10/09/2024

Nguồn lực của Công giáo tham gia thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ sở lý luận về nguồn lực tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay” nhằm thống nhất nhận thức và quan điểm về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong tham mưu ban hành chính sách, pháp luật, tạo cơ sở để các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển đất nước.

Nguồn lực của Công giáo
tham gia thực hiện an sinh xã hội
ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/6/2021

Lời mở

Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ sở lý luận về nguồn lực tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay” nhằm thống nhất nhận thức và quan điểm về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong tham mưu ban hành chính sách, pháp luật, tạo cơ sở để các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển đất nước. Trong tinh thần đó, chúng tôi được mời viết bài tham luận về “Nguồn lực của Công giáo tham gia thực hiện an sinh xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” cho cuộc Hội thảo này.

Chúng ta sẽ xác định tóm tắt “an sinh xã hội” và “từ thiện nhân đạo” là gì trong hoạt động xã hội của con người, tìm hiểu sơ qua về nguồn lực của Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN) trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo để có thể hướng những hoạt động xã hội vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

1. An sinh xã hội và từ thiện nhân đạo hiện nay được hiểu như thế nào?

1.1. An sinh xã hội 

1.1. An sinh xã hội [1] là một khái niệm được nêu trong Điều 22 của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 của Liên Hiệp Quốc. Điều này xác định rằng: “Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia”.

Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các nước tham gia ký kết Bản Tuyên ngôn đều thoả thuận rằng: xã hội, mà trong đó một người sinh sống, có thể giúp họ phát triển và tận dụng tối đa tất cả những lợi thế về văn hoá, công việc, phúc lợi xã hội, được cung cấp cho họ trong quốc gia đó để họ sống an lành (an sinh) và xứng đáng với nhân phẩm của mình. Nhân phẩm đó được xác định ngay trong Điều 1 của Bản Tuyên ngôn: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được Tạo Hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu”.

An sinh xã hội cũng có thể chỉ các chương trình hành động của chính phủ nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân, thông qua các biện pháp hỗ trợ, để người dân được đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn lực đầy đủ về thực phẩm, nơi cư trú, tăng cường sức khoẻ và phúc lợi cho người dân nói chung và đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người bệnh và người thất nghiệp. Các dịch vụ cung cấp an sinh xã hội thường được gọi là các dịch vụ xã hội như:

– Bảo hiểm xã hội, nơi người dân nhận được lợi ích hay dịch vụ khi họ đóng góp cho một chương trình bảo hiểm. Những dịch vụ này thường bao gồm việc chu cấp lương hưu, bảo hiểm tàn tật, phúc lợi cho những người thân còn sống và bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời đại hiện nay, bảo hiểm này còn mở rộng đến việc bảo vệ các thông tin riêng tư, môi trường sống an lành, sạch sẽ, yên tĩnh, kiểm tra an toàn lương thực, nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống lành mạnh, không bị tiếng ồn quá mức, bụi bặm, rác thải, không khí ô nhiễm…

– Các dịch vụ được cung cấp bởi chính phủ hoặc các cơ quan được chỉ định chịu trách nhiệm chu cấp an sinh xã hội, bao gồm việc chăm sóc y tế gọi là bảo hiểm y tế, chữa trị bệnh tật, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, chích ngừa và phòng chống dịch bệnh.

– An sinh cơ bản. Dù có tham gia vào các chương trình bảo hiểm cụ thể hay không, nhưng khi người dân bị thiên tai như hạn hán, lũ lụt, tai nạn, cháy nhà… đều được chính quyền hỗ trợ về các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, quần áo, nhà ở, giáo dục, tiền và chăm sóc y tế.

Như thế, an sinh xã hội thường được hiểu là các hoạt động xã hội do chính quyền thực hiện nhằm bảo đảm đời sống an lành cho người dân. Trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước Việt Nam bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Bản báo cáo đầy đủ và rất chi tiết “Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững” của ông Lê Tấn Dũng [3], Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngày 06/01/2021, cũng giúp ta hiểu phần nào những cố gắng của chính quyền và những thành quả trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong tình trạng một đất nước đang phát triển, chính quyền chưa thể bảo đảm hoàn toàn an sinh xã hội cho người dân. Vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ, tật bệnh, mồ côi, thất nghiệp cần giúp đỡ nên Nhà nước mời gọi toàn dân cùng chung tay lo cho an sinh xã hội bằng những hoạt động từ thiện nhân đạo.

