Nghiên cứu mới về vắc xin COVID-19 mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư, ghép tạng

Nghiên cứu mới về vắc xin COVID-19 mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư, ghép tạng

Một liều bổ sung của vắc xin COVID-19 có thể giúp một số người từng thực hiện phẫu thuật ghép tạng tăng cường sự bảo vệ trước dịch bệnh, theo một nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ).

 

Nghiên cứu mới về vắc xin COVID-19 mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư, ghép tạng - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế được tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech tại thành phố Providence, Rhode Island, Mỹ – Ảnh: AP

Theo Hãng tin AP, khi hầu hết những người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 đang ăn mừng vì có thể quay trở lại cuộc sống gần như bình thường, hàng triệu người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch vì đã ghép tạng, bị ung thư hoặc các rối loạn khác vẫn còn băn khoăn.

Họ không chắc 2 liều vắc xin có thật sự bảo vệ họ khỏi bệnh COVID-19 hay không. Đơn giản là vì vắc xin khó có thể giúp đỡ một hệ miễn dịch yếu.

Nghiên cứu, công bố trên tập san học thuật Annals of Internal Medicine ngày 14-6, chỉ theo dõi 30 bệnh nhân ghép tạng nhưng là một bước quan trọng trong việc tìm hiểu một liều vắc xin bổ sung có thể giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho nhóm người này hay không.

Liều bổ sung không giúp tất cả các bệnh nhân tham gia nghiên cứu. Tuy nhiên, trong số 24 bệnh nhân dường như không nhận được sự bảo vệ trước COVID-19 sau khi tiêm 2 liều vắc xin, có 8 người (chiếm 1/3) đã phát triển một số kháng thể chống lại virus corona sau khi tiêm thêm một liều bổ sung.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins cũng ghi nhận tất cả 6 người khác đã phát triển lượng kháng thể tối thiểu sau 2 liều tiêm, tăng đáng kể lượng kháng thể sau liều tiêm thứ ba.

“Kết quả rất đáng khích lệ”, bác sĩ Dorry Segev, chuyên gia ghép tạng của ĐH Johns Hopkins và dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins đang hợp tác với Viện Y tế quốc gia để bắt đầu thử nghiệm mũi tiêm thứ ba trên 200 bệnh nhân ghép tạng trong hè này.

Đối với bệnh nhân ghép tạng, các thuốc ức chế miễn dịch mạnh sẽ ngăn cơ thể họ đào thải các bộ phận mới ghép nhưng cũng khiến họ cực kỳ dễ tổn thương trước virus corona.

Các thử nghiệm lâm sàng về vắc xin COVID-19 đều bỏ qua nhóm người này. Tuy nhiên, các bác sĩ kêu gọi họ nên tiêm chủng với hi vọng có thể giúp họ đạt được sự bảo vệ ở một mức độ nào đó trước COVID-19.

Nhóm nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins gần đây đã kiểm tra hơn 650 bệnh nhân ghép tạng và nhận thấy 54% có kháng thể chống lại virus corona sau khi tiêm hai liều vắc xin của Hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, dù nhìn chung lượng kháng thể này vẫn thấp hơn những người khỏe mạnh tiêm đủ liều.

Đây không chỉ là vấn đề đáng lo ngại cho những người ghép tạng. Một nghiên cứu gần đây trên các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus (bệnh tự miễn), và các rối loạn tự miễn khác cho thấy chỉ 85% phát triển kháng thể.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Alfred Kim của ĐH Washington tại St. Louis, những bệnh nhân dạng này và những người phải thường xuyên dùng thuốc ức chế miễn dịch sản xuất rất ít kháng thể, và đây là điều đáng lo ngại.

Bác sĩ Kim cho biết bệnh nhân mắc bệnh tự miễn không cảm thấy dễ chịu khi biết hai liều vắc xin có hiệu quả với họ thấp hơn với những thành viên khỏe mạnh khác trong gia đình. Ông Kim cũng muốn thử nghiệm liều thứ ba với nhóm bệnh nhân này.

Mỹ hiện vẫn chưa cho phép tiêm thêm liều vắc xin COVID-19 bổ sung. Trong khi đó, Pháp đã khuyến cáo nên tiêm liều thứ ba cho những người chịu ức chế miễn dịch nghiêm trọng, trong đó có người ghép tạng.

Dù vậy, vẫn cần thêm các nghiên cứu quy mô lớn để biết liệu liều thứ ba có thật sự hữu ích hay không. Bác sĩ Kim nhận định bây giờ “cách tốt nhất để bảo vệ những người này là những người khác phải tiêm chủng” để họ ít có nguy cơ bị phơi nhiễm virus corona.

ANH THƯ
TTO