25/12/2024

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động

TP.HCM kéo dài giãn cách, các doanh nghiệp ngành dịch vụ ngoài việc chấp hành bởi dịch bệnh còn phức tạp thì đều nỗ lực vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động trong thời buổi khó khăn, trong đó đẩy mạnh bán hàng online.

 

Doanh nghiệp nỗ lực duy trì hoạt động - Ảnh 1.

Quán ăn trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TP.HCM thu dọn bàn ghế và chỉ phục vụ bán mang về – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Minh – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Food Center – cho biết trong thời gian giãn cách vừa qua, chuỗi nhà hàng của doanh nghiệp này tại TP.HCM vẫn bán hàng online, đảm bảo nguyên tắc phòng dịch 5K nên 14 ngày giãn cách tiếp theo vẫn duy trì như thế. Việc TP kéo dài giãn cách đã nằm trong kịch bản kiểm soát rủi ro, kế hoạch kinh doanh nên ông Minh nói không bất ngờ.

Ông Minh cho hay dù đây là thời điểm kinh doanh đầy áp lực của ngành F&B (dịch vụ ẩm thực) nhưng doanh nghiệp này vẫn vững tâm hoạt động để phục vụ khách hàng, đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên và giữ sự hiện diện của thương hiệu, sẵn sàng phục hồi khi TP hết giãn cách.

Trong khi đó, đại diện một chuỗi thức uống lớn cho biết dù chỉ bán hàng mang về với mức đặt hàng giảm nhưng doanh nghiệp này vẫn phải duy trì kinh doanh để nhân viên có việc làm, có thêm dòng tiền trang trải các chi phí cũng như không để hoạt động của công ty bị gián đoạn.

“Giai đoạn này dù khó khăn, thu không đủ chi nhưng không thể không hoạt động, bởi khách hàng vẫn có nhu cầu và hơn hết là phải tạo việc làm cho đội ngũ nhân viên đã gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm qua” – đại diện chuỗi thức uống này nói.

Ông Trần Tiến Bắc, chủ một chuỗi gần 20 tiệm cắt tóc, cho biết giãn cách thì phải đóng cửa, doanh thu bằng 0 song năm nay công ty đã rút kinh nghiệm, thương lượng với các chủ nhà nên 90% các tiệm đều được giảm tiền thuê, giúp doanh nghiệp bớt đi gánh nặng mặt bằng.

Theo ông Bắc, sau thời điểm giãn cách, nhu cầu người dân cắt tóc, làm đẹp sẽ tăng lên nên doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng TP sớm dập dịch để chuỗi này được hoạt động trở lại.

Tương tự, giám đốc một chuỗi thời trang cho biết doanh nghiệp này đã thử duy trì một số cửa hàng có doanh số cao song lượng mua quá ít, doanh thu không đủ bù các chi phí nên đành phải đóng hết các cửa hàng, chuyển sang kinh doanh online dù doanh thu rất nhỏ giọt. Với quyết định giãn cách thêm 14 ngày, chủ doanh nghiệp này cho biết sẽ chấp hành và vẫn phải duy trì một phần lương cho nhân viên trong thời gian đóng cửa.

“Bây giờ mình co cụm lại chuyển sang bán online để vừa phòng dịch vừa hoạt động cầm chừng nuôi nhân viên chứ không còn cách nào khác” – vị này nói.

* Chị Nguyễn Thị Mỹ Thịnh (chủ tiệm tóc, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú): Cần hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực dịch vụ

Tôi đồng tình với việc giãn cách, vì nếu nôn nóng mở cửa thì dịch bệnh thậm chí có thể kéo dài hơn. Tiệm chúng tôi đóng cửa từ ngày 26-5 đến giờ, 6 thợ làm ở đây đều là người từ các tỉnh lên TP thuê nhà đi làm nên rất khó khăn. Thời gian đóng cửa vừa qua, tôi chỉ có thể hỗ trợ chút đỉnh để các bạn có tiền chợ búa chứ cũng không lo được bao nhiêu.

Tôi vi vọng các bạn có thể nhận được một khoản hỗ trợ nào đó từ TP, bất cứ bao nhiêu cũng sẽ giúp đỡ họ rất nhiều trong lúc này.

* Ông Lê Minh Tấn (giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM): Xem xét hỗ trợ những ngành nghề bị thiệt hại nặng

Sở đã đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 1.070 tỉ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Gói an sinh lần này sẽ có thủ tục đơn giản hơn theo hướng để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận hơn, mang đến sự hỗ trợ kịp thời và thật sự mang ý nghĩa “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Tuy nhiên với số lao động đang làm trong các ngành nghề tự do, lao động buôn gánh bán bưng, những ngành nghề mới phát sinh như xe công nghệ… không thể dùng ngân sách TP để hỗ trợ. Sở đang đề nghị TP cho sử dụng nguồn kinh phí vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp để hỗ trợ. TP cũng đang xem xét những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất để có hỗ trợ cụ thể.

Đợt dịch lần này diễn biến phức tạp hơn nhưng các doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn trong khâu sản xuất, nên có nhiều giải pháp tích cực để giữ chân người lao động. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ thì gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên số lao động mất việc, ngừng việc tính đến thời điểm này không tăng hơn so với thời điểm giãn cách năm 2020.

NGỌC HIỂN – VŨ THỦY
TTO