Vượt stress trong mùa COVID-19
Vượt stress trong mùa COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi nhiều đến cuộc sống. Có người bị mất công việc, mất thu nhập, lo lắng bị nhiễm bệnh…
Làm cách nào để vượt qua những lo lắng, stress trong mùa dịch?
Nỗi lo xa con nhiều tuần
Chị N.K.U., 33 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình (TP.HCM), mới phải cách ly tại một bệnh viện ở TP.HCM do bệnh viện này bị phong tỏa (có bệnh nhân và người trong bệnh viện nhiễm COVID-19). Khi bệnh viện bị phong tỏa, chị U. cùng các nhân viên khác phải cách ly tại bệnh viện và được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2.
Chị U. kể phải ở cách ly tại bệnh viện, cách biệt với môi trường bên ngoài và chờ đợi kết quả xét nghiệm mới cảm nhận được thời gian đó dài, tâm trạng hồi hộp đến nhường nào.
Chị U. có hai đứa con nhỏ nên khi phải cách ly chị rất nhớ và lo lắng cho hai con bị đột ngột xa mẹ. Không chỉ chị mà các nhân viên khác dù đã được chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 trước đó vẫn không khỏi lo lắng nếu lỡ bị nhiễm COVID-19 thì sẽ phải cách ly, điều trị xa các con, xa gia đình trong nhiều ngày. Chị U. cho biết chỉ nghĩ đến điều này thôi các chị đã cảm thấy stress.
Rất may, tất cả các xét nghiệm đều âm tính, chị được về nhà sau 4 ngày cách ly tại bệnh viện. Chị U. kể nếu thời gian cách ly nhiều hơn nữa chị cũng không chắc mình sẽ phải sống trong tâm trạng như thế nào nữa.
Còn chị N.P.T., 37 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhận được thông báo những người từng đến một cửa hàng gần nhà chị phải liên hệ với trạm y tế phường vì trong khoảng thời gian đó có một khách hàng đến mua hàng bị nhiễm COVID-19. Đọc đi đọc lại thông báo, chị T. vẫn thấy mình đi mua hàng đúng trong khoảng thời gian người nhiễm COVID-19 đến cửa hàng.
Chị T. cũng có hai đứa con nhỏ. Chỉ nghĩ đến chuyện mình bị lây bệnh, nhiễm COVID-19 phải cách ly gia đình và các con, chị đã bật khóc. Được người thân an ủi, nói cũng khó lây nhiễm vì chị không tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh. Lúc này chị mới bình tĩnh gọi đến trạm y tế phường để được hẹn lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đã âm tính, chị được cách ly tại nhà trong 14 ngày.
Nhiều chủ doanh nghiệp đang rất lo lắng về hoạt động của công ty trong thời gian tới. Anh N.P.H., 42 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), chia sẻ hơn một năm nay anh phải bỏ tiền vốn ra để bù vào những khoản thiếu hụt của công ty do công ty chỉ hoạt động cầm chừng.
Công ty anh tổ chức các lớp học về lập trình nhưng do dịch giã kéo dài hơn một năm nay nên có rất ít học viên theo học. Giờ công ty anh phải tạm dừng hoạt động và chưa biết đến khi nào mới hoạt động trở lại. Anh H. vẫn phải trả tiền thuê nhà hằng tháng dù chủ nhà đã giảm giá, ngoài ra còn phải trợ cấp cho những nhân viên nòng cốt chứ không lại sợ họ nghỉ việc tìm nơi làm mới…
Anh H. phải chi trả nhiều khoản cho công ty nhưng gần như không thu lại được gì. Anh không biết mình còn có thể tiếp tục bù lỗ cho công ty cho đến khi nào. Anh H. thường bị mất ngủ vì lo lắng cho những ngày tiếp theo.
Anh cũng tự nhủ với bản thân thôi không nên lo nữa, nhưng cứ nửa đêm lại thức giấc nửa chừng và không thể ngủ lại. Anh sợ tình trạng này kéo dài sẽ làm mình mắc bệnh trầm cảm.
Nên thay đổi suy nghĩ!
TS Ngô Xuân Điệp – chuyên gia tâm lý, trưởng khoa tâm lý Trường đại học KHXH&NV TP.HCM – cho biết dịch COVID-19 xảy ra thay đổi mọi hoạt động trước đây của tất cả mọi người. Con người bỗng dưng bị bó buộc trong nhiều thứ so với trước đây như luôn phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác…
Bên cạnh đó có nhiều thông tin để họ thấy lo lắng như số ca nhiễm tăng, người nhiễm này người nhiễm kia tử vong, công việc làm ăn ngày càng giảm sút, mất việc, đầu tư thua lỗ…
Tất cả những điều này làm cho con người dễ trống trải về mặt cảm xúc, dễ bị lo lắng, dễ bị stress… Vì vậy, có rất nhiều người rơi vào khủng hoảng “hiện sinh”.
Hiện sinh tức là trước đây họ có một mục đích, một mong muốn khác nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra họ lại thay đổi về mục đích, mong muốn. Ví dụ trước đây chỉ muốn kiếm tiền, nhưng giờ chỉ mong sao có được sức khỏe. Trước đây thích đi chơi, đi du lịch, tham gia các hội nhóm… thì bây giờ không thích nữa.
Khủng hoảng hiện sinh sẽ gây cho con người sự căng thẳng, gây ra trầm cảm. Đây là vấn đề mà nhiều người đang bị “vướng” vào.
Theo TS Ngô Xuân Điệp, nếu mọi người có suy nghĩ tích cực trong những ngày này thì có thể sự việc sẽ khác đi.
TS Xuân Điệp cho rằng đây là những ngày chúng ta sẽ có những sự trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có được. Khoảng thời gian này đã giúp chúng ta sống chậm lại, hướng về bên trong nhiều hơn thay vì hướng ra bên ngoài như trước kia. Tự bản thân mỗi người sẽ tự nghiền ngẫm để trưởng thành nhiều hơn.
Cuộc sống như trước đây hướng ra bên ngoài nhiều quá sẽ quên mất bản thân mình hoặc cùng lắm chỉ chăm sóc vẻ bề ngoài để được người khác khen. Khi ở nhà nhiều mình sẽ quan tâm đến những cái bên trong thuộc yếu tố nội tâm, các giá trị tinh thần, sự trải nghiệm.
Thời gian này nên tận dụng để có những trải nghiệm để bản thân phát triển theo những chiều hướng tốt, soi rọi lại cuộc sống của chính mình, giá trị của bản thân, giá trị của gia đình.
Còn nếu một người khủng hoảng quá, không chịu nổi những khó khăn này thì nên tìm đến các dịch vụ tư vấn tâm lý online miễn phí hoặc các phòng tư vấn tâm lý online để được hỗ trợ tâm lý.
Theo TS Ngô Xuân Điệp, mọi người nên vận động tại nhà nhiều hơn để có thể giảm đi tình trạng lo lắng. Trong thời gian ở nhà, có thể tìm xem những bộ phim hay, đọc những cuốn sách ý nghĩa và nghe những bản nhạc mình yêu thích để thấy phấn chấn, tươi vui hơn. Bên cạnh đó cũng nên nói chuyện, chia sẻ với những người thân trong gia đình và bạn bè để càng hiểu và yêu thương nhau hơn.