23/12/2024

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào?

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào?

Một trong các mặt trận quan trọng chống dịch hiện nay ở TP.HCM là chợ. Nhiều chợ, tiểu thương cũng như siêu thị, nhà phân phối đã có những sáng kiến mua sắm an toàn cho người bán lẫn khách hàng.

 

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân mua hàng qua sợi dây giăng ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trưa 29-6 – Ảnh: NHẬT THỊNH

Một loạt chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm COVID-19 đã dồn sức mua sang các chợ và siêu thị khác. Dân cũng tránh việc đi chợ theo cách truyền thống.

Bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào?

Đi chợ hộ, sạp hàng online

Ông Nguyễn Văn Sinh – trưởng ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5) – cho biết hai ngày qua đã đăng số điện thoại, thông tin về việc “đi chợ hộ”, danh sách các tiểu thương bán thịt, cá, trứng… lên trang mạng của chợ để người dân biết.

Với cách thức này, khi mua hàng người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng của chợ, chợ sẽ cử người tiếp nhận, ghi lại đơn hàng, cử người đi mua thịt, trứng, rau… sau đó đi giao tận nhà cho bà con trong khu vực quận 5. Tiền hàng lấy từ khách sẽ về trả lại cho người bán.

Hiện mỗi ngày có vài chục đơn hàng “đi chợ hộ” được ban quản lý triển khai. “Mọi thông tin về đơn hàng như giá cả, người bán được ghi rõ ràng và đóng mộc của chợ. Người dân có thể kiểm tra chéo, hoặc chỉ điểm mua hàng, chợ sẽ hỗ trợ hết mình cho khách” – ông Sinh thông tin thêm.

Theo ông Sinh, sáng kiến trên được ban quản lý đưa ra nhằm làm giảm lượng người đến chợ, đảm bảo giãn cách an toàn. Chương trình đi chợ hộ đã nhận được sự hỗ trợ của phường, đoàn thanh niên trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều tiểu thương hiện nay cũng ưu tiên áp dụng giao hàng phía bên ngoài khu vực chợ.

Tương tự, tại chợ Phùng Hưng (quận 5), người dân cũng có rất nhiều cách đặt hàng khác nhau để có thể mua sắm an toàn. Thông qua số điện thoại của tiểu thương, ban quản lý, thậm chí các kênh trực tuyến như mạng xã hội, ứng dụng, người dân được giao thực phẩm đến tận nhà.

Theo đại diện chợ này, đã có hàng trăm tiểu thương đăng ký tham gia, nhiều khách hàng đã “khai trương mua hàng online”, giúp giảm lượng người đến chợ những ngày qua.

“Với cách thức này, ban quản lý hỗ trợ tiếp nhận đơn hàng, có thể việc giao hàng sẽ thông qua ứng dụng gọi xe công nghệ hoặc lực lượng xe ôm truyền thống. Mọi khâu giao dịch đều minh bạch, rõ ràng và được kiểm tra chéo” – đại diện chợ Phùng Hưng khẳng định.

Theo UBND quận 5, các mô hình “đi chợ hộ, sạp hàng online” sẽ được quận triển khai sâu rộng trong thời gian tới nhằm đảm bảo môi trường an toàn dịch bệnh tại các chợ.

Bà Đinh, tiểu thương hàng rau củ tại chợ Hòa Bình, cho biết đã nhờ con gái chụp hình, rao hàng trên Zalo, mạng xã hội. Để phù hợp với nhu cầu “một đơn hàng, đủ ăn 7 ngày”, bà Đinh chủ động phân sẵn từng phần, vệ sinh sạch sẽ để bảo quản dài ngày.

“Ngay các phần rau củ, tôi cũng chuẩn bị tươm tất như phần canh chua thì có thơm, cà chua, rau thơm hay khoai mỡ thì có rau gia vị đi kèm để tiện chuẩn bị bữa cơm” – bà Đinh nói.

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào? - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh – tiểu thương tại chợ Bình Thới (quận 11, TP.HCM) – khoe thẻ ra vào chợ ngày 29-6 – Ảnh: N.TRÍ

Phát phiếu đi chợ, bán theo ngày chẵn lẻ

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), sáng 29-6 ban quản lý chợ phát phiếu vào chợ để duy trì lượng người vào chợ dưới 200 người (như cách của chợ Bình Thới, quận 11). Phía trước cổng chợ, ban quản lý bố trí điểm đo thân nhiệt, khai báo y tế qua app và người đi chợ ghi lại thông tin cá nhân, thời gian đến chợ.

Sau đó, mỗi khách hàng sẽ được phát 1 phiếu vào chợ có đầy đủ thông tin của mình và ban quản lý đếm lượt người vào chợ, đảm bảo mỗi thời điểm chỉ dưới 200 khách.

Bà Huỳnh Ngọc Thanh – phó trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu – cho biết hiện chợ còn khoảng 700 tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu được phép kinh doanh, song nhiều tiểu thương đã phải đóng quầy do liên quan đến khu vực phong tỏa, đồng thời nhiều sạp do lo sợ dịch bệnh nên cũng chủ động đóng quầy.

Theo bà Thanh, các lực lượng dân phòng, trật tự đô thị của phường 1 (quận Bình Thạnh) đã phối hợp chặt chẽ với chợ để phân luồng chỉ vào chợ một chiều, đóng các hẻm nhỏ vào chợ không qua điểm khai báo y tế. Vừa qua, ngành y tế cũng đã đến xét nghiệm, lấy 736 mẫu gộp các tiểu thương tại chợ. Đồng thời, 250 tiểu thương tại chợ này đã được chích vắc xin lần 1.

