25/12/2024

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Phương án nào khả thi?

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Phương án nào khả thi?

“Nghe tin TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm hai tuần, con tôi bảo sao năm nay học sinh cuối cấp lận đận quá vậy, muốn thi mà không được thi” – chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết.

 

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Phương án nào khả thi? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9/9 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM ôn thi môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (ảnh chụp ngày 26-5) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo chị Hà: “Đâu chỉ có học sinh, phụ huynh cũng vất vả lắm. Con trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên ham ngủ hơn ham học, ngày nào cũng dậy trễ. Có bữa con tôi ngủ nướng, quên cả buổi học online với cô giáo tiếng Anh. Từ đó, tôi phải canh giờ học online để nhắc con mở máy. Tôi lo nếu các con không học thì quên kiến thức hết, làm sao đi thi?”.

Nên có phương án dự phòng

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), kể: “Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bị dừng nên giáo viên vẫn phải sắp xếp để tiếp tục dạy online cho học sinh, giúp các em củng cố kiến thức. Buổi nào lên lớp, tôi cũng nghe các em sốt ruột vì chờ đợi quá lâu…”.

Thầy Đức Anh đề nghị: “Nếu có thể tổ chức được một kỳ thi là phương án tốt nhất vì chỉ có thi tuyển theo đề chung của Sở GD-ĐT TP mới đánh giá chính xác năng lực thí sinh. Việc thi tuyển không chỉ đảm bảo sự công bằng, khách quan mà còn tạo điều kiện cho những học sinh nỗ lực học tập, có sự chuẩn bị kỹ càng… được thể hiện mình.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP.HCM nên có phương án dự phòng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp. Khi không thể tổ chức thi thì phương thức xét tuyển nên được triển khai. Mà muốn như thế thì phải có sự chuẩn bị từ trước.

Việc xét tuyển vào lớp 10 ở TP.HCM là việc làm không đơn giản, nhất là xét tuyển vào các trường THPT tốp đầu. Tôi nghĩ ngoài học lực năm lớp 9 hoặc cả các năm lớp 6, 7, 8 thì cần có thêm tiêu chí phụ để xét tuyển vào các trường nổi tiếng”.

Bà Vũ Thu Thủy – có con học lớp 9 ở Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh – đưa ra ý kiến: “Việc dời thời gian thi để phòng tránh dịch bệnh là điều nên làm. Nhưng không nên dời quá lâu vì học sinh chờ đợi ngày thi trong thời gian dài sẽ có tâm lý ức chế, căng thẳng và mệt mỏi, nếu học sinh có đi thi cũng khó làm bài tốt.

Tôi rất lo lắng với tình trạng con tôi bây giờ, suốt ngày cháu chỉ ăn và ngủ. Khi mẹ nhắc ôn bài thì cháu nói con đã học hết rồi mà ba mẹ và thầy cô cứ nhắc nhở phải ôn bài”.

Từ câu chuyện của con mình, bà Thủy cho rằng: “Dịch bệnh kéo dài thì UBND TP.HCM nên thực hiện xét tuyển vào lớp 10, giải tỏa tâm lý cho học sinh và phụ huynh, giúp các trường THPT sớm chuẩn bị cho năm học mới sau khi đã tuyển sinh xong xuôi”.

Mong muốn xét tuyển

“Khi biết thành phố tiếp tục giãn cách thêm hai tuần, tôi và nhiều giáo viên lớp 9 đã bày tỏ mong muốn xét tuyển vào lớp 10, dù trước đó chúng tôi mong học sinh của mình được đi thi. Có thể phân tích một cách dễ hiểu thế này: hết tháng 6 mới hết giãn cách nhưng kỳ thi lớp 10 cũng không thể diễn ra đầu tháng 7.

Lý do vì đầu tháng 7 Sở GD-ĐT TP.HCM lo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (diễn ra từ ngày 6 đến 9-7). Như vậy, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì kỳ thi lớp 10 chỉ có thể diễn ra sau ngày 15-7. Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở

GD-ĐT cần ít nhất một tuần để làm đề thi, in sao đề thi, chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi…” – cô T.H., giáo viên môn văn một trường THCS nổi tiếng ở TP.HCM, tâm sự.

Theo cô H.: “Trong thời gian từ đây đến ngày thi, việc ôn tập từ xa đang là một cực hình cho cả giáo viên và học sinh lớp 9. Thầy cô sợ các em quên bài nên phải dạy online, hô hào, năn nỉ, dỗ dành học sinh ôn bài. Học trò thì than thở câu này cô dạy tụi con cả chục lần, thuộc lòng luôn rồi, học đi học lại mất hết cả hứng. Thế nên, tôi và học trò của tôi mong cho việc tuyển sinh lớp 10 sớm được thực hiện”.

Đồng tình với đề nghị xét tuyển vào lớp 10 nhưng một hiệu trưởng trường THCS ở quận Tân Bình đề xuất: “Cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc xét tuyển sẽ không có gì trở ngại nếu Sở GD-ĐT xây dựng phương án tuyển sinh với các tiêu chí cụ thể, quy trình rõ ràng. Hiện tại, học sinh lớp 9 đã đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập.

Trong quá trình các em đăng ký, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đã tư vấn rất kỹ, làm sao để nguyện vọng của các em phù hợp với năng lực học tập của bản thân. Tức là chỉ có những học sinh giỏi thực sự mới dám đăng ký dự thi vào trường THPT tốp đầu. Các trường THPT sẽ xét tuyển theo 3 nguyện vọng ấy, học sinh rớt nguyện vọng 1 thì sẽ được xét tiếp nguyện vọng 2, 3”.

Vị hiệu trưởng trên bộc bạch: “Điều tôi lo nhất khi tiến hành xét tuyển vào lớp 10 là làm sao để tránh tiêu cực của tình trạng nể nang, quen thân, gửi gắm…Muốn thế, các trường THPT cần công khai các thông tin về tuyển sinh lớp 10. Nếu cần thiết, trường THPT nổi tiếng có thể yêu cầu học sinh làm bài luận hoặc bài kiểm tra – đánh giá năng lực – ngoài kết quả học tập đã thể hiện ở học bạ bậc THCS”.

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Phương án nào khả thi? - Ảnh 2.

Thầy Nguyễn Kế Dân, Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM, dạy ôn thi trực tuyến môn toán cho học sinh lớp 9 chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh lớp 10 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Vẫn cần một kỳ thi

Trong khi đó, thầy Trịnh Quốc Hùng – tổ trưởng tổ hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) – cho rằng: “Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không thể tổ chức xét tuyển hoặc thi online mà nên thi trực tiếp. Nếu dịch bệnh căng thẳng kéo dài thì dời ngày thi qua tháng 8, thậm chí đến tháng 9-2021”.

Thầy Hùng tính toán: “Ở bậc THCS, cách dạy học và đánh giá học sinh hoàn toàn khác với bậc THPT. Nếu thực hiện xét tuyển thì việc xét vào các trường THPT chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa sẽ thực hiện như thế nào trong khi số lượng học sinh lớp 9 đạt học lực giỏi rất nhiều? Vì vậy, thi tuyển vẫn là phương án tối ưu.

Giả sử đến tháng 9 mới có thể thi vẫn không ảnh hưởng gì. Sau khi thi hai tuần là có kết quả tuyển sinh rồi. Các em học sinh sẽ nhập học lớp 10 trễ hơn các lớp khác 1 tháng. Lúc ấy, nhà trường THPT sẽ kết hợp dạy học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để giúp học sinh hoàn thành chương trình”.

Cô Lê Thị Lan Anh, phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM – ngôi trường có điểm chuẩn vào lớp 10 thuộc tốp cao nhất thành phố, cho hay: “Những năm trước, khi có tổ chức thi, tôi xem học bạ bậc THCS của những học sinh thi đậu vào lớp 10 thường ở trường tôi thì thấy hầu hết các em đều có điểm trung bình trên 9,0. Trong khi theo quy định của Bộ GD-ĐT thì điểm trung bình từ 8,0 trở lên là đạt học sinh giỏi rồi.

Do đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 thường có thể thực hiện bằng phương thức xét tuyển. Còn việc tuyển sinh vào lớp 10 chuyên thì vẫn cần một kỳ thi tuyển mới có thể cho ra kết quả chính xác và khách quan. Hiện trường chúng tôi đang chờ, khi dịch bệnh tạm ổn là tiến hành thi ngay”.

Sở GD-ĐT sẽ tham mưu phương án phù hợp

Chiều 14-6, ông Dương Trí Dũng – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Ngành giáo dục – đào tạo TP hiện có 702 học sinh và 387 giáo viên đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly. Về kỳ thi lớp 10, sở sẽ tham mưu cho UBND TP phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình dịch bệnh”.

Theo ông Dũng, ngay sau khi UBND TP.HCM có quyết định giãn cách và dừng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (dự kiến tổ chức ngày 2 và 3-6), sở đã cho hủy toàn bộ đề thi, tài liệu, ấn phẩm liên quan đến kỳ thi, đồng thời giải tán hội đồng ra đề, in sao đề thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn TP.

“Hiện tất cả các hoạt động giáo dục cũng như các kỳ thi của TP đã được tạm hoãn theo chỉ đạo của UBND TP. Sở đang theo dõi sát các diễn biến về tình hình dịch và sẽ có tham mưu cụ thể cho lãnh đạo TP về phương thức tuyển sinh lớp 10 cho phù hợp, tránh trùng lắp với thời gian thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 9-7-2021” – ông Dũng nói thêm.

HOÀNG HƯƠNG
TTO