22/12/2024

Không quân Trung Quốc liên tục “lăm le” Biển Đông

Không quân Trung Quốc liên tục “lăm le” Biển Đông

Lợi dụng bối cảnh đại dịch hoành hành từ năm ngoái đến nay, không quân Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các hoạt động đáng quan ngại ở Biển Đông.
Hình chụp vệ tinh do ISI công bố năm 2020 cho thấy các máy bay quân sự KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện tại bãi đá Chữ Thập /// Ảnh: ISI
Hình chụp vệ tinh do ISI công bố năm 2020 cho thấy các máy bay quân sự KJ-500, KQ-200 và Z-8 hiện diện tại bãi đá Chữ Thập  ẢNH: ISI
Ngày 23.6, chuyên trang Defense news đưa tin Malaysia vừa công bố gói thầu mua 18 chiến đấu cơ hạng nhẹ kiêm máy bay huấn luyện.
Quyết định trên của Malaysia diễn ra chỉ vài tuần sau khi nước này lên tiếng chỉ trích việc 16 máy bay quân sự của Trung Quốc suýt xâm phạm không phận Malaysia, sau khi bị phát hiện có hành vi đáng ngờ ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra vào ngày 31.5, khiến Malaysia phải điều các tiêm kích để giám sát sau khi phát hiện các máy bay của Trung Quốc cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ 60 hải lý.

Hoạt động không quân tổng lực

Từ năm 2020 đến nay, trong lúc hầu hết các nước trong khu vực phải ứng phó đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn bất chấp tăng cường hoạt động không quân ở Biển Đông.

Việt Nam phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 24.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời những câu hỏi liên quan đến tình hình Biển Đông, đặc biệt liên quan đến việc gần đây, tàu trinh sát và máy bay Trung Quốc được phát hiện tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; và việc Trung Quốc triển khai dự án gắn thẻ tên nhằm ghi nhận các loại thực vật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Liên quan bãi đá Chữ Thập, bà Hằng khẳng định: “Mọi hoạt động xâm phạm đến chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Liên quan việc Trung Quốc gắn thẻ tên các loại thực vật ở Hoàng Sa, bà Hằng nhấn mạnh: “Các hành vi, dưới mọi hình thức, vi phạm chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa; quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.
Vũ Hân

Trong đó, Bắc Kinh nhiều lần điều động nhiều loại máy bay quân sự bao gồm chiến đấu cơ đa nhiệm như J-10 hay J-11, oanh tạc cơ chiến lược tầm xa H-6, máy bay trinh sát KJ-500, máy bay săn ngầm KQ-200… Cụ thể hơn, Trung Quốc đã điều động các oanh tạc cơ H-6 tập trận ở Biển Đông. Đây là dòng máy bay có thể mang theo các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình dùng để tấn công cả mục tiêu trên mặt đất lẫn tàu chiến, thậm chí có thể mang theo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.

Từ năm ngoái, máy bay trinh sát KJ-500 và máy bay săn ngầm KQ-200 cũng xuất hiện ở bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải, Đại học Hải chiến Mỹ) nhận xét: “Việc triển khai máy bay trinh sát, cảnh báo sớm ở quần đảo Trường Sa là cách Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát mọi động tĩnh ở Biển Đông”. “Mọi động tĩnh” ở đây bao gồm cả trên không lẫn trên mặt biển và trong lòng biển. Xa hơn, theo giới chuyên gia quân sự, Bắc Kinh thể hiện ý đồ sẵn sàng thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Vào tháng 11.2020, Đài CGTN (Trung Quốc) đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. Như vậy, Trung Quốc đang muốn tăng cường năng lực tấn công tầm xa ở Biển Đông.
Chính vì thế, kết hợp các diễn biến trên, có thể thấy Trung Quốc đang nuôi ý đồ xây dựng năng lực tác chiến tổng lực ở vùng biển này.

ASEAN bổ sung vũ khí còn hạn chế

Không riêng gì Malaysia bổ sung máy bay chiến đấu, Indonesia cũng đang thúc đẩy bổ sung lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ 4 trở lên. Các động thái này của một số thành viên của ASEAN được cho là nhằm đảm bảo năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa do không quân Trung Quốc tiến hành.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên ngày 24.6, TS Swee Lean Collin Koh (Chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận định một số nước trong khu vực tiến hành mua vũ khí, nhưng chủ yếu đơn hàng còn nhỏ.
“Ngay cả các kế hoạch bổ sung vũ khí của Indonesia vẫn chưa thực sự hoàn thiện do khó khăn về tài chính. Đại dịch đã khiến việc mua lại vũ khí lớn trở nên khó khăn. Nhiều khả năng các nước trong khu vực sẽ chốt các đơn hàng vũ khí lớn trước khi các nền kinh tế phục hồi ổn định thời hậu Covid-19”, theo TS Collin Koh.
HOÀNG ĐÌNH
TNO