1.2. Từ thiện nhân đạo

Ngoài những hoạt động xã hội của Nhà nước, các cá nhân và tổ chức xã hội cũng có nhiều hoạt động để tạo một cuộc sống ấm no, an lành, tốt đẹp cho đồng bào. Chúng ta gọi những hoạt động này là từ thiện nhân đạo.

“Từ thiện” [4] là một từ Hán Việt. Theo Từ điển Hán Việt Thiều Chửu, từ thiện (慈善) là kết hợp giữa hai từ Từ (thương yêu, như là nhân từ [thương người], từ tâm [lòng thương]) và Thiện (tốt lành). Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương con người. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương yêu thì không được gọi là ‘Từ Thiện’. Vì việc từ thiện thường là một việc tự nguyện, nên không có những nguyên tắc bắt buộc nào. Tuy nhiên, theo quan điểm chung, từ thiện là hành vi giúp người, nhưng không phải tất cả hành động giúp người nào cũng được gọi là từ thiện. Từ thiện thường phải đi chung với bất vụ lợi (làm không vì lợi ích riêng) và thiện nguyện (tự nguyện làm vì điều tốt). Các tôn giáo có những luật hay là những hướng dẫn cụ thể cho giáo dân về hình thức hiến tặng, để đạt kết quả tốt nhất cho người cho và người nhận.

“Nhân đạo” là đạo đức thể hiện ở sự thương yêu, quý trọng và bảo vệ con người hay có tính chất thương yêu, quý trọng và vì con người [5]. Chủ nghĩa nhân đạo [6] cũng được xác định là sự chấp nhận tất cả mọi người chỉ vì là con người và loại bỏ những quan điểm xã hội thiên vị, thành kiến, và thói quen phân biệt chủng tộc. Đó là hệ tư tưởng lấy con người là trung tâm cho mọi hoạt động của mình.

“Nhiều năm qua ở Việt Nam, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, sự góp mặt của một số người nổi tiếng đã góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực trong hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận” [7].

“Có thể thấy lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Vì thế trong thời gian tới, các hoạt động thiện nguyện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hoá, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ. Muốn vậy, người làm từ thiện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ. Tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc” [8].

2. Nguồn lực của Giáo hội Công giáo Việt Nam

2.1. Nguồn lực của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Dân số hiện tại của Việt Nam [9] là 98.112.843 người vào ngày 06/06/2021 theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, được công bố ở Hà Nội ngày 19/12/2019, tính đến thời điểm 1/4/2019, dân số Việt Nam có 96,2 triệu người. Có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo có 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số; Phật giáo có 4,6 triệu người, chiếm 4,8% dân số [10]. Số người theo các tôn giáo sụt giảm từ 15,6 triệu (năm 2009) xuống 13,2 triệu (năm 2019) nói lên thực trạng người Việt Nam càng ngày càng bớt quan tâm đến tôn giáo, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số, nhưng tín hữu các tôn giáo lại là những người đóng góp nhiều hơn cho cuộc an sinh xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo so với người không tôn giáo, vì họ luôn được nhắc nhở phải hành động theo tôn chỉ của đạo trong các lĩnh vực này.

GHCGVN hiện nay có 27 giáo phận. Theo kết quả của Tổng Điều tra ngày 1/4/2019, Công giáo có 5,9 triệu người. Nếu tính thêm khoảng 1 triệu người Công giáo sống ngoài Việt Nam, thì tổng số khoảng 7 triệu người, chiếm khoảng 7% dân số. Những Việt kiều này cũng là thành phần đóng góp rất nhiều cho đời sống an lành cũng như cho các công cuộc từ thiện bác ái trong nước. GHCGVN là một tổ chức quy củ, hoạt động thống nhất từ trên xuống dưới và là một nhân tố quan trọng để phát triển đất nước với những giá trị văn hoá như ý niệm về dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, khoa học tiến bộ, nền giáo dục quần chúng, chữ Việt… như chúng ta đã thấy trong dòng lịch sử Việt Nam từ năm 1615 đến nay [11].

GHVN hiện có khoảng hơn 5.000 linh mục triều và dòng, khoảng 5.000 chủng sinh đang được đào tạo trong các chủng viện và học viện để làm linh mục. Theo thống kê đầu năm 2019 của Uỷ ban Tu sĩ (UBTS) thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, trên toàn quốc có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu, trong đó có 1.670 linh mục dòng. Thống kê của UBTS trong năm 2018 vừa qua cho thấy, có 2.922 tu sĩ nam nữ được gửi đi nước ngoài, trong đó có 2.272 tu sĩ giúp hoạt động mục vụ tại các giáo xứ và 650 tu sĩ trực tiếp đi truyền giáo tại các vùng xa xôi hẻo lánh, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia Phi Châu[12].

GHCGVN có khoảng hơn 3.000 giáo xứ, mỗi giáo xứ do một hay 2 linh mục quản trị. Ngoài những lễ nghi hằng ngày, các tín hữu giáo dân còn được nghe giảng dạy để nâng cao về mặt nhận thức và được thúc đẩy để có những hoạt động từ thiện nhân đạo, thường được gọi là “bác ái”. Từ này có nghĩa là “tình yêu rộng lớn” bắt nguồn từ từ Caritas của tiếng Latinh, chuyểng sang tiếng Anh là “charity” hay tiếng Pháp là “charité”. Vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa [13] hay là chính Thiên Chúa (Deus est Caritas) nên những hoạt động bác ái từ thiện rất đáng được trân trọng vì chúng thể hiện tình yêu trong sáng, quảng đại, vô vị lợi của chính Thiên Chúa.

Do đó, khi làm việc bác ái, người tín hữu phải làm cách kín đáo và khiêm tốn, “không được để cho tay trái biết việc tay phải làm”[14] và phải đối xử với người nghèo khổ, tật bệnh, đói rách như với chính Chúa Giêsu[15]. Từ định hướng này, những việc bác ái từ thiện cũng ít khi được tổng kết, báo cáo minh bạch công khai, những cuộc quyên góp cũng chẳng có biên nhận, chứng từ hay cam kết. Việc này có thể dẫn đến một vài lạm dụng, phung phí, thậm chí làm sai mục đích bác ái từ thiện. Tuy nhiên, người tín hữu tin tưởng rằng: một khi đã có ý hướng chính đáng thì Thiên Chúa đã nhận lòng thành của mình rồi, còn ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước mắt Thiên Chúa và phải đền trả theo lẽ công bằng.

GHCGVN cũng như Giáo Hội toàn cầu có tổ chức một cơ quan hoạt động bác ái xã hội gọi là Caritas. Cơ quan này có mạng lưới ở trung ương Vatican xuống tới từng quốc gia, giáo phận và giáo xứ như chúng ta đang thấy ở Việt Nam. Mạng lưới này có thế vận động nguồn lực lớn lao của các tín hữu tham gia vào hoạt động an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo. Mạng lưới này huấn luyện cho người tín hữu biết cách hoạt động bác ái từ thiện cho có hiệu quả thiết thực như biết nghiên cứu tình trạng xã hội, soạn thảo dự án, vận động nguồn lực từ các tổ chức và nhà hảo tâm, tổng kết và báo cáo kết quả, thông tin để tạo tình liên đới.

Tuy nhiên nhiều tín hữu hiện nay vẫn làm việc bác ái theo kiểu đơn giản là cung cấp những dịch vụ cơ bản như cấp phát lương thực, quần áo, thuốc men, hơn là những dịch vụ xã hội cao cấp như dạy nghề, cấp vốn và cao hơn cả là xây dựng con người có văn hoá Công giáo để thật sự đạt được an sinh cho toàn xã hội. Hoạt động xã hội này được Giáo Hội hướng dẫn rất rõ ràng bằng học thuyết xã hội Công giáo phổ biến qua cuốn Tóm lược HTXHCG được Toà Thánh Vatican công bố năm 2004 [16], nhưng nhiều nơi chưa được học hỏi và quan tâm đúng mức.

Tiếc rằng ở Việt Nam, tín hữu hãy còn quá tập trung vào các nghi lễ, kinh nguyện mà chưa quan tâm đến hoạt động xã hội trên mọi lĩnh vực như Giáo Hội khuyến khích. Một trong các lý do đó là do các vị lãnh đạo trong GHVN, nhất là các linh mục, chưa được đào tạo kỹ lưỡng về lĩnh vực này, vẫn đặt Thiên Chúa là trung tâm cho mọi hoạt động trong đời sống trần thế, thay vì coi con người là trung tâm như Giáo Hội dạy bảo.

2.2. Một thí dụ cụ thể ở Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ Côi Tp. Hồ Chí Minh

Chúng tôi muốn trình bày một thí dụ cụ thể về cách vận dụng nguồn lực của các tôn giáo và quần chúng cho các hoạt động an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo, được thực hiện ở Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ Côi Tp. Hồ Chí Minh trong khoảng mười năm vừa qua. Hội có trụ sở đặt tại 33B Phùng Khắc Khoan, Quận 1, Tp.HCM. Chủ tịch hiện nay là bà Hoàng Thị Khánh.

Chúng tôi đã có dịp làm việc với Hội khi còn làm Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội và Giám đốc Caritas Việt Nam trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam từ năm 2003-2010, sau đó làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Y tế Xã hội của Hội từ năm 2010 đến nay. Kinh nghiệm của Hội là một thí dụ điển hình cho việc vận động nguồn lực của tín đồ các tôn giáo và quần chúng trong các lĩnh vực chúng ta đang bàn đến. Sau đây là những phần trích dẫn trong Báo cáo Tổng kết Nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội vào ngày 9/4/2021 vừa qua:

“Trong những năm 2015 – 2020, kinh tế tuy có nhiều cố gắng nhưng sự phát triển vẫn còn ở mức thấp không vững chắc, năng suất lao động thấp, cạnh tranh yếu, thiên tai bão lũ liên tục, đặc biệt cuối năm 2019 đầu năm 2020 cả nước phải chung tay chống đại dịch CoVid-19 và nạn xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho đời sống của người dân, đặc biệt người khuyết tật và trẻ mồ côi, đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong điều kiện nhu cầu người khuyết tật và trẻ mồ côi ngày càng cao nhưng con người làm công tác Hội và nguồn lực tài chánh có nguy cơ không bảo đảm đáp ứng, Hội đã chủ động với nhiều giải pháp, cách vận động, cách tổ chức chương trình, đặc biệt biết chọn việc, chọn vấn đề cốt lõi của Hội để tập trung thực hiện cho người khuyết tật và trẻ mồ côi không phân biệt địa bàn ranh giới.

Các chương trình hoạt động của Hội căng thẳng nhất vẫn là vận động quỹ Hội, bởi lẽ quỹ không còn thì các chương trình cũng không có điều kiện để triển khai, thực hiện.

Nhiệm kỳ 2011-2015: tổng thu vận động và phối hợp: 71.358.907.620đ.

Nhiệm kỳ 2015-2020: tổng thu vận động và phối hợp: 64.782.871.503đ.

Với kết quả từ nguồn quỹ vận động và phối hợp Hội đã tổ chức các hoạt động, các chương trình theo tiêu chí hoạt động của Hội và theo mong muốn của nhà tài trợ mà Hội thấy có lợi cho người khuyết tật và trẻ mồ côi như sau:

Chương trình dạy nghề và tạo việc làm:

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Trung tâm Dạy nghề đã tổ chức được 98 lớp nghề gồm: tin học, tranh ghép gỗ, hoa đất, may, điện dân dụng, kim hoàn. Từ năm 2019-2020 Trung tâm tổ chức thêm các khoá dạy kỹ năng trồng và chăm sóc nấm, hoa lan, cây kiểng với tổng chi: 12.257.567.251đ đã đào tạo cho 1.085 em, có 680 em tốt nghiệp ra trường và 451 em có việc làm. Với người khuyết tật, để một người có việc làm ổn định Hội phải chi bình quân gần 12.500.000 đồng/người, chưa kể chi phí bộ máy quản lý, cơ sở vật chất cho ăn ở và chăm sóc khi ốm đau, bệnh tật, đối với các em. Song kết quả lớn nhất là Hội đã tạo được điều kiện để 680 em trở lại cùng những con người bình thường, hoà nhập công đồng, tự tin và hạnh phúc.

Chương trình trợ giúp học bổng, xây nhà tình thương:

Ngoài sự tiếp sức của tổ chức TFCF (Taiwan Fund For Children and Families), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn VinaCapital, Công ty CP SX nhựa Duy Tân, Cty TNHH Koikeya, trong nhiệm kỳ 2015-2020 còn có sự đóng góp của hàng trăm mạnh thường quân với số tiền là 6.609.512.554 đồng. Hội đã tổ chức trao 6.698 suất học bổng các cấp.

Chương trình trợ giúp xe lăn và dụng cụ trợ giúp:

Xe lăn, xe lắc không chỉ là phương tiện đi lại mà đã trở thành người bạn thân thiết, là phương tiện giúp người khuyết tật mưu sinh (đi lại giao dịch, mua bán vé số…) là đôi chân, cánh tay nối dài giúp họ vui chơi giải trí (múa trên xe lăn). Nhiệm kỳ này Hội đã trao 775 chiếc cho người khuyết tật ở thành phố và ở các tỉnh với tổng trị giá 2.121.500.000 đồng.

Chương trình trợ giúp về y tế – Chăm sóc sức khoẻ:

Để chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo ở thành phố và các vùng lân cận, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, Ban Y tế – Xã hội đã vận động nhiều y, bác sĩ các bệnh viện, Hội răng hàm mặt, bệnh viện Thánh Mẫu, Trường Sao Việt (VStar School), tình nguyện viên, nhà hảo tâm hỗ trợ ngày công; mượn cơ sở vật chất, đóng góp tiền của, thuốc men, trang thiết bị y tế, quà…. Ban đã tổ chức được 27 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 29.465 người ở Di Linh, Đắc Nông, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh với số tiền là 8.704.877.000 đồng. Ngoài ra, tại địa chỉ 166F Bùi Thị Xuân, P. Phạm Ngũ Lão, TP.HCM, Ban Y tế – Xã hội cũng giúp chữa bệnh, phát thuốc cho 5.103 người khuyết tật, người bị bệnh về cơ xương khớp với tổng số tiền 536.970.000đồng.

Từ năm 2018, Ban Y tế- Xã hội đã dành thời gian nghiên cứu cách chữa trị cho các bệnh nhân khuyết tật, các trẻ tự kỷ bằng cách áp dụng phương pháp phản hồi thần kinh trên máy Brainmaster, phối hợp với phương pháp xoa nhẹ các phần vỏ não của bộ thần kinh trung ương, 4 đường dẫn máu vào não, tác động các đường dây thần kinh dọc theo cột sống, kết hợp với việc tăng cường khí oxy cho bộ não. Từ nghiên cứu này chúng tôi cũng giúp chữa trị cho 540 trẻ bị hội chứng tự kỷ và người tâm thần với tổng trị giá 1.019.200.000đồng.

Bên cạnh đó Ban cũng lo phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, làm chân giả cho 86 người và mổ mắt cho 77 người với số tiền 415.026.191 đồng; Tổ chức TFCF hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 403 em học sinh nghèo với số tiền 227.997.000 đồng. Tổng chương trình đã chăm lo y tế cho 35.674 lượt người với số tiền 10.904.070.191đ.

Chương trình hỗ trợ mưu sinh lập nghiệp, hỗ trợ theo yêu cầu của nhà tài trợ:

Từ nguồn vận động được trong xã hội, chuyển giao tiền theo yêu cầu của nhà tài trợ, Hội hỗ trợ và chuyển giao vốn để bán vé số, sửa xe, bán tạp hoá tại nhà, làm nghề đã học như hoa đất, gỗ mỹ nghệ… Tổng chương trình hỗ trợ mưu sinh lập nghiệp và hỗ trợ theo yêu cầu của nhà tài trợ là 5.292.207.098 đồng giúp cho 1.292 lượt người.

Để hỗ trợ kịp thời cho người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố đã giới thiệu và phối hợp với Hội, Hội đã vận động và các nhà hảo tâm tự nguyện đến với Hội, làm cầu nối để trao 1.660 phần quà trị giá 1.645.600.000 đồng.

Hoạt động tuyên truyền, văn hoá, thể thao:

Vào ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 hàng năm, Hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố và các đơn vị tổ chức Hội trại Suối Tiên cho 32.400 người khuyết tật các tỉnh phía Nam, hỗ trợ phần ăn sáng trị giá 502.200.000 đồng.

Chương trình chia sẻ, hỗ trợ Người khuyết tật & Trẻ mồ côi các địa phương khó khăn:

Nhiệm kỳ 2015-2020, ngoài chương trình khám bệnh, phát thuốc, trao quà trên đây, Hội đã tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho 3.900 người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao khó khăn như ở Lộc Ninh, Bình Phước, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La… với tổng số tiền 3.995.519.000 đồng, bao gồm quần áo, áo ấm, mì ăn liền, đường, dầu ăn, bột nêm, xe đạp…”.

Qua thí dụ điển hình này, chúng ta thấy nguồn lực của con người và các tôn giáo rất lớn cũng như an sinh xã hội mở rộng cho mọi lĩnh vực của đời sống.

3. Vài đề nghị để thống nhất nhận thức và quan điểm

Nhằm thống nhất nhận thức và quan điểm về nguồn lực của các tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo để phát triển đất nước, chúng tôi xin đề nghị một vài điểm sau đây rút ra từ thực tế của xã hội.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chính quyền luôn nhắc nhở “lấy con người là trung tâm”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay cả những lúc căng thẳng khi phải đối phó với dịch bệnh Covid-19. Phương châm “Lấy con người là trung tâm, lấy những giá trị văn hoá cốt lõi làm nền tảng” cũng được chính phủ Việt Nam giới thiệu với bạn bè thế giới [17]. Những sự kiện đó chứng tỏ Việt Nam đã tiến một bước rất dài trong nhận thức về giá trị con người so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển.

