NATO cải cách để hợp thời
NATO cải cách để hợp thời
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sự kiện quan trọng, có thể xác lập tầm nhìn cải cách cho NATO 2030 trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Nói như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo cách đây vài ngày, màn gặp gỡ của 30 lãnh đạo thế giới tại Thượng đỉnh NATO tổ chức tại Brussels (Bỉ) ngày 14-6 là một thời khắc then chốt, mang ý nghĩa thay đổi đối với an ninh chung cũng như với chính liên minh quân sự 72 năm này.
Trung Quốc phủ bóng
Với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc gặp của NATO là dịp để Mỹ và các đồng minh phần nào đó “hàn gắn” sau bốn năm nhiều biến động dưới thời tổng thống Donald Trump. Chính quyền ông Biden và các thành viên NATO còn lại sẽ tập trung thảo luận chiến lược NATO 2030, với những thay đổi mang tính cải cách về hoạt động của liên minh cũng như mở rộng các lĩnh vực hợp tác.
Dù bị mô tả là cuộc gặp “hàn gắn” cho những “hậu quả” thời Trump, Thượng đỉnh NATO vẫn xoay quanh những vấn đề nhạy cảm từ thời vị tổng thống tiền nhiệm này: thái độ của NATO với Trung Quốc là gì, các nước NATO khác đóng góp bao nhiêu tiền cho liên minh, và đâu là những ưu tiên hợp tác trong trật tự thế giới mới.
Người Mỹ hôm 14-6 công khai những kỳ vọng tại thượng đỉnh ở Brussels, trong đó thúc giục các đồng minh bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Về phần còn lại của NATO, tổ chức này dường như buộc phải chọn cách tiếp cận ít cứng rắn hơn. Một mặt, với NATO, Trung Quốc không phải mối đe dọa quân sự trực tiếp như cảm nhận của khối này với Nga. Ngoài ra, đa số các thành viên quan trọng của NATO không ủng hộ cách tiếp cận chia rẽ sâu sắc Mỹ – Trung như thời ông Trump.
Mặt khác, NATO cũng cảm nhận sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kinh tế và đầu tư ở những lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ mà điển hình là 5G và Huawei. Và nếu có một yếu tố xúc tác cho việc NATO cứng rắn hơn với Trung Quốc, đó có thể là vấn đề quyền con người trong cáo buộc “cưỡng bức lao động” ở Tân Cương, và sự quyết đoán ngày càng tăng về mặt ngoại giao của Bắc Kinh với các nước châu Âu thời gian qua.
Chúng ta hiểu rằng Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng ta.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg
NATO xuống Biển Đông?
Như phản ánh cách tiếp cận vừa phải, nửa đấu tranh – nửa hợp tác của NATO, Tổng thư ký Stoltenberg ngày 14-6 lặp lại quan điểm của NATO với Trung Quốc: Trung Quốc không phải đối thủ nhưng cũng không chia sẻ với chúng ta về các giá trị chung.
Theo ông Stoltenberg, Trung Quốc không phải đối thủ hay kẻ thù vì vẫn có thể hợp tác với NATO về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay kiểm soát vũ khí. Dù vậy, NATO vẫn nhìn nhận Trung Quốc đang đi ngược lại giá trị của NATO về chuyện quyền con người cũng như tự do hàng hải.
Vấn đề là NATO sẽ cứng rắn cỡ nào khi nhắc tới những khác biệt với Trung Quốc, ví dụ “tự do hàng hải”?
Giới phân tích đa phần đồng ý rằng cho đến nay NATO cơ bản nhất trí thúc đẩy vai trò rộng lớn hơn của mình trong vấn đề an ninh toàn cầu, thay vì mục đích ban đầu từ năm 1949 chỉ bao trùm Bắc Đại Tây Dương. Nhiều ý kiến, tuy vậy, đặt dấu hỏi cho tham vọng thực sự của NATO.
Lấy ví dụ, trong khi Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, với đối trọng là Trung Quốc, đây có vẻ là lúc hơi sớm để NATO hiện diện tại đây. Cuối năm 2019, Tổng thư ký Stoltenberg từng nói thẳng: “NATO đang, sẽ và vẫn là một liên minh khu vực vì châu Âu và Bắc Mỹ… Không có chuyện NATO sẽ xuống Biển Đông”.
Tuy nhiên, “không có chuyện NATO xuống Biển Đông” có thể chỉ là câu nói phản ánh đúng thái độ hiện tại của NATO. Những gì diễn ra tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels ngày 14-6 có khả năng khởi đầu cho một đường hướng hợp tác mới, vốn sẽ “mang NATO tới Biển Đông” theo một cách thức nào đó.
Công bố từ phía Nhà Trắng ngày 14-6 nhấn mạnh mục tiêu nâng cao năng lực của NATO về việc thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác thực tiễn với các đối tác của NATO, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Trong số này, Nhật Bản và Úc được xem là những quốc gia đặc biệt đối diện với thách thức từ Trung Quốc ở những mặt khác nhau và cũng là hai trong số các nước lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc phản bác yêu sách biển quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông.
Một khi NATO mang tham vọng mở rộng phạm vi và cách thức hợp tác trong vấn đề an ninh toàn cầu, các đối tác như Úc, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc sẽ là cầu nối từ Đại Tây Dương sang Biển Đông.
Mô hình chiến lược mới
Theo Nhà Trắng, các thành viên NATO sẽ khởi động hàng loạt sáng kiến nhằm đảm bảo liên minh này sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh tới năm 2030 và sau đó.
Trong số các sáng kiến này, nổi bật là một “mô hình chiến lược” mới điều hướng cho cách tiếp cận của NATO trong thời đại mới vốn đặt trọng tâm vào: chính sách và hành động của Nga; thách thức do Trung Quốc đặt ra với an ninh, thịnh vượng và giá trị chung; các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu…