24/01/2025

Chiến lược ‘đi sớm, đi mạnh’ trị COVID-19

Chiến lược ‘đi sớm, đi mạnh’ trị COVID-19

Đại dịch COVID-19 gần đây lại tiếp tục ảnh hưởng tới tiến độ làm luận án tiến sĩ của tôi khi toàn bộ đất nước New Zealand bị phong toả hai đợt từ đầu dịch (3-2020) đến nay.

 

Chiến lược đi sớm, đi mạnh trị COVID-19 - Ảnh 1.

Bảng hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phía trước một bệnh viện ở TP Auckland, New Zealand – Ảnh: NZ Herald

Tôi là nghiên cứu sinh đang học tập tại New Zealand, con trai tôi năm nay 12 tuổi. Chúng tôi đã lên kế hoạch về nước thăm gia đình từ tháng 3 năm ngoái, nhưng sau đó chuyến đi đã bị hủy vì COVID-19.

Trường ĐH Lincoln (TP Christchurch) nơi tôi theo học đã đóng cửa, tất cả mọi người được yêu cầu ở nhà. Trong khoảng thời gian đó, tôi không thể tới trường làm nghiên cứu và phân tích dữ liệu trên hệ thống phần mềm của trường. Do đó nghiên cứu của tôi đã bị gián đoạn và chậm trễ so với kế hoạch ban đầu.

Quyết liệt ngay từ đầu

Đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống và công việc của tôi trong một khoảng thời gian dài sau đó do toàn bộ đất nước New Zealand tiếp tục bị đặt trong tình trạng cảnh báo đại dịch ở mức cao.

May thay lúc này mọi thứ đã dần ổn định vì New Zealand không phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng nào kể từ ngày 28-2.

Từ những trải nghiệm cá nhân và thông tin nắm được thời gian qua, tôi muốn chia sẻ về những điều mà theo tôi, nhờ đó New Zealand đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, Chính phủ New Zealand đã cam kết thực hiện một chiến lược loại trừ để đối phó với đại dịch COVID-19.

Ngày 26-3, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo New Zealand sẽ bắt đầu phong tỏa toàn quốc ở cấp độ cao nhất trong khuôn khổ ứng phó bốn cấp và đóng cửa toàn bộ biên giới. Vào thời điểm đó, New Zealand chỉ có hơn 100 ca COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong. Bởi vậy cách tiếp cận “đi sớm, đi mạnh” này đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Tuy nhiên, chính sách này vẫn thuyết phục được đại đa số người dân New Zealand vì niềm tin rất lớn của họ dành cho Thủ tướng Jacinda Ardern. Nhà lãnh đạo này đã chèo lái hợp lý để New Zealand trở thành quốc gia gần như không có COVID-19. Bà cũng đã được người dân tín nhiệm bầu giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp.

Dù vậy, không thể không nhắc tới lợi thế địa lý tự nhiên của New Zealand và thói quen sinh hoạt của người dân nước này.

Do vị trí địa lý cách biệt, New Zealand không có chung biên giới với các quốc gia khác, dân số ít, thói quen sử dụng phương tiện cá nhân… Những điều này đã góp phần quan trọng giúp New Zealand kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Hỗ trợ để dân… ở nhà

Dĩ nhiên, một nhân tố quan trọng thứ ba không thể thiếu là người dân New Zealand đã tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của chính phủ. Hầu như tất cả mọi người đều mong sớm thoát khỏi đại dịch. Người dân địa phương và chúng tôi – các du học sinh nước ngoài – đều chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch.

Phần lớn các ca mắc COVID-19 ở New Zealand là do người nhập cảnh. Chính sách không cho phép những người không có quốc tịch cũng như không phải người định cư tại New Zealand nhập cảnh đã tạo nên tác động đáng kể trong việc đưa New Zealand trở thành quốc gia “không COVID-19”.

Bên cạnh đó, New Zealand cũng có một hệ thống theo dõi và cảnh báo dịch bệnh hiện đại, minh bạch và cập nhật.

Vào những lúc dịch bùng phát dữ dội, thủ tướng và bộ trưởng bộ y tế tổ chức họp báo trực tuyến hằng ngày để đánh giá tình hình, cung cấp thông tin các ca nhiễm mới, nguyên nhân và biện pháp xử lý.

Truyền thông cũng quyết liệt phản ánh các trường hợp không tuân thủ các quy định chống dịch. Họ thậm chí đã chất vấn gay gắt thượng nghị sĩ quốc hội trên sóng truyền hình khi có vi phạm những quy định này.

Trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa hoàn toàn, người lao động phải ở nhà, mất việc, mất thu nhập, Chính phủ New Zealand đã tung gói hỗ trợ những người có hợp đồng toàn thời gian và bán thời gian để họ yên tâm ở nhà chống dịch.

Các tổ chức từ thiện chung tay góp sức hỗ trợ thực phẩm, đồ dùng cho những gia đình khó khăn. Các trường đại học cũng hỗ trợ khoản vay cho các sinh viên khó khăn.

Tuy nhiên, ngày 18-4 vừa qua Chính phủ New Zealand đã mở cửa biên giới cho Úc. Việc này phần nào làm người dân lo ngại. Họ lo các mầm bệnh ngoại lai xâm nhập trở lại và biết đâu lại gây ra những đảo lộn khác nữa.

108 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng

Ngày 15-6, Bộ Y tế New Zealand cho biết nước này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng trong 24 giờ trước đó. Theo báo New Zealand Herald, số ca nhập cảnh dương tính với COVID-19 tiếp tục ở mức khá thấp và hiện không có dấu hiệu cho thấy tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo trang tin Stuff, như vậy New Zealand đã không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng trong 108 ngày qua. Đây cũng là số ngày dài nhất mà xứ sở kiwi đạt được kể từ đầu dịch COVID-19 tới nay.

Tổng số ca bệnh COVID-19 được xác nhận ở New Zealand đến nay là 2.353 và tổng số ca tử vong do COVID-19 là 26.

Theo Hãng tin Reuters, đến nay New Zealand đã phân phối ít nhất 775.444 liều vắc xin COVID-19, đủ tiêm cho khoảng 7,9% dân số nước này (mỗi người hai liều). Pfizer (Mỹ) là nhà cung cấp vắc xin chính cho New Zealand.

BẢO ANH

NGUYỄN THÙY LINH (nghiên cứu sinh ngành kinh tế học ĐH Lincoln, TP Christchurch, New Zealand)
TTO