Trong khi đó, tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), bên cạnh khai báo y tế, khử khuẩn, hạn chế số lượng người vào chợ…, ban quản lý đã tiếp tục áp dụng buôn bán theo ngày chẵn, ngày lẻ đối với các tiểu thương tại chợ.

Ông Trần Tấn Tài – phó trưởng ban quản lý chợ Thị Nghè – cho hay tại chợ có hơn 400 hộ song chỉ duy trì 256 hộ kinh doanh hàng thiết yếu, nay lại áp dụng kinh doanh chẵn lẻ nên mỗi ngày ở chợ chỉ còn 1/4 tiểu thương so với ngày thường.

Theo ông Tài, hiện số tiểu thương kinh doanh ít, số lượng người đi chợ cũng ít, cộng với phường chốt chặn nhiều vị trí nên việc ra vào chợ đều được kiểm soát để phòng dịch.

Tương tự, ban quản lý chợ Thanh Đa cho biết chợ này đã áp dụng kinh doanh ngày chẵn, ngày lẻ cho các tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu kể từ ngày 28-6, trước mắt duy trì mô hình này đến ngày 4-7 để phòng dịch.

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào? - Ảnh 3.

Người dân đo thân nhiệt và để lại thông tin khi ra vào chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) sáng 29-6 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khuyến khích mua hàng gián tiếp

Sở Công thương TP.HCM khuyến khích người dân chuyển sang mua sắm gián tiếp, hạn chế đến các điểm đông người. Người mua hàng tuân thủ giữ khoảng cách khi giao hoặc nhận hàng, thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m. Sau khi nhận hàng rửa tay sạch và vệ sinh hàng hóa vừa nhận.

“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp và người dân giao dịch sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc” – đại diện sở nói.

An toàn mùa dịch, bài toán đi chợ của người dân phải như thế nào? - Ảnh 5.

Hạn chế người đi chợ Tân Mỹ (quận 7, TP.HCM) sáng 29-6 – Ảnh: TỰ TRUNG

Siêu thị giới hạn người mua sắm, mua hàng online bùng nổ

Khoảng vài ngày gần đây, lượng khách đổ về siêu thị mua sắm tăng vọt do chợ tạm ngưng hoạt động và các chợ truyền thống cũng áp dụng biện pháp giăng dây, giữ khoảng cách giữa người mua và bán, số lượng sạp mở cửa ít hơn trước. Đại diện các siêu thị tại TP.HCM như Big C, Satra, Co.opmart… cho biết sức mua bắt đầu tăng mạnh từ cuối tuần qua.

Chị Thu Trang (quận Tân Bình) cho biết chị đặt hàng của siêu thị nhưng có trường hợp món hàng 4 ngày chưa giao vì quá tải.

VinCommerce cho biết sức mua online tăng mạnh trên toàn hệ thống VinMart và VinMart+. Đặc biệt tại khu vực TP.HCM với dịch vụ đi chợ hộ tăng 114%, đặt hàng qua ứng dụng VinID tăng 526%, qua website VinMart.com tăng 1.239%.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đại diện các siêu thị cho biết đều tăng lượng hàng dự trữ lên 30-60% với mặt hàng khô. Trong khi với hàng thực phẩm tươi sống liên tục làm việc với nhà cung cấp nhằm ổn định nguồn hàng, giá cả để phục vụ người dân trong những ngày giãn cách.

Theo quy định chống dịch của TP, cửa hàng tiện lợi giới hạn phục vụ không quá 10 người trong một thời điểm, riêng với các siêu thị vẫn nhận khách vào bình thường nhưng đảm bảo giữ khoảng cách 2m khi chờ thanh toán.

Bà Thư Anh – ngụ quận 7, đang đứng xếp hàng trước một cửa hàng tiện lợi gần nhà – cho biết cửa hàng tiện lợi giới hạn số người phục vụ. Vài ngày nay, lối vào trước cửa hàng này đã được đánh dấu vị trí cho khách đứng để giữ khoảng cách.

“Nhân viên nói vì chỉ có hai quầy tính tiền nên mỗi lần đón khách không quá 7 người. Những người như tôi phải tạm đợi bên ngoài trên những vạch giữ khoảng cách đã in sẵn phía trước cổng vào. Trong suốt thời gian khách mua sắm, nhân viên phát loa thông báo mong sự hợp tác của khách hàng, liên tục nhắc nhở mọi người tuân thủ giãn cách” – bà Anh nói.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết mặc dù siêu thị không bị giới hạn người phục vụ tại một thời điểm nhưng để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định giãn cách, siêu thị triển khai phân luồng khách ngay từ cổng, điều tiết số lượng khách theo từng đợt 15-20 khách, tùy theo quy mô từng siêu thị. Khách vào bên trong mua sắm cũng được lưu ý, đặc biệt tại khu vực chờ tính tiền.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân – giám đốc truyền thông Central Retail, việc phân luồng, giới hạn lượng khách vào mua sắm trong siêu thị là biện pháp được áp dụng và rất cần sự hợp tác của khách hàng. Nhiều thời điểm trong ngày, lượng khách đến mua sắm đông, nhân viên siêu thị nhắc nhở liên tục về giữ khoảng cách an toàn.

NGUYỄN TRÍ – NGỌC HIỂN – NHƯ BÌNH
TTO