3.1. Con người là trung tâm

Khi lấy con người là trung tâm, chúng ta sẽ vượt qua những khác biệt, gây nên căng thẳng, xung đột và chia rẽ giữa những người đang theo đuổi những hệ tư tưởng khác nhau như duy vật và duy tâm, hữu thần và vô thần, duy lý và duy khoa học, cũng như những người theo tôn giáo khác nhau hiện có trong dân tộc Việt Nam. Nhờ vậy chúng ta dễ dàng để kêu gọi sự tham gia vào những công trình chung để vượt qua những khó khăn và phát triển đất nước.

Thí dụ điển hình là Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, sau khi chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào tối ngày 5/6/2021, thì 2 ngày sau đó đã nhận được sự đóng góp của đủ mọi tầng lớp nhân dân được 6.617 tỉ đồng [18].

Chúng tôi cũng trải nghiệm được điều này qua những chuyến công tác của Ban Y tế- Xã hội của Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi Tp. HCM. Mỗi chuyến đi có khoảng từ 120-150 bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, chuyên viên y tế và tình nguyện viên thuộc đủ thành phần khác nhau trong xã hội: đảng viên Cộng sản, đoàn viên Thanh Niên Cộng sản, Quân đội về hưu, Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, không tôn giáo, doanh nhân, người cao tuổi, bạn trẻ…. Tất cả đều có một mục tiêu duy nhất là đem lại sức khoẻ và hạnh phúc cho những con người nghèo khổ, khuyết tật, mồ côi. Cả ngàn người được khám sức khoẻ, khám chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc, phát quà là niềm vui và là phần thưởng cho tất cả những ai tham dự. Trong khi đó những dòng tu, xứ đạo Công giáo sẵn sàng cho chúng tôi ở miễn phí, phục vụ cơm nước và huy động bà con giáo dân giữ xe, giữ gìn vệ sinh, trật tự và đóng góp nguồn lực đáng kể giúp đỡ chúng tôi.

Tất cả những khám phá trong 20 năm gần đây về con người của các khoa học[19] mời gọi chúng ta phải thay đổi nhiều hiểu biết lỗi thời trước kia để tìm lại chính mình với vị thế là trung tâm. Cuộc tranh luận giữa hai dòng tư tưởng: “con người là ai” như một chủ thể biết suy tư và “con người là gì” như một tổng hợp các yếu tố vật chất, kéo dài từ nhiều ngàn năm nay và có thể kết thúc vào thời đại này khi chúng ta tìm ra được một định nghĩa đúng đắn về con người.

Thật ra, khoa học và niềm tin Công giáo không mâu thuẫn, xung đột với nhau, dù đây là hai lĩnh vực khác biệt. Trái lại chúng có thể soi sáng, bổ túc cho nhau vì con người vừa là chủ thể nhận thức bằng tinh thần vừa có thể xác là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Chúng tôi cũng đang dạy cho những tín hữu Công giáo hiểu rằng khi công nhận con người có tự do, chúng ta phải rất trân trọng những chọn lựa và những quan điểm khác nhau của mọi người để vượt qua những khác biệt.

Chúng tôi cũng dạy tín hữu rằng: vì là thụ tạo mang “hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa” với tinh thần là làn khí thiêng được ban tặng, nên con người là trung tâm và thay quyền Chúa bá chủ vạn vật [20] và là người anh lớn, chị lớn trong vũ trụ này. Cấu trúc vật chất của con người cũng giúp con người mở rộng tâm trí mình để hoà nhập với muôn loài thụ tạo trong vũ trụ, đón nhận tất cả là anh chị em con cùng một Cha Trên Trời, để tạo nên hoà bình giữa các vì sao thay vì chiến tranh với những người của các hành tinh khác.

3.2. Văn hoá là nền tảng để dân tộc an sinh và phát triển bền vững

Hiện nay, hầu như ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, người ta nói nhiều đến văn hoá, chính quyền cấp bằng khen “có văn hoá” cho gia đình, thôn ấp, khu phố [21]. Tuy nhiên, văn hoá không phải chỉ căn cứ vào vài tiêu chuẩn như: không đánh nhau, chửi nhau, không sử dụng ma tuý hay chơi bài bạc, không đổ rác ra nơi công cộng… nhưng phải dựa trên những giá trị mà con người đón nhận và sống theo đó.

Văn hoá là một trong bốn lĩnh vực quan trọng của đời sống con người: văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội và là yếu tố quyết định phẩm chất của đời sống vì con người có thể quyết định được hướng đi của đời mình và của cộng đồng dân tộc dựa trên những giá trị căn bản mà mình nhận thức được. Vì thế, tuỳ vào trình độ văn hoá cao hay thấp mà mỗi người hay mỗi dân tộc tự biểu hiện chính mình và giúp cho người khác hay dân tộc khác nhận biết họ.

Tháng 4/2018, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản XII nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng” [22].

Bộ Công an công bố số liệu năm 2020 trên toàn quốc [23] như sau:

– Số vụ phạm tội về trật tự xã hội: xảy ra 47.062 vụ; khám phá 39.250 vụ; bắt giữ, xử lý 81.901 đối tượng; tỷ lệ khám phá đạt 83,40%; triệt phá 1.944 băng, nhóm.

– Số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế: xảy ra 22.042 vụ, so với năm 2019 tăng 3.708 vụ.

– Số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường: xảy ra 26.134 vụ, so với năm 2019 tăng 788 vụ.

– Số vụ phạm tội về ma tuý: xảy ra 25.598 vụ, so với năm 2019 tăng 2.784 vụ.

– Tình hình giao thông: xảy ra 14.977 vụ, làm chết 6.857 người, bị thương 11.161 người.

– Xử lý hành chính về trật tự an toàn giao thông: xảy ra 3.681.468 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý; xử phạt 3.287,20 tỷ đồng; tạm giữ 584.395 ô tô, mô tô, xe máy.

Sau khi thành công bước đầu trong việc ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới tìm cách phục hồi nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng vì dịch bệnh. Nhiều biện pháp kinh tế đang được thực hiện, trong đó có cả những biện pháp phục hồi con người và nền luân lý, nhưng chúng ta đừng quên rằng chính con người mới là chủ thể của mọi hoạt động, trong đó có hoạt động kinh tế.

“Nếu chúng ta nhìn hoạt động kinh tế, kinh doanh là một phần hoạt động của con người toàn diện và chính con người này quyết định sản xuất hàng an toàn hay hàng độc hại, buôn bán hàng thật hay hàng giả, làm tốt hay làm dối những dịch vụ cho khách hàng, đối xử công bằng hay bóc lột người làm việc cho mình, đóng góp cho xã hội hay chỉ tích góp cho cá nhân mình, bảo vệ hay tàn phá môi trường… thì chúng ta không thể bỏ qua lòng đạo đức nghề nghiệp và cả yếu tố tôn giáo trong xã hội, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp như hiện nay”.

“Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật có thể dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massge trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, thị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, tinh thần”.

“Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này” [24].

Trước hiện trạng suy thoái về văn hoá không đi đôi với sự tăng trưởng về kinh tế và chính trị, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 7/1998) đã ra một nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sự kiện này cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về tầm quan trọng của văn hoá bên cạnh phát triển kinh tế. Nghị quyết khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội” [25]. Ý nghĩa của bước ngoặt này thậm chí chúng ta còn chưa đánh giá được hết, khi một chính đảng vô sản khẳng định ở mức độ chưa từng có vai trò lớn lao của văn hoá – cái thuộc thượng tầng kiến trúc – đối với sự phát triển xã hội.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội, cũng xác định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 về lĩnh vực văn hoá như sau: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” [26].

Văn hoá dần dần được coi là lĩnh vực then chốt bên cạnh kinh tế, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên. Còn nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho chúng ta:

– Đâu là những tiêu chí của nền “văn hoá nhân văn”, “lấy con người là trung tâm”? Con người đó thật sự là gì hay là ai? Gồm những yếu tố căn bản nào? Khoa học về con người quả thật đã thay đổi rất nhiều trong khoảng 20 năm vừa qua, nhưng những lập luận sai lầm về con người theo giả thuyết tiến hoá của Darwin, mà những cán bộ chính trị ở Việt Nam đang giữ và giảng dạy cho giới trẻ, làm sao có thể thuyết phục người ta xây dựng một nền văn hoá thật sự lấy con người là trung tâm?

– Trong bối cảnh toàn cầu hoá và những phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến trên mạng xã hội toàn cầu, các nền văn hoá giao thoa lẫn nhau, làm thế nào để giúp cho người Việt Nam biết phân biệt và đón nhận những giá trị tích cực và loại trừ các điểm tiêu cực trong các nền văn hoá đó?

– Trong việc “xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”, công cuộc đổi mới giáo dục là quan trọng hơn cả, nhưng đây lại là điểm yếu kém hơn hết. Có thể nói, nền văn hoá dân tộc được hình thành và phát triển như thế nào là tuỳ thuộc vào việc người dân được dạy dỗ trong gia đình, trường học và xã hội. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW tại Đại hội XII đã chỉ ra: “… giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, thành động lực phát triển. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu” [27]. Vậy chúng ta sẽ làm gì để đóng góp vào công trình giáo dục này?

Những vấn đề và các thách đố này sẽ thúc đẩy chúng ta phải tìm hiểu sâu xa hơn, hầu tìm ra cho mình và cho cộng đồng xã hội Việt Nam những nền tảng cần thiết để xây dựng nền văn hoá chân chính cho dân tộc thì chúng ta mới có thể đạt được an sinh xã hội bền vững.

Lời kết

Chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Tôn giáo Chính phủ đã cho chúng tôi có dịp đóng góp ý kiến trong Hội thảo khoa học này. Cầu chúc Hội thảo thành công tốt đẹp và mang lại những kết quả thiết thực cho sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.

  1. Wikipedia, An sinh xã hội.
  2. https://www.lexilogos.com/declaration/vietnamien.htm
  3. x. tapchicongsan.org.vn, Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững.
  4. Wikipedia, An sinh xã hội.
  5. Vietlex, Từ điển tiếng Việt 2013, mục từ Nhân đạo, tr. 916.
  6. Wikipedia, Chủ nghĩa nhân đạo.
  7. x. nhândan.vn, Hoạt động từ thiện phải từ cái tâm trong sáng.
  8. x. nhândan.vn, Hoạt động từ thiện phải từ cái tâm trong sáng.
  9. x. danso.org, Việt Nam.
  10. x. chinhphu.vn, Công bố kết quả chính thức Tổng Điều tra Dân số 2019, ngày 19/12/2019.
  11. x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2016, tr. 171-194.
  12. x. Bài phỏng vấn cha Tôma Vũ Quang Trung, Dòng Tên, thư ký Uỷ ban Tu sĩ của HĐGMVN, ngày 15/5/2019.
  13. x. Thánh Kinh Tân Ước, Thư I của thánh Gioan (1Ga 4,8.16).
  14. x. Thánh Kinh Tân Ước, sách Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 6,1-3).
  15. x. Thánh Kinh Tân Ước, sách Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 25,40).
  16. x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007.
  17. x. Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26, ngày 20/5/2021, Báo Tuổi Trẻ, ngày 21/5/2021, tr. 20.
  18. x. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 8/6/2021, tr. 3.
  19. x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr. 12-13.: Những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật với phương pháp so sánh protein và ADN của các loài vào năm 2005, giúp các nhà khoa học xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hoá thạch của loài người cách chính xác hơn. Nhờ đó đẩy lùi niên đại các tổ tiên ban đầu của tông người xa hơn, từ 40.000 năm lên đến 195.000 năm”. Tr. 18: “Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN. ADN được tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là các nhiễm sắc thể: mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể. Các gen này đã được giải mã để ta biết con người có cẩu trúc kỳ diệu không thể ngẫu nhiên tiến hoá mà thành”. Tr. 300-306: “Cấu trúc tế bào thần kinh còn kỳ diệu hơn nữa…”. Nhưng cho đến nay, với tất cả máy móc hiện đại, con người vẫn không tìm được chỗ nào trong con người chứa đựng tình yêu, hạnh phúc, tư tưởng, tự do… vì chúng thuộc về tinh thần chứ không phải vật chất.
  20. x. Thánh Kinh Cựu Ước, sách Sáng thế (St 1,26-27).
  21. x. Nghị định số 122/2018 NĐ-CP về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá, Thôn văn hoá, Làng văn hoá”… Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 18/9/2018.
  22. x.“Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin – Truyền thông.
  23. x. congan.haiphong.gov.vn, Bộ Công an công bố số liệu thống kê năm 2020.
  24. x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không? trong Hội thảo Quốc tế, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, từ 11-12/11/2013, với chủ đề: Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo gồm đại biểu các nước: Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Việt Nam.
  25. x. Đảng Cộng sản Việt Nam, “Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khoá VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng”, Văn kiện đại hội Đảng thời kỳ Đổi mới và hội nhập, NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 356-357.
  26. x. Toàn văn bản Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Điện tử của Chính phủ Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngày 26/2/2021.
  27. x. “Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin – Truyền thông.