không kiếm đủ tiền ăn đành dằn lòng treo biển bán con xe cũ, tài sản có giá trị, ngoài cái máy ảnh.
“Ôi trời ơi, sáng giờ chụp có 1 tấm 20.000 ngàn, không biết chiều nay có không. Nhiều hôm đi về không nên mới thiếu nợ người ta 4-5 triệu đó. Tôi để cái bảng bán xe Dream mà vẫn chưa bán được. Hồi đó tôi mua ở Phú Quốc giá 20 triệu, giờ cũ quá người ta trả có 10 triệu thôi mà cũng chưa bán được. Giờ bán xe rồi không biết đi làm sao, mua lại xe cũ thì sợ phải cái không tốt, hư hỏng miết thì khổ. Buồn lắm con ơi!”, ông Diên tâm sự.
Ngồi trên đường trước Bưu điện Thành phố, ông Diên ngắm nhìn đường phố vắng vẻ mà lòng nặng trĩu. Liệu bao giờ ông mới được sống lại cái ngày Sài Gòn nhộn nhịp, đông đúc và xô bồ?
Gần 1 tháng nay, có người thương cho ông ở nhờ không lấy tiền, vơi bớt gánh nặng cho ông. Nhưng cái cô quạnh tuổi già thì ngày càng lớn. Ngày nào làm có khách, bữa cơm mới có thêm món. Ngày nào không, ông Diên ăn tạm gói mì cho qua bữa.

“Tôi sống lành vậy mà giờ khổ quá”

Tuy là người gốc Sài Gòn, ông Diên đã lăn lộn kiếm sống với nghề chụp ảnh ở nhiều nơi. Ông đã từng ra Phú Quốc (Kiên Giang) hay Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) chụp hình cho khách du lịch tại bãi biển hay địa danh du lịch nổi tiếng. Thời điểm đó, du khách không có điện thoại thông minh và ít người có máy ảnh nên ông kiếm được tiền nuôi cả gia đình.
 Mỗi tấm ảnh giá 20.000 đồng được in tại chỗ. Ảnh: Độc Lập

Mỗi tấm ảnh giá 20.000 đồng được in tại chỗ ẢNH: ĐỘC LẬP

Về lại Sài Gòn, ông di chuyển điểm chụp ảnh hết nơi này đến nơi khác. Từ Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng. Tuổi đã cao, sức cũng yếu, ông chọn ở lại khu trung tâm này cho tiện đi lại.
“Tôi học chụp ảnh ở Sương Nguyệt Ánh trước năm 2000. Rồi đi làm đủ thứ nghề hết từ sửa xe, làm ruộng thuê, phụ hàng quán… Vợ tôi mất lâu rồi, con cái cũng tản đi khắp nơi làm ăn mà không khấm khá nổi. Giờ tôi là tự lực cánh sinh”, ông Diên chia sẻ.
'Mắc kẹt' giữa Sài Gòn thời Covid-19: Thợ ảnh ngay Bưu điện TP cay đắng rao bán xe Dream - ảnh 3

Ông Diên gắn bó với nghề chụp ảnh đã 30 năm  ẢNH: ĐỘC LẬP

Ông làm đơn gửi lên phường xin hỗ trợ được 5kg gạo, mì gói và 1 chai nước tương. Ông mừng vì “không có tiền nhưng có cái đó cũng đỡ đói”. Nhưng ngoài chuyện ăn uống, ông Diên còn lo tiền thuốc thang mỗi ngày. Tuổi đã cao, ngày nào không có thuốc là ông nhức mỏi khắp người. Nhưng với ông, chút đau nhức ấy vẫn may mắn lắm.
Ông Diên xúc động bởi chính cuộc đời mình. Đến cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn phải đau đáu chuyện mưu sinh qua bữa. Ảnh: Độc Lập

Ông Diên xúc động khi nghĩ đến cuộc đời mình. Đến cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn phải đau đáu chuyện mưu sinh qua bữa   ẢNH: ĐỘC LẬP

“Thật sự, trời đất cho sức khoẻ chứ bệnh hoạn nằm đó không ai lo. Giờ tôi mà chết nằm đây cũng không ai biết tại đóng cửa sáng tối mà. Giờ chỉ mong có ai đó giúp tôi một ít đặng trả nợ cho người ta chứ bây giờ tôi thật sự khó khăn lắm”, ông bùi ngùi nói.
Làm việc quần quật cả đời, ông Diên giờ đây lại rơi vào cảnh khốn khó. Quần áo cũng chỉ dám mua đồ cũ, người ta đổ đống bán với giá rẻ. Ông mua về mặc cũng vài năm, đến khi rách tả tơi mới bỏ.
“Tính tôi rất thực tình, ngay thẳng. Từ nhỏ tới lớn, đi làm ăn thật thà không tham của ai một cắt bạc nào. tôi không hiểu tại sao tôi sống lành vậy mà giờ khổ quá. Tôi nói ra nỗi lòng này không thể nào kìm được. Sao ở cái tuổi này mà phải khổ sở vậy”, ông Diên nói trong nước mắt.
Dịch Covid-19 kéo dài, chớp mắt cũng đã hơn 1 tháng tại TP.HCM. Hết chỉ thị 15 rồi đến chỉ thị 10, TP.HCM giãn cách xã hội chưa biết bao giờ mới khép lại. Một tương lai bất định xa xăm khiến chúng tôi mở miệng hỏi: “Chú có tính bỏ nghề, bỏ máy hay tìm công việc khác vì nghề đã lạc hậu?”. Ông Diên như hiểu hoàn cảnh, chậm rãi trả lời: “Cuộc sống của tôi bây giờ không còn lại được bao nhiêu nữa. Sức khoẻ thì ngày một yếu đi. Chắc tôi không còn sống được bao lâu nữa đâu. Ráng sống được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi chứ giờ làm gì còn nghề nào nữa, chỉ có đi theo Chúa thôi. Năm rồi, tôi có đi xin bảo vệ mà không ai nhận tại già quá rồi. Quanh đi quẩn lại chỉ còn nước đi bán vé số, nhưng giờ người đau khắp mình mẩy, dễ bị tai biến nên đâu có đi được”.
Vậy nếu có người giúp thì chú còn đi làm tiếp tục không hay nghỉ hẳn? – chúng tôi hỏi tiếp. “Tôi không còn sức để làm hay tìm được công việc nữa. Giờ có ai giúp được một chút để tôi hưởng thụ những giây phút cuối cùng của cuộc đời là tôi mãn nguyện lắm rồi. Nếu được như vậy, tôi cũng nghỉ chụp ảnh luôn vì ráng đi làm cũng khó khăn, cực khổ tối về lại không ngủ được”, ông nói về tương lai mình một cách xúc động.
Giấc mơ gần cuối đời giữa những ngày Covid-19 bùng phát ở TP.HCM của ông cụ U.80 cũng chỏng chơ như chiếc Dream ông dựng bên cạnh và đang rao bán!
TRỊNH THANH
